Phóng to |
Nhà văn, nhà báo, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển |
* Vì sao ông lại chọn bút danh Đồ Bì khi viết tiểu phẩm trên Tuổi Trẻ Cười và trên tuyển tập “Chuyện dây cà kéo ra dây bí”?
- Thực sự chữ “Đồ” là thầy giáo, “Bì” là chỉ còn có da mà thôi. Những năm 77- 78, tôi ốm và nhẹ kí lắm. Nếu đời đã có Tú Xương, Tú Mỡ thì có thêm một anh Đồ Bì cũng được (cười rất tươi).
* Các tiểu phẩm trong tuyển tập đều phản ánh các sự kiện xã hội nóng bỏng được nhiều người quan tâm, thậm chí bị xem là nhạy cảm. Viết về những vấn đề đó, ông có thấy e ngại điều gì hay sợ đụng chạm đến ai không?
- Thực sự là không có. Không e ngại. Một là những bài đó tôi viết ở trên báo. Bản chất của bài báo nó mang tính công khai. Tôi chỉ phản ánh thời sự thôi chứ không đơm đặt. Thứ hai, tôi đưa những vấn đề đó trên báo in với mục đích xây dựng là chính, tôi không sử dụng văn chương mạt sát để rầy rà ai. Thứ ba nữa là kiểu viết của tôi không nặng về châm biếm, phê phán mà nặng về yếu tố hài hước, gây cười. Tất nhiên cũng có phần châm biếm nhưng yếu tố hài hước cao hơn.
* Viết 1 tiểu phẩm phải tập hợp nhiều sự kiện, tư liệu lịch sử của vấn đề. Ông đã tích lũy những tư liệu đó như thế nào? Ông có thể chia sẻ bí quyết đó với độc giả được không?
- Thứ nhất là phải theo dõi thông tin nóng hổi của cuộc sống hàng ngày qua báo, qua đài. Thứ hai là trong mớ thông tin hỗn độn đó, ta chắt lọc thông tin, chọn lựa những thông tin nào cần thiết cho cuộc sống nhất, hay nhất, có thể tìm ra được nhiều nụ cười nhất. Và ba là ta thể hiện tinh thần của thông tin đó dưới dạng văn chương hài hước riêng của chúng ta tức là dưới dạng văn chương tiểu phẩm. Có thể làm một bài thơ ngắn, một bài chuyên luận, hư cấu thành một truyện cười và tùy vào phương tiện diễn đạt mà viết sao cho phù hợp và viết làm sao cho họ cười được và chấp nhận điều mà mình nói ra.
* Đọc tiểu phẩm trong tuyển tập “Chuyện dây cà kéo ra dây bí", thấy ông sử dụng biện pháp phóng đại nhiều và ông cũng nhiều lần khẳng định: “7 phần nói dóc, 3 phần nói thiệt”. Vậy những câu chuyện kể qua nhân vật “tôi” của ông là có thật hay do hư cấu? Và câu nói “7 phần nói dóc, 3 phần nói thiệt” của ông có bao nhiêu phần trăm là thiệt?
- Thực sự đây là mặt kĩ thuật, có khi mình tham gia vào. Thí dụ như chuyện Hãy chăm sóc bộ thận! là có thiệt đó. Hơn 20 năm trước, tôi đi về Kiên Giang, huyện Châu Thành, xã Dục Tượng, họ chống ốc bươu vàng giỏi lắm. Dĩ nhiên là không phải theo cách tôi viết trong truyện. Cái đó là phần hư cấu của mình. Còn Xuân đài âm dương hòa hợp tửu cũng là chuyện tán dóc thôi, hay Lá sanh kích hoạt nói vậy chứ làm gì có.
Nhưng nói nghiêm túc là để viết được Trung bộ Tẩm thủy nê liệu pháp thì tôi phải ở một đêm tại khu tắm bùn ở Vĩnh Hảo. Để viết Xuân đài âm dương hòa hợp tửu thì tôi phải đi qua đi lại nhiều lần qua quốc lộ 1, rồi xuống trò chuyện với bà con tại xã Xuân Cảnh, huyện Sông Cầu. Nhiệm vụ của người làm báo là phải làm sao quảng cáo công cộng cho họ để họ phát triển du lịch cũng tốt, phát triển nghề tiểu thủ công cũng tốt nhưng phải viết cách nào đó cho vui. Còn chuyện anh chàng bỏ người yêu leo lên cây là có thiệt đó nhưng mà mình thêm mắm dặm muối chơi cho vui. Đúng là “7 phần nói dóc, 3 phần nói thiệt” đó.
* Sau tuyển tập này, ông có dự định sẽ viết nhiều hơn và cho ra đời một tuyển tập tiểu phẩm trào phúng nữa không?
- Có chứ. Tuyển tập này là đúc kết từ 5 tuyển tập khác, kéo dài 26 năm viết tiểu phẩm của tôi. Đời nhà văn như con tằm, lúc nào nhả được tơ thì nhả. Viết tiểu phẩm cần cảm hứng lắm. Mình thấy điều gì mà mình tâm đắc, gây cười được, trước tiên là cho mình, sau đó cho những người khác thì tự nhiên mình sẽ có cảm hứng viết thôi.
Chuyện dây cà kéo ra dây bí gồm 41 truyện cười và bài phiếm luận nhẹ nhàng. Tuyển tập ra đời sau 26 năm viết tiểu phẩm trên Tuổi Trẻ Cười của nhà báo Vũ Đức Sao Biển (bút danh Đồ Bì).
Chuyện dây cà kéo ra dây bí ghi nhận thực tế diễn ra trong nhiều hoàn cảnh, giai đoạn, góc độ đa dạng của cuộc sống. Đồ Bì đã khéo léo vận dụng các biện pháp tu từ, cách gây cười cổ điển lẫn hiện đại để bạn đọc không chỉ cười mà cười rất giòn giã. Nhưng qua nụ cười tưởng như vô thưởng vô phạt đó, chúng ta có thể chiêm nghiệm niềm vui, triết lý của cuộc sống. Phía sau nụ cười, chúng ta nhìn cuộc sống trọn vẹn hơn và thấy yêu đời hơn. Sách do NXB Trẻ phát hành tháng 6-2010 |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận