13/09/2012 07:37 GMT+7

Nhà báo điều tra nạn phá rừng bị giết

RITH RATANAK(tổng biên tập Vorakchun Khmer)
RITH RATANAK(tổng biên tập Vorakchun Khmer)

TT - Dư luận và truyền thông Campuchia phẫn nộ và phản ứng dữ dội với vụ sát hại nhà báo nổi tiếng Hang Serei Oudom, tác giả của nhiều bài điều tra nặng ký về nạn phá rừng và buôn gỗ lậu.

XeRoJQJe.jpgPhóng to
Cảnh sát đưa thi thể ông Hang Serei Oudom ra khỏi cốp xe - Ảnh: AFP

Theo AFP, cảnh sát phát hiện thi thể nhà báo Hang Serei Oudom, 44 tuổi, phóng viên tờ Vorakchun Khmer, trong cốp xe hơi của ông tại một đồn điền trồng điều ở quận O’Chum, tỉnh miền bắc Ratanakri giáp biên giới VN, gần một tuần sau khi ông mất tích. Cảnh sát địa phương khẳng định đây là một vụ giết người có chủ ý chứ không phải hậu quả của một vụ cướp giật.

Thi thể nhà báo Hang Serei Oudom đầy vết chém, hung khí có thể là một chiếc rìu. Tổng biên tập Vorakchun Khmer Rith Ratanak khẳng định phóng viên Hang Serei Oudom bị sát hại do đã viết nhiều bài về nạn phá rừng và buôn gỗ lậu. “Phần lớn bài báo của ông ấy tố cáo hành vi buôn lậu gỗ quý của các doanh nhân và quan chức cỡ bự trong tỉnh - ông Rith Ratanak cho biết - P6ng ấy đã đụng vào ổ kiến lửa”.

Công việc nguy hiểm

"Phần lớn các bài báo của ông ấy tố cáo hành vi buôn lậu gỗ quý của các doanh nhân và quan chức cỡ bự trong tỉnh.

Ông ấy đã đụng vào ổ kiến lửa"

Trong bài báo gần đây nhất đăng ngày 6-9, nhà báo Hang Serei Oudom tố cáo con trai của một tư lệnh cảnh sát đã buôn lậu gỗ bằng xe hơi mang biển số quân đội, đồng thời tống tiền những người vận chuyển gỗ hợp pháp. Nhiều đồng nghiệp và các chuyên gia bảo vệ môi trường Campuchia đã lo sợ cho tính mạng của nhà báo Hang Serei Oudom bởi sự “máu lửa” của ông.

“Trước khi ông ấy bị sát hại, một số nhà báo đã khuyên ông ấy đừng nên viết mạnh bạo quá về nạn buôn lậu gỗ nữa” - AFP dẫn lời ông Pen Bonnar, điều phối viên của Tổ chức Nhân quyền và phát triển Campuchia, tiết lộ. Ông Bonnar mô tả tỉnh Ratanakiri là “chốn nguy hiểm” đối với các nhà báo và những nhà hoạt động chống phá rừng.

“Chúng tôi thật sự lo lắng cho giới phóng viên và các nhà hoạt động - ông Bonnar cho biết - Bởi hành vi phá rừng có liên quan tới những kẻ có máu mặt, nhiều tiền trong vùng”. Vợ nhà báo Hang Serei Oudom là Em Channy kể trước khi chồng bà mất tích, bà nhận được một cuộc điện thoại từ một người đàn ông không rõ danh tính. “Giọng của hắn sặc mùi đe dọa” - bà Em Channy cho biết.

Theo Liên Hiệp Quốc (LHQ), nạn phá rừng bừa bãi khiến mật độ che phủ rừng của Campuchia giảm từ 73% năm 1990 xuống còn 57% năm 2010. Tốc độ phá rừng đang tiếp tục gia tăng. Tạp chí Time cho biết theo xếp hạng của Tổ chức Nông lương LHQ, tỉ lệ phá rừng ở Campuchia cao thứ ba thế giới, chỉ sau Nigeria và VN. Hầu hết cây rừng bị phá nằm trong những khu cần phải được bảo tồn và được đưa sang Trung Quốc, nước nhập gỗ lậu số 1 thế giới. Theo Cơ quan Nghiên cứu Anh Chatham House, riêng năm 2008 Trung Quốc đã mua 3,7 tỉ USD gỗ lậu.

Chính phủ Campuchia bị chỉ trích là tạo điều kiện cho các công ty “có quan hệ” tàn phá hàng trăm ngàn hecta rừng, trong đó có cả những khu vực cần được bảo vệ, để làm đồn điền cao su, mía, hay đập thủy điện.

qEFUIZ18.jpgPhóng to
Một chiếc xe chở gỗ ra khỏi rừng - Ảnh: NYT

Cái chết mờ ám

Nhà báo Hang Serei Oudom không phải là nạn nhân duy nhất đã bị sát hại dã man vì dấn thân vào cuộc chiến chống phá rừng và buôn lậu gỗ quý ở Campuchia. Theo báo The Economist, hồi tháng 4-2012 một sĩ quan quân đội Campuchia đã bắn chết ông Chhut Vuthy, một nhà hoạt động vì môi trường nổi tiếng và là chủ tịch Hội Bảo tồn tài nguyên thiên nhiên Campuchia, khi ông đến tỉnh Koh Kong quay phim về nạn phá rừng. Ông Chhut Vuthy là người phát động phong trào cộng đồng bảo vệ rừng ở Campuchia.

Khi đó, ông Chhut Vuthy đưa hai nhà báo Phorn Bopha (người Campuchia) và Olesia Plokhii (người Canada) của tờ báo tiếng Anh Cambodia Daily đến một khu rừng ở Koh Kong, gần địa điểm nhà thầu Trung Quốc China Huadian đang xây dựng một đập thủy điện 338 megawatt. Dư luận, truyền thông Campuchia và thế giới đã chỉ trích dữ dội dự án thủy điện này vì nó tiếp tay cho nạn phá rừng ở Koh Kong và có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với môi trường tự nhiên và đời sống người dân địa phương.

Quân đội Campuchia khẳng định ông Chhut Vuthy đã chụp ảnh không phép và bị một sĩ quan quân đội đòi thu giữ máy ảnh. Ông từ chối và xung đột xảy ra. Sĩ quan này bắn chết ông Chhut Vuthy rồi sau đó mất bình tĩnh, quay súng AK-47 bắn hai phát đạn vào ngực và bụng tự sát. Tuy nhiên hai nhà báo đi cùng ông Chhut Vuthy khẳng định sự thật không phải như vậy.

Tổ chức Global Witness khẳng định ông Chhut Vuthy “là một trong số ít nhà hoạt động Campuchia dám lên tiếng chống lại nạn khai thác gỗ lậu”. Dư luận Campuchia gây áp lực đòi chính quyền mở cuộc điều tra để đảm bảo sự an toàn cho các nhà hoạt động vì môi trường. Nhưng mọi chuyện chưa đến đâu thì lại đến lượt nhà báo Hang Serei Oudom bị sát hại.

RITH RATANAK(tổng biên tập Vorakchun Khmer)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên