Nguyễn Việt Hà: Tạp văn thì phải "điêu toa"

NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 26/03/2013 03:03 GMT+7

TTCT - Trong khi chờ đợi cuốn tiểu thuyết thứ ba hoàn thành, Nguyễn Việt Hà lại kịp cho ra mắt cuốn tạp văn thứ tư có cái tên gây chú ý Con giai phố cổ (*).

Trước khi lên đường sang Pháp giao lưu với độc giả tại Pháp nhân Cơ hội của Chúa được Nhà xuất bản Riveneuve Édition in tiếng Pháp với bản dịch của Đoàn Cầm Thi, Nguyễn Việt Hà đã dành cho TTCT một cuộc trao đổi ngắn.

Phóng to
Minh họa: Bích Khoa

* Thưa anh, lần này chủ đề của anh vẫn là Hà Nội, phố cổ, những con người của nó. Bài tạp văn đầu tiên của anh là gì và lúc nào?

- Tạp văn đối với tôi không phải là thứ quan trọng so với truyện ngắn hay tiểu thuyết. Bài tạp văn đầu tiên của tôi là năm 2002 cho báo Tiền Phong, một bài về phở Hà Nội. Cho đến lúc đó tôi không bao giờ nghĩ đến, nó là thứ nửa văn nửa báo.

* Nguyễn Huy Thiệp có nhận xét anh có những “chiêu thức túy quyền” trong viết văn. Vậy anh thấy khi viết tạp văn, anh tỉnh hơn so với viết tiểu thuyết không?

- Theo tôi, viết tạp văn cần nhiều cảm xúc hơn. Tạp văn gần giống như thơ lục bát, rất dễ làm nhưng rất khó hay. Thành ra rất nhiều người viết tạp văn nhưng không có cảm xúc thì bại. Nhưng là một người viết chuyên nghiệp mà chỉ trông vào cảm xúc thì hỏng, cảm xúc không đều đặn mãi được. Nhiều cây bút có tiếng về sau viết không còn cái cảm giác phẫn nộ, xót xa, đau đớn, nó nhạt hẳn đi. Tạp văn không phải là những bài chính luận, rất dễ bị trùng lặp. Mà ngay như cây bút thượng thặng về tạp văn như Lỗ Tấn, ông viết 1.300 cái, khi tuyển chỉ lấy chừng 250, mà số thật hay đọc được cũng chỉ 50.

* Trong tập Con giai phố cổ, anh “gây sự” với khá nhiều người, kể cả giới văn chương nghệ thuật đương thời, anh không sợ chuốc vạ vào thân sao?

- Trên báo hay đăng tin bài về người nổi tiếng, mà những người này lại lắm chuyện buồn cười để viết. Phần lớn người nổi tiếng ấy là trong giới showbiz, mà với tôi thì đấy là nơi tập trung cái thời thượng, phù phiếm. Nếu có những người làm văn chương nghệ thuật lọt vào đó thì cũng là sự tình cờ, mà tôi gọi chung là “thứ nổi tiếng”.

Phóng to

* Con giai phố cổ có hai phần, cảm giác là phần viết về đàn ông hay hơn đàn bà? Anh cũng không ngần ngại tuyên bố viết tạp văn là phải nói quá như khi anh dẫn câu “cổ có gân thánh thần nói phét”. Vậy cái sự đanh đá nói quá “điêu toa” này có thể coi là đặc sản cần có cho tạp văn hay không?

- Thật ra có rất nhiều người, như nhà báo Trịnh Tú, một tay cao bồi già Hà Nội thật sự, lại nhận xét: “Cậu viết về đàn bà hay hơn đàn ông”. Nói chung là do cảm giác đọc chi phối thôi, vì thật sự tạp văn viết về đàn ông hay đàn bà thì đều phải “điêu toa” như nhau! Có khi cũng đơn giản là do các báo mời tôi giữ những mục hay chuyên đề “Chuyện đàn ông”, thế là tự nhiên tôi có một loạt bài về giới này.

Tôi quan niệm viết tạp văn không dựa trên câu chuyện cụ thể nào, mà chính là cách dẫn dắt, câu chữ phải “ba hoa bốc phét” sao cho hấp dẫn. Việc nó là đặc sản như bạn nói là do thể tạng, tính cách nữa.

* Hình như sự ghê gớm, đanh đá ấy cũng phản ánh cái chất riêng của người Hà Nội, cụ thể là dân phố cổ?

- Đúng vậy, nó phản ánh cách ăn nói và phần nào tính cách của thị dân Hà Nội. Trong tạp văn của mình, tôi đã có chủ ý khoanh vùng những tay cao bồi già mà mình viết thường xuất thân gia đình buôn bán, học hành lỡ dở “nhưng thông minh tài hoa lãng tử kiêu bạc”. Kiêu bạc chứ không khinh bạc. Như người ta nói kiêu bạc kiểu “phớt Ănglê” nhưng nếu người Anh phớt lạnh thì người Hà Nội lại thể hiện theo kiểu nói lắm. Thị dân Hà Nội có sự xã giao, song tinh tế và cần phải hiểu điều ấy.

* Cảm ơn Con giai phố cổ, chúc anh sớm ra mắt cuốn tiểu thuyết thứ ba của mình!

Con giai phố cổ của Nguyễn Việt Hà kể về một Hà Nội với những gã trai, mà như tác giả đã viết “bọn họ thong thả ăn, tinh tế mặc, chầm chậm sống. Có bọn họ, Hà Nội hôm nay mới có nổi dăm bảy hàng phở ngon, vài ba quán cà phê thị dân sâu lắng. Bọn họ chẳng chịu là gì, sống bạc nhược nghệ sĩ nửa mùa, rồi trả ơn Hà Nội bằng cách quyết liệt tự nuôi cho mình những thói quen của bao đời Hà Nội”. Nguyễn Việt Hà vừa bảo đó là “linh hồn” của thành phố này vừa giễu “thăm thẳm mơ màng rêu phong tạo riêng một bản sắc”.

Cuốn sách với 62 bài tạp văn giàu chất trào lộng đan xen những trang trữ tình về cuộc sống của nhiều hạng người trong một khu vực nhỏ bé giữ phần hồn của Hà Nội.

__________

(*): Con giai phố cổ - Nguyễn Việt Hà, Nhà xuất bản Trẻ (2013).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận