Và câu chuyện xoay quanh “người trợ thủ đắc lực” của chị em trong mấy ngày đặc biệt này lại khá rắc rối.
“Hạ cánh… không an toàn”!
“Đôi cánh” giúp chị em thoải mái trong những ngày “đèn đỏ” sẽ vô cùng hữu dụng, an toàn với điều kiện bạn mua sản phẩm có xuất xứ rõ ràng, được sản xuất ở nơi đáng tin cậy. Còn khi bạn mua nhầm hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc, những nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe hoàn toàn có thể xảy ra.
Ngứa ngáy, viêm nhiễm “vùng cấm” là phiền toái hàng đầu trong những ngày “hạ cánh không an toàn”. Nguyên nhân, ngoài hàng dỏm, còn có…hàng xịn nhưng lại trục trặc do những thứ râu ria. Ví dụ, nhà sản xuất cho chất thơm vô để tăng sự hấp dẫn cho sản phẩm, chẳng may “cô bé” lại không ưa cái hương liệu ấy, nên dị ứng. Hoặc một số nàng lại bị dị ứng với miếng dán ở phần “cánh”, từ hoạt động cọ xát gây rát, đỏ rồi dẫn đến viêm nhiễm…
Ngứa còn do một số bạn để “đôi cánh” trong nhà tắm thời gian dài. Nhà tắm là nơi có độ ẩm cao, tạo cơ hội cho vi khuẩn đến tiếp cận và biến “đôi cánh” thành nơi an cư, tha hồ sinh con đẻ cái.
Ngoài ra còn có nguyên nhân các nàng siêu lười, không thay “cánh” sau mỗi 4 giờ! Đây cũng là cơ hội cho vi khuẩn, nấm tới dự “đại tiệc”, rồi cứ thế mà phát triển… Một số nàng lại không rửa tay trước khi “xử lý nội bộ”. Bạn có biết mỗi cm2 của bàn tay chứa chừng 4,6 triệu vi khuẩn không? Từ bàn tay không sạch, vi khuẩn sẽ chạy qua “đôi cánh” mà gây bệnh cho “cô bé”!
“Cách mạng” tampon?
Tampon là một khối tròn, dài, thon thả được đưa vào “cô bé” trong ngày “đèn đỏ”. Chức năng tương đương “đôi cánh”, nhưng đối tượng sử dụng lại bó hẹp- chỉ được dùng cho những phụ nữ đã “bóc tem”.
Nhìn chung tampon khá tiện, có thể được xem là một cuộc “cách mạng” nho nhỏ, nhằm giải phóng chị em khỏi những vướng víu của “đôi cánh”. Tuy nhiên tampon lại có nhược điểm lớn: vì thấm hút nhanh nên làm cho vùng kín trở nên khô, tạo cơ hội cho hại khuẩn phát triển. Các nhà khoa học đã chỉ đích danh hai tên vi khuẩn Staphylococcus aureus và Streptococcus pyogenes. Những hại khuẩn này tiết ra độc tố. Độc tố đi vào máu gây nên hội chứng nhiễm độc: sốt cao, huyết áp hạ; nổi ban ở chân, tay hoặc mặt, cổ; nôn mửa, tiêu chảy, đau mỏi các cơ, đau đầu, rối loạn hô hấp, có thể co giật…
Tiện thì chơi thôi, nhưng các bạn đi du lịch hay đi bơi mà định dùng tampon thì cần biết các nguy cơ trên để phòng tránh.
Cốc nguyệt san thông minh?
Xuất hiện ở nước ta mới đây, với xuất xứ đa quốc gia từ Âu đến Mỹ, cốc nguyệt san được quảng cáo với những lời bùi tai chị em như: “đặt vô 6-8 giờ lấy ra, đổ, rửa sạch, dùng lại, an toàn, không gây dị ứng…”.
Nghe thì có vẻ dùng dễ dàng, nhưng thực tế khá chua. Không phải nàng nào cũng biết cách đưa cốc vào trong một cách êm xuôi. Thường là khá trầy trật! Chưa kể khi lấy ra không khéo sẽ bị văng tung toé, rồi phải đổ, rửa… trong khi “đôi cánh” cổ điển chỉ cần gói kín, bỏ vô thùng rác là xong!
Cái khó của cốc nguyệt san không chỉ là chuyện thao tác, mà còn ở chỗ sản phẩm dành cho phụ nữ nước ngoài, nên với “hàng nội”, kích cỡ của cốc không vừa vặn cho lắm. Nhiều nàng đã thử qua cốc đều rên: do xài hàng ngoại cỡ, nên “cô bé” bị đau, rát và dễ viêm nhiễm sau kỳ nguyệt san. Giá cả của cốc lại khá chát: từ 500.000- 1 triệu đồng, cũng là vấn đề với chị em có thu nhập khiêm tốn.
Tóm lại, những gì hiện đại quá dễ dẫn tới…hại điện. Cổ điển vẫn hơn, các nàng ạ!
Viêm nhiễm do ..quá sạch!
Thủ phạm gây ngứa, viêm còn đến từ một nguyên nhân khó tin: do ăn ở quá vệ sinh! Các bác sĩ phụ khoa khuyên chị em nên dùng nước sạch hay nước trà xanh để rửa trong những ngày “riêng của chúng mình”. Tuy nhiên lại có những nàng kỹ quá, cứ dùng xà bông hoặc nước rửa phụ khoa, “càn quét triệt để”, lại vô tình vừa tiêu diệt lợi khuẩn nơi đây, vừa làm trầy xước, tạo điều kiện “nối giáo cho giặc”- để những hại khuẩn đang ẩn nấp xung quanh có cơ hội tổ chức tổng tấn công khổ chủ!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận