10/06/2019 16:31 GMT+7

Nhà Cỏ của Yến

MAI HƯƠNG
MAI HƯƠNG

TTO - Cô gái trẻ 9X, học đại học kinh tế, làm việc công ty xây dựng, đột ngột bỏ tất cả về làm vườn. Bước rẽ xanh của Yến bắt đầu từ một cú sốc...

Nhà Cỏ của Yến - Ảnh 1.

Nhà Cỏ được Yến trang trí theo tự nhiên - Ảnh TỰ TRUNG

Một ngày hè nóng nực tháng 5-2018, trong phòng trọ nhỏ ở quận Bình Thạnh (TP.HCM), Phi Yến mở máy tính viết thư mà lòng ngổn ngang.

Tìm cách cứu mẹ

Bức thư gửi Tony Buổi sáng: "Gửi dượng Tony, con là Võ Thị Phi Yến, quê Quảng Nam, học ngành kế toán - kiểm toán Đại học Công nghiệp TP.HCM. Hiện con đã ra trường, có vị trí tốt ở công ty chứng khoán. Nhưng con không muốn tiếp tục công việc đang làm, và con đã nhìn ra một con đường khác. Nhờ dượng giúp con tìm thầy, tìm bạn cùng chí hướng để cùng đi với con trên con đường ấy...".

Không phải tự dưng Yến có quyết định lạ lùng. Đó cũng không phải chuyện bốc đồng. Chỉ mới ít tháng trước, Yến cũng như bao cô gái 9X năng động khác cố gắng kiếm nhiều tiền, mua được nhiều thứ, đi được nhiều nơi. Đó là cuộc sống mà chính cô và ba mẹ tự hào, mong muốn.

Đột ngột, quê nhà báo tin mẹ bệnh. Từ một phụ nữ đảm đang, bao năm cùng chồng làm ruộng trên mảnh đất rộng hơn một mẫu mà không cần thuê mướn ai, giờ mẹ không tự đi vệ sinh, không cầm nổi chén ăn. Yến đưa mẹ vào TP.HCM, bác sĩ nói bà bị nhiễm độc thuốc trừ sâu. 

Ngoài thuốc men, bà phải ăn thực phẩm sạch. Vậy là bao năm kiếm miếng ăn từ đất, nuôi con ăn học nhờ đất, đến giờ mẹ không thể ăn gạo, rau, trái nhà trồng kiểu cũ. Yến buộc phải tìm đến những cửa hàng thực phẩm sạch giá cao.

Nhà Cỏ của Yến - Ảnh 2.

Yến (giữa) trao đổi với khách hàng - Ảnh TỰ TRUNG

Sau thời gian điều trị, mẹ đã đỡ hơn. Nhưng bà không thể ở phòng trọ thành phố với Yến mãi. Còn mảnh đất quê sau nhiều năm tưới tắm bằng thuốc trừ sâu liệu còn có thể trồng rau trái sạch hay không? Cứ như thế, liệu bệnh mẹ có tái phát? Những câu hỏi quay cuồng trong đầu Yến.

Yến mua sách, lên mạng tìm đọc thật nhiều về nông nghiệp, "thọ giáo" nhiều người nổi tiếng đang vận hành chuỗi thực phẩm xanh. Cô còn đi gặp nông dân, thậm chí tìm thuê đất để tính chuyện làm vườn sạch. Nhưng sau rất nhiều nỗ lực, cô cảm giác mình vẫn chưa tìm đúng hướng.

Cỏ Eco Home

Nhớ lại lần viết thư cho Tony Buổi sáng, Phi Yến kể: "Đang viết thư, một người bạn kêu mình lên Facebook trò chuyện gấp, có việc cần nhờ. Vừa mở Facebook, thấy bài viết fanpage Vườn Cô Hà. Mình bị cuốn vào, mê mải, quên cả trò chuyện với bạn".

Chạy xuống "Vườn Cô Hà" - một mảnh vườn ở ngoại ô TP.HCM, gặp chủ vườn và được chia sẻ phương châm làm vườn thuận tự nhiên, ngọn cỏ cũng có giá trị của nó, Yến biết mình đã tìm đúng thầy.

Gác lại ý định thuê đất trồng rau, thôi nghĩ đến những mô hình cung ứng chuỗi thực phẩm sạch mà quy mô đầu tư vượt quá khả năng, Yến đến mảnh vườn cô Hà để cùng làm việc như nông dân thực thụ.

Nhà Cỏ của Yến - Ảnh 3.

Yến mong muốn mọi được dùng thực phẩm sạch - Ảnh TỰ TRUNG

Nhìn những tình nguyện viên nhặt từng viên sỏi để làm sạch đất, chặt tre đóng luống, xin bã mía về ủ phân, nhìn từng ngọn rau mạnh mẽ vươn lên trên mảnh đất vốn nhiễm phèn, Yến nhận ra vấn đề không chỉ là tìm rau sạch để ăn, mà rộng hơn phải làm sao cho ngày càng có nhiều người trồng rau sạch. 

Không phải chỉ tìm khu vườn nhỏ để chữa bệnh cho mẹ, mà cần làm gì đó để không còn nông dân phải đánh đổi cuộc sống và tương lai các con bằng chính sức khỏe, thậm chí tính mạng ở môi trường đầy thuốc độc hại.

Từ suy nghĩ đó, Yến khởi đầu bằng mở Cỏ Eco Home trong con hẻm tĩnh lặng tại đường Đoàn Thị Điểm, phường 1, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Cô vận hành Cỏ như nơi tập trung những mặt hàng, từ ăn uống đến vải vóc, dụng cụ theo hướng xanh, thuận tự nhiên. 

Đến Cỏ, người ta có cảm giác bước vô bếp nhà mình để lục lọi và tìm thấy đủ thứ, từ đường thốt nốt, bơ đậu phộng, tương bần, tôm rừng đước Cà Mau đến mứt dừa, chuối, nghệ, xoài, gừng, trà đậu biếc, sả chanh, gạo rang... Hằng tuần, Cỏ còn có rau sạch, các loại dưa chua, cà, mắm.

"Em tự tin tất cả hàng ở Cỏ đều sạch ở mức độ tối đa có thể, từ nguyên liệu cho đến cách chế biến, đóng gói, bảo quản. Bởi vì mỗi sản phẩm chia sẻ tại shop đều là những thứ mà bọn em biết rõ người làm, biết rõ cách chúng được làm thế nào" - Yến tâm sự.

Tìm được sản phẩm tốt, Yến chia sẻ với khách hàng. Mục tiêu của cô không phải lợi nhuận, mà làm sao ngày càng có nhiều người canh tác sạch để nhiều gia đình được dùng thực phẩm sạch, tốt cho sức khỏe.

Ước mơ "bản đồ thực phẩm sạch"

Thường mỗi cuối tuần, Yến hay đến chơi với nông dân, chuyện trò, ăn với họ bữa cơm để hiểu hơn nghề nông. Mỗi khi tìm thấy thứ gì hay có thể mang về phân phối, cô nghĩ cách để nông dân làm theo kiểu của mình.

"Em không nói với cô bác nông dân là nên làm đất thế này, trồng rau thế kia, làm mắm, làm dưa thế nọ. Bởi những người gắn bó với ruộng vườn cả đời làm sao có thể dễ dàng tin một con bé sinh năm 1990 dạy họ cách làm nông? Em chỉ nói đơn giản: Nếu cô bác làm cho con theo các bước a, b, c thế này, con sẽ mua sản phẩm của cô bác với giá cao hơn bao nhiêu phần trăm so với giá thị trường. Và cách này đã phát huy tác dụng".

Nhà Cỏ của Yến - Ảnh 5.

Yến phân loại thùng rác trước nhà rất bắt mắt - Ảnh TỰ TRUNG

Từ ngày nghỉ việc về làm vườn, rồi mở shop, Yến chỉ kiếm đủ để trang trải chi phí tối thiểu cơ bản mà không phải xin tiền ba mẹ. Cô bớt trà sữa, không mua sắm mỹ phẩm, quần áo đắt tiền, túi xách thì dùng túi cói, túi vải. Yến còn kết nối nhiều nhóm bạn trẻ cùng chí hướng khắp mọi miền đất nước. Mỗi lần ghi thêm một địa chỉ làm ra sản phẩm sạch, cung cấp nguyên liệu sạch vào sổ tư liệu, Yến rất vui.

"Chúng mình đang nỗ lực và tin rằng mọi thứ sẽ thay đổi theo hướng tích cực. Hi vọng một ngày không xa, chúng ta sẽ có "bản đồ thực phẩm sạch" - chỉ cần mở app điện thoại và gõ từ khóa là tìm được nơi cung cấp. Việc này đòi hỏi sự chung tay của nhiều người" - Yến nói về giấc mơ lớn và đang nỗ lực từng ngày để biến thành sự thật.

Tôi vẫn chưa thuyết phục được gia đình mình

Cho đến giờ, điều Yến trăn trở nhất là vẫn chưa thuyết phục được ba mình thay đổi tập quán canh tác. Mẹ bệnh nặng, đã điều trị nhưng sức khỏe không được như xưa. "Ba tôi vẫn không tin là có thể làm ra hạt gạo mà không cần thuốc sâu. Ba không tin, và hầu như như cả quê mình không ai tin điều đó. Có thời gian ba gọi điện liên tục cho mình và hỏi: "Yến, con nói thiệt cho ba biết con đang làm gì? Con muốn cái gì?".

Tôi lảng tránh những câu hỏi đó vì biết không thể giải thích bằng cuộc điện thoại. Tôi phải chứng minh từ kết quả mình làm. Hè này, tôi sẽ về quê để đưa ba đi thăm một số nông trại canh tác sạch. Cũng chưa chắc thuyết phục được ba ngay. Nhưng tôi hiểu mình phải kiên nhẫn và không được bỏ cuộc" - Yến thổ lộ.

Cô gái người Dao làm du lịch cộng đồng

TTO - Học xong đại học, cô gái người Dao quyết định về quê hương cùng bà con dân bản làm du lịch, nơi bao đời nay nổi tiếng với giống lê đặc sản, là tiềm năng sẵn có để bà con thu hút khách du lịch đến với địa phương.

MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên