Đòi hỏi tất yếu
Cứ 24 giờ trôi qua, cả nước lại phát sinh ra 31.600 tấn chất thải rắn sinh hoạt ở khu vực đô thị và 14.200 tấn phát sinh ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, tỷ lệ thu gom ở khu vực thành thị mới đạt khoảng 80%, còn ở khu vực nông thôn là dưới 50%.
Toàn quốc có 660 bãi chôn lấp chất thải, trong đó chỉ có 35 dây chuyền xử lý chất thải sinh hoạt đô thị với tổng công suất 6.500 tấn/ngày, chủ yếu sản xuất ra phân vi sinh…. Đây là kết quả một cuộc điều tra mới đây của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Cả Bộ Tài nguyên & Môi trường và Bộ Xây Dựng đều dự báo, đến năm 2025, tổng khối lượng chất thải rắn trên cả nước lên tới 91 triệu tấn, nghĩa là mỗi năm, trung bình mỗi người sẽ thải ra khoảng 1 tấn chất thải rắn.
Trong khi đó, chất thải không được xử lý an toàn trước khi xả thải ra môi trường đã trở thành vấn đề cấp bách trong công tác bảo vệ môi trường, đồng thời chúng ta cũng đang lãng phí nguồn tài nguyên không nhỏ từ rác.
Nhu cầu cho nguyên liệu phế thải của Việt Nam gia tăng từ 10-20% mỗi năm, song hoạt động tái chế chưa hiệu quả, còn phụ thuộc vào nước ngoài, nhất là thiết bị và công nghệ.
Theo các chuyên gia, điều đáng quan tâm nhất là hiện các doanh nghiệp tái chế, bao gồm cả chính quy và không chính quy ở Việt Nam chưa thực sự được hỗ trợ bởi một khung pháp lý phù hợp, đặc biệt là trong các vấn đề giám sát sản xuất, giám sát hiệu quả hoạt động và chất lượng sản phẩm, dịch vụ cung cấp, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp trên mọi phương diện hoạt động của doanh nghiệp.
Phát triển nền công nghiệp tái chế
“Trong hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững, chúng tôi sẽ thành lập một thị trường nguyên vật liệu cho nền kinh tế tuần hoàn để các doanh nghiệp có thể mua bán trên thị trường đó. Cụ thể là mua bán những chất liệu trên thị trường để triển khai nền kinh tế tuần hoàn”, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khẳng định.
Theo ông Vinh, Việt Nam hoàn toàn có thể thiết lập thị trường mua bán nguyên vật liệu phế thải. Ví dụ, một công ty có nhu cầu về nhựa có thể mua những sản phẩm nhựa sau khi sử dụng của các doanh nghiệp khác để chế biến từ những hộp nhựa thành dầu để sử dụng. Hoặc một doanh nghiệp sản xuất điện có thể sử dụng những sản phẩm tái chế những chất thải trong quá trình sản xuất điện để tạo ra một nguồn nguyên vật liệu mới trong ngành xây dựng, qua đó doanh nghiệp có thể tiếp cận những bạn hàng và thị trường mới...
Tất nhiên, để thúc đẩy thị trường mới mẻ này, Nhà nước cần có những chế tài và hình thức để động viên cho những doanh nghiệp đi tiên phong trong thị trường này.
Ông Sebastian Egerton Read, điều phối viên Quỹ Ellen MacArthur cho biết nền kinh tế trên thế giới hiện nay chủ yếu là đi theo hệ thống tuyến tính, tức là khai thác tài nguyên – sản xuất, tiêu dùng – thải loại. Do vậy, các quốc gia, trong đó có Việt Nam cần phải nhanh chóng xây dựng và phát triển ngành công nghiệp tái chế để có thể phát triển bền vững. Mặc dù, nguyên lý của kinh tế tuần hoàn vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam.
Rõ ràng, gắn kết các cơ sở tái chế với các đơn vị làm công tác nghiên cứu khoa học là điều Việt Nam nên làm. Ngoài ra, Việt Nam cần xây dựng một khung pháp lý phù hợp để giám sát sản xuất, hiệu quả hoạt động và chất lượng sản phẩm, có các chính sách ưu đãi cho các hoạt động tái chế…, ông Sebastian Egerton Read đề xuất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận