Nhà báo Phan Khôi và truyện ngắn hiếm hoi viết cho thiếu nhi

LẠI NGUYÊN ÂN 07/06/2024 05:45 GMT+7

TTCT - Tư tưởng khai minh mà nhà báo Phan Khôi tiếp nhận được từ nền "tân học" (học vấn mới) biểu lộ khá rõ trong sáng tác này của ông.

Cái "tít" này có vẻ sẽ hơi khiêu khích các giới được tiếng thông thuộc lịch sử báo chí Việt ngữ thời "tiền chiến". Là vì ngay những học giả của các công trình mô tả toàn cảnh hay khảo sát riêng từng mảng "báo chí Việt sử", từng tên tuổi nhà báo Việt nổi danh, -- đều chưa ai ghi nhận cái dữ kiện dường như là tiểu tiết này.

Ngay kẻ viết mấy dòng này, từng sưu tầm tái công bố hầu hết những "tác phẩm đăng báo" trong đời viết báo viết văn của Phan Khôi (1887-1959), cũng thật ngạc nhiên khi bỗng thấy cái bút danh Chương Dân xuất hiện ở cuối một "Chuyện vui cho con nít" trên tờ Phụ Nữ Tân Văn.

Cũng phải ghi nhận thêm một điều gần như chưa được các khảo cứu hoặc hồi ức liên quan ghi nhận. Ấy là tuần báo Phụ Nữ Tân Văn (Sài Gòn 1929-1934) không chỉ nổi bật trong lịch sử báo chí Việt ngữ với tư cách là tờ báo nghiêng hẳn về đề tài nữ giới mà còn là tờ báo rất sớm có trang dành cho thiếu niên nhi đồng.

Ngay số 1 (2-5-1929) đã có mục "Chuyện vui cho con nít". Đến số 3 (16-5-1929) thì mục kia lại nằm trong "Phần Nhi đồng" của tờ báo, và việc này hầu như được duy trì đến tận các số cuối cùng. (Do được ấn định ở các trang cuối mỗi số báo, các tr. 29-32, nên hầu như lọt ra ngoài tầm chú ý của giới học giả đời sau).

Dù cả "Phần Nhi đồng" chỉ chiếm 2 trang in khổ vừa (29x44cm), song với một tờ tuần báo thì lượng bài đưa đến công chúng là không ít. Đáng kể hơn, tham gia viết cho mục này có những tên tuổi lớn.

Các mục mang tính giáo huấn thường đăng các bài viết theo phong cách châm ngôn hoặc đồng dao của Tản Đà, của Nguyễn An Khương, của Trịnh Đình Rư...

Các chuyện kể hoặc ngắn hoặc dài vài ba kỳ, thường dịch từ sách báo Tây, Tàu, không ghi tên dịch giả, nhưng có thể dự đoán là thuộc vài tay bút trong hoặc gần gũi tòa soạn như Đào Trinh Nhất, Phan Khôi; nguồn truyện tuy không ghi chú cụ thể, nhưng thường rút từ các tên tuổi lớn như anh em Grimm, Ch. Andersen, La Fontaine,...

Truyện Phan Khôi viết (ký bút danh Chương Dân) đăng hai kỳ, số 13 (25-7-1929) và số 14 (1-8-1929) có nhan đề "Thằng Ngã Gió". Theo phương ngữ Nam Kỳ, "ngã gió" (hoặc "ngả gió") có lẽ nói đến sự yếu ớt "gió thổi cũng ngã" của đứa con nít.

Ấy là một cậu bé mồ côi, được chủ một quán cơm là chú nó nhận nuôi, ngày ngày nó chỉ có thể chơi ở vỉa hè. May cho nó, cùng phố có một cô bé thích chơi với nó dù bị bố mẹ là viên chức nhà giàu ngăn cản.

Trong vài năm thơ ấu ấy, lúc đầu hai đứa chỉ chơi loanh quanh vỉa hè gần nhà, dần dần có thể đi một đoạn xa hơn, đến bãi đá bóng gần bờ sông. Nhờ cô bé đem lời người lớn chỉ cho, cậu bé mới biết việc người ta đá bóng hay tập thể thao là để làm gì. Tám năm sau, khi cô bé kia đã là một cô giáo, một lần cùng cha trên xe hơi, suýt bị tai nạn do va chạm với tàu điện. May có một chàng trai biết cách kịp thời dừng xe điện lại ngay trước mũi xe hơi. Hóa ra đấy chính là thằng "ngã gió" bạn cô thuở nhỏ, nay đã là một nhà thể thao vừa du học Pháp về. Thế rồi hai đứa nên duyên vợ chồng.

Chuyện luận đề kiểu này tất cần đến một kết cấu kiểu giai thoại. Cái ơn thời trước sẽ được báo đền ở thời sau, nhân duyên nảy sinh từ kỷ niệm. Song, do không mắc phải kiểu tư duy định mệnh, tác giả Phan Khôi luôn luôn nhấn mạnh vai trò chủ động của người trong cuộc. Cô bé con nhà giàu kia do học mới thành cô giáo; cậu bé mồ côi do luyện sức khỏe và học hành mới nên người. Tư tưởng khai minh mà nhà báo Phan Khôi tiếp nhận được từ nền "tân học" (học vấn mới) biểu lộ khá rõ trong sáng tác này của ông.

Trang nhất tờ Phụ Nữ Tân văn in truyện ngắn "Thằng ngã gió" của Phan Khôi dưới bút danh Chương Dân

Trang nhất tờ Phụ Nữ Tân văn in truyện ngắn "Thằng ngã gió" của Phan Khôi dưới bút danh Chương Dân

THẰNG NGÃ GIÓ (Truyện ngắn của PHAN KHÔI)

Thằng Bơn nó là con của vợ chồng thầy sáu Chỉnh. Cha mẹ nó chết sớm, nó mồ côi hồi tám tuổi. Bà nội nó già mà còn mạnh, nhà ở Lái Thiêu, song nghèo quá, nuôi nó không nổi. Nó ở với chú ruột nó, là chủ quán cơm tại đường d'Ormay Sài Gòn. Hồi mẹ thằng Bơn đẻ nó ra, vì nghèo nàn nên nuôi nó thất thường, sữa không đủ cho nó bú mà cơm cũng bữa đói bữa no. Cho nên thằng Bơn ốm yếu lắm, tám tuổi rồi mà bằng con họ bốn năm tuổi.

Mặt nó nổi những gân xanh. Mình nó da bọc lấy xương. Hai cái chơn nó như cặp ống rạ. Đầu nó thì to mà đít thì beo; nhìn vào mặt nó chỉ thấy có cặp con mắt. Nó ngồi đâu mũi dãi chảy ra đó. Ai đụng đến thì nó nhề nhệ. Nó đứng lên thì ngã xuống. Bởi vậy người ta không kêu nó bằng Bơn mà kêu nó bằng "thằng Ngã Gió".

Đối ngang với nhà chú nó, là nhà ông Huyện Thâm. Ông Huyện có đứa con gái tên là con Bích, mới sáu tuổi mà cao hơn thằng Bơn nửa cái đầu. Dọc hàng phố thiếu chi con nhà giàu sang như nhà ông Huyện mà con Bích ít chơi với chúng nó, lại hay chơi với thằng Bơn. Ông Huyện thấy con mình chơi với con nhà nghèo bủng beo dơ dáy thì thường la rầy bà Huyện, biểu phải coi chừng con Bích. Song bà Huyện nói: "Hơi đâu, thứ con nít, kệ nó!".

Tiếng rằng hai đứa cặp kè đi chơi với nhau, chớ thiệt ra thì thằng Bơn nó có đi chơi gì đâu. Con Bích thường hay bá vai nó, dắt nó đi dọc lề đường, kiếm những miểng giấy đỏ đỏ xanh xanh dán trên vách tường cho nó ngồi nhìn. Nó cũng chẳng cười nữa. Khi nào nó khóc thì con Bích nói với nó, vừa nói vừa vỗ trên đầu: "Nín đi em, có qua đây!". Nhiều lần thằng Bơn chảy nước mũi ra, nó lấy tay quẹt ngang hai bên má. Bụi đất dính lên, cái mặt có vằn có vện. Ruồi bâu đen thui làm cho nó nhột khó chịu, song nó cứ ngồi im mà mếu máo. Con Bích phải lại đuổi ruồi cho nó và dỗ nó nữa.

Lạ cho con Bích, chẳng ai biết tại làm sao mà thương thằng Bơn quá em ruột nó.

Thằng Bơn ở với chú nó được bốn năm. Lúc nó 12 tuổi rồi mà con Bích cũng còn hay dắt nó đi chơi. Khi con Bích đi học về, thì là chạy kiếm thằng Bơn. Bây giờ nó chẳng lớn thêm được bao nhiêu, trở thấp thua con Bích đến trọn một cái đầu. Khi đó thằng Bơn đã đi được hơi xa. Con Bích hay dẫn nó đi coi họ đá banh ở nơi bãi cỏ gần bờ sông Sài Gòn.

Một hôm thằng Bơn vùng hỏi con Bích rằng: "Họ đá banh để làm gì, mầy?". Con Bích trả lời: "Thầy tao nói, đó là họ tập thể thao. Họ tập thể thao để cho mạnh người lên đó mầy". Thằng Bơn làm thinh. Về, dọc đường thằng Bơn lại hỏi: "Năm nay mầy mấy tuổi?". Con Bích nói: "Tao mười tuổi". Thằng Bơn lại làm thinh.

Từ đó chẳng biết làm sao, ở hàng phố d'Ormay, người ta không thấy thằng Bơn đâu nữa, nhưng cũng chẳng ai hỏi đến nó làm gì. Còn con Bích, thình lình mất thằng Bơn, nó buồn cả tháng; song nó đi học luôn, chơi với chúng bạn, rồi nó cũng quên đi.

Bản in truyện ngắn "Thằng ngã gió" của Phan Khôi với bút danh Chương Dân trên Phụ nữ Tân Văn

Bản in truyện ngắn "Thằng ngã gió" của Phan Khôi với bút danh Chương Dân trên Phụ nữ Tân Văn

Cách tám năm sau, ở Sài Gòn đồn dậy rằng có một cô giáo con gái ông Huyện Thâm, người lịch sự lại hay chữ, đương treo giá kén chồng, đã có ông đốc phủ nọ, ông điền chủ kia đi hỏi, mà cô chưa chịu. Ấy tức là con Bích, bạn thân với thằng Bơn ngày trước.

Một buổi chiều kia, cô giáo Bích ngồi xe hơi với cha mình là ông huyện Thâm chạy qua đường Catinat. Bỗng đâu chiếc xe điện từ Đa Kao chạy tới toan đụng nhau, đã nghe trong xe hơi kêu "Trời ôi!" liên thanh.

Bây giờ nói còn chậm, chớ hồi đó hết sức lanh, một chàng thiếu niên vạm vỡ, mặc áo quần Tây, từ trên xe liền nhảy xuống, hai tay nắm trụ sắt trên xe kéo lại, thì xe liền dừng!

Cái xe hơi cũng đậu lại, bánh sau nó vừa khít đầu xe điện. Ai nấy trông, lấy làm cả mừng; kể chi ông Huyện là rồi, may phước cô giáo, thiếu chút nữa thì xong đời.

Hết thảy bộ hành trên xe điện đều nhảy xuống, rủ nhau bồng ngược chàng thiếu niên lên, hô rằng: "Ai coi thì coi! Người làm sao mà sức mạnh như thần!".

Ông Huyện cũng xuống xe, nói: "Hú hồn cha con tôi! Nào cái người cứu chúng tôi ở đâu?". Thiên hạ giãn ra, ông Huyện nắm tay chàng thiếu niên mà cảm ơn ba hơi nhập một, rồi hỏi rằng: "Thầy có vợ chưa?".

Chàng thiếu niên nói: "Thưa ông, tôi ở bên Tây mới về chuyến tàu hôm qua, tôi vừa về Lái Thiêu thăm bà nội tôi xuống đây".

Ông Huyện mời chàng lên xe. Chàng từ chối, mà rằng: "Nhà tôi gần đây, chỗ đường d'Ormay đây, có xa xuôi gì mà đi xe".

Ông Huyện nói: "Nhà tôi cũng ở đó. Mời thầy lên, về luôn nhà tôi chơi".

Chàng thiếu niên lên xe. Bấy giờ cô giáo nhìn sững lấy chàng, quên thẹn thuồng chi hết. Cô cảm động quá, rưng rưng nước mắt mà nói rằng: "Thầy ôi, thầy đẻ tôi một lần nữa!".

Chàng thiếu niên làm thinh.

Xe đến nơi, đậu lại, ông Huyện bước xuống, mời chàng thiếu niên cùng vào nhà thì chàng nói rằng: "Xin để tôi về nhà tôi trước đã, rồi tôi sẽ qua hầu".

Thì ra chàng thiếu niên vào cái quán cơm của chú thằng Bơn.

Liền trong tháng đó, ông Huyện gả cô giáo Bích cho chàng thiếu niên để đền ơn. Đám cưới rất lớn. Mà chàng thiếu niên nầy chẳng phải ai lạ, chính là thằng Bơn hay là thằng Ngã Gió ngày nọ.

Vợ chồng ở với nhau tương đắc lắm. Bấy giờ chàng mới khai ra đầu đuôi sự mình thế nào; ai nấy nghe đều phục chàng là người có chí.

Té ra cái hôm thằng Bơn hỏi tuổi con Bích đó, rồi nó nghĩ nó tức, sao mình lớn tuổi hơn mà lại yếu ốm thua đứa con gái kém tuổi mình. Chiều bữa sau, nó một mình đi đến sân banh. Gặp thầy Tám Diệu là người đá banh có tài, thấy nó coi chăm chỉ lắm thì lấy làm lạ và hỏi. Nó nói nó muốn học thể thao cho mạnh người ra. Thầy Tám thấy thằng ngỏ thì đem nó về nuôi.

Thằng Bơn đã về với thầy Tám, nó tập thể thao cả ngày, khi thầy rảnh thì thầy lại dạy chữ Tây cho nó.

Ở được vài năm, nó kiếm dịp trốn qua Tây; ở bển nó học chữ thêm, và chuyên học các võ nghệ. Trong mấy năm 1920-1921 ở Paris đồn dậy có một người trai trẻ An Nam …………………………………….. Ấy là thằng Bơn đó.

Khi cô giáo gá duyên với chàng thiếu niên, chẳng những thỏa lòng vì được đền đáp một người làm ơn cho mình, mà lại thỏa lòng vì lấy được một tay tráng sĩ, và gặp lại một người bạn cũ hồi con chưa chỏm. Hai người thương nhau đến điều.

Nhưng mà từ đó trở đi, trong khi nói chuyện với ai, cô giáo không dùng những tiếng "ngã gió", và "đuổi ruồi không bay" mà người ta quen dùng nữa, vì sợ đụng chạm đến chồng mình.

Người ta lại nói rằng cũng vì lần đó mà về sau ở Sài Gòn, các đầu mối giáp với đường rầy xe điện mới có dựng những cái bảng đề: "Attention au Tramway". ■

Nguồn: Phụ Nữ Tân Văn, Sài Gòn, s. 13 (25-7-1929), tr. 29-30; s. 14 (1-8-1929), tr. 32-33.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận