Trong nắng vàng hanh hao, cháu nội năm đời của cụ là ông Nguyễn Văn Liễn, tuổi 55, pha ấm trà, tiếp chuyện:" Tui gọi cụ bằng Vải, nghĩa là tổ phụ năm đời".
"Trăm dâu đổ đầu tằm"
Mời thêm khách ly trà thơm, ông Liễn tâm sự: "Tuy là một nông dân, tui cũng biết ít nhiều về lịch sử, về cha ông mình. Tui nhớ lúc còn nhỏ đi học, thấy sách nói cụ là người đầu hàng giặc và bán nước thì con cháu đời sau xấu hổ và đau lòng lắm, không thể tin tổ tiên mình như thế.
Nhưng muốn minh oan thì quá khó khăn. May mà trời còn có mắt để rồi mọi chuyện sáng tỏ…".
Sau biến cố thất thủ kinh đô, khi ra Tân Sở nửa đường, ông Nguyễn Văn Tường trở lại Huế, rồi nhà ông đột nhiên bị cháy và ông cũng bị Pháp giam lỏng rất nghiêm ngặt…
Dư luận lúc đó và kể cả mãi đến sau này, từ nhiều phía hầu như đều lên án, phỉ nhổ, mỉa mai ông là kẻ ăn ở hai lòng, nửa đường bỏ vua, phản bội lại phe chủ chiến rất đê hèn.
Trong khi đó, chính người Pháp lại luôn đi đầu trong việc hạ bệ uy tín Nguyễn Văn Tường. Linh mục Delvaux trong bộ sách BAVH (Đô thành hiếu cổ) đã nói như đinh đóng cột rằng sau khi đưa vua và Tam Cung ra Quảng Trị thì:
"Đến chiều tối người ta được tin Nguyễn Văn Tường đầu hàng quân Pháp và được trở lại tại vị trong chính phủ An Nam, Hoàng thân Thuyết gọi một người tâm phúc và ra lệnh cho y, trước mặt vua, đi đốt ngay cái nhà riêng của phụ chính Tường".
Nhiều cuốn sử Việt sau đó cũng lấy lại thông tin nói trên mà không chút nghi ngờ và cũng không hề kiểm chứng.
Trong khi đa phần thông tin của Delvaux đều lấy từ tòa Khâm sứ Pháp ở Huế mà chính tác giả cũng đã tự công nhận: "chín phần mười chỉ có giá trị thứ yếu và rất thường trái ngược với nhau và triệt tiêu lẫn nhau". Vậy thực sự ai đã đốt nhà ông Nguyễn Văn Tường?
Toàn quyền Pháp de Lanessan thông tin cụ thể: "Vua Hàm Nghi và cả phụ chánh Thuyết vừa mới rời khỏi kinh thành thì cuộc nội loạn xảy ra ở mọi nơi cùng một lúc… phụ chính Tường… đã ở lại mặc dù chúng ta đã đốt cái bộ và cả cái nhà của ông".
Việc ông Tường ở lại nằm ngay trong kế hoạch của triều đình kháng chiến: người đánh, người đàm. Tôn Thất Thuyết chuyên về quân sự theo vua kháng chiến, Nguyễn Văn Tường mưu lược, giỏi chính trị, ngoại giao ở lại thương thảo với Pháp.
Vì vậy trong bộ sách Nguyễn Văn Tường và cuộc chiến chống đô hộ Pháp của nhà Nguyễn, tác giả là GS Nguyễn Quốc Trị đã viết rằng khi vua Hàm Nghi xuống dụ Cần Vương kêu gọi chống Pháp đã có dụ cho ông Nguyễn Văn Tường:
"Y thấy ta ngày càng khuất, y càng ngày càng lấn khiến triều đình không còn mặt mũi nào, vạn bất đắc dĩ mà ta mới phải làm cái kế bỏ thành đi ra ngoài.
Nay đại thần Tôn Thất Thuyết cùng ta cùng quanh quẩn, còn ngươi là phụ chính đại thần (Nguyễn Văn Tường) thì ở lại mà thương đàm, kẻ ở người đi đều lấy lòng yêu nước, lo dân làm căn bản. Trời đất thực cũng chứng giám…".
Những nỗ lực minh oan không ngừng
Năm 1991, sau biến cố thất thủ kinh đô 1885 hơn 100 năm, Trường cao đẳng Sư phạm TP.HCM đã tổ chức hội nghị khoa học "Nhóm chủ chiến trong triều đình Huế cuối thế kỷ XIX".
Tiếp đó, Trường đại học Sư phạm TP.HCM cũng tổ chức hội thảo khoa học "Nhóm chủ chiến trong triều đình Huế và Nguyễn Văn Tường" nhằm bước đầu làm sáng tỏ một số vấn đề liên quan đến phụ chính Nguyễn Văn Tường nhằm tái hiện lịch sử khách quan và qua đó minh oan cho ông. Nhà thơ Trần Xuân An cũng đã in một loạt sách nhằm cố gắng minh oan cho ông Nguyễn Văn Tường.
Công việc này cũng thu hút sự quan tâm của giới sử học từ những nhà nghiên cứu quê Quảng Trị như PGS.TS Đỗ Bang, TS Nguyễn Bình, thạc sĩ Yến Thọ cho đến những nhà khoa học ở Huế và cả ở Hà Nội như ông Phan Huy Lê, Dương Trung Quốc…
Hậu duệ ông Nguyễn Văn Tường ở nước ngoài cũng lao tâm khổ tứ tìm kiếm tư liệu gốc nhằm minh oan cho tổ tiên. Như bà Nguyễn Thị Ngọc Oanh và con gái là Trần Nguyễn Từ Vân đem lại những kết quả khả quan bất ngờ. Sử gia Dương Trung Quốc gọi họ là "những nhà sử học bất đắc dĩ".
Năm 2007, PGS.TS Đỗ Bang đã chủ biên cuốn sách Nguyễn Văn Tường (1824-1886): cuộc đời và lời giải, NXB Văn Hóa Thông Tin. Cũng năm đó, sau những tìm tòi khoa học, Hội Sử học Thừa Thiên Huế đã tiến hành đặt bia tưởng niệm tại quê nhà ông Nguyễn Văn Tường nhằm minh oan và vinh danh ông.
Nhà thờ, lăng mộ phụ chính cũng đã được Nhà nước công nhận di tích lịch sử văn hóa. Ở TP Đông Hà đã có tên đường Nguyễn Văn Tường.
Công trình sử học minh oan hiếm có
Đó là bộ sách Nguyễn Văn Tường và cuộc chiến chống đô hộ Pháp của nhà Nguyễn, NXB Tổng Hợp TP.HCM, 2020, được trao giải Sách hay, mục Phát hiện mới năm 2020.
Đây là cuốn sách đồ sộ với gần 2.000 trang. Điều thú vị là do chính hậu duệ đời thứ ba của kỳ vĩ quận công, phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824-1886) là GS Nguyễn Quốc Trị hiện sống và làm việc tại Mỹ biên soạn, nhằm minh định lịch sử và minh oan cho tổ tông bằng một công trình khảo cứu quá công phu với 12 năm theo đuổi, tìm kiếm tư liệu ở các thư viện quốc gia Mỹ rồi Pháp, với nhiều thứ tiếng khác nhau có giá trị to lớn về mặt văn bản học, có độ tin cậy cao nhất.
Có người đánh giá cuốn sách này bằng ba luận án tiến sĩ sử học nghiêm túc. Ngay trong lời tựa, học giả, GS Cao Huy Thuần cũng đã khẳng định: "Quyển sách này đem lại một cái giật mình vô cùng cần thiết về sự trung thực. Đây là một tác phẩm sử học không thể thiếu cho bất cứ ai nghiên cứu và dạy học về giai đoạn lịch sử đau thương này".
Sau biến động tại kinh thành Huế 1885, dư luận hầu như hoàn toàn bất lợi cho ông Nguyễn Văn Tường. Sử thuộc địa bôi nhọ ông, đến ngay như bộ sách uy tín BAVH của người Pháp cũng dựng chuyện lên án ông một cách đầy dụng ý, về sau sử trong nước cứ thế nói theo.
Ngay cả dân gian cũng bất công với ông. Danh tiết ông bị vây bủa trong ma trận sử sách và dư luận suốt một thế kỷ, đến cuối thập niên 1980 mới bắt đầu hé lộ tia sáng cuối đường hầm mịt mù, u tối.
Nhưng phải đến khi GS Nguyễn Quốc Trị xuất bản công trình hệ thống, bài bản này với những tư liệu đầu nguồn thì mọi chuyện mới thực sự đầy đủ, sáng tỏ đầy thuyết phục về một nhân vật và giai đoạn lịch sử bi tráng với quá nhiều biến động.
Đọc cuốn sách này ưu điểm lớn nhất và bao trùm dễ nhận thấy đầu tiên là tư liệu ngồn ngộn mà lại là tư liệu gốc, tư liệu đầu tay, một bảo chứng bằng vàng khi nghiên cứu lịch sử, đặc biệt là khi muốn vén màn sương bí ẩn của quá khứ đã bị quá nhiều "hỏa mù thập diện mai phục", cơ hồ xóa nhòa sự thật khách quan.
Hình dung con người chính trị Nguyễn Văn Tường là một phức hợp hết sức rối rắm, mù mờ lại bị bao bọc bởi quá nhiều thông tin giả trá, hư ngụy được tạo dựng nên bởi những ý đồ độc ác và nham hiểm. Bởi vậy cả trăm năm qua, chân dung đích thực của ông như là một câu đố của nhân sư trong nền sử học nước nhà.
Dù đi sau với một hành trình như mò kim đáy bể, GS Nguyễn Quốc Trị đã có một công trình khoa học rất công phu để minh oan cho nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường và cũng là ông cố mình, cũng như giải oan đối với nhà Nguyễn.
Như vậy theo quan niệm truyền thống phương Đông, có thể coi trung hiếu vẹn toàn. Tâm huyết và công lao ấy không thể không ghi nhận dù ở phương diện quốc gia hay là chuyện riêng họ tộc.
Và nói như Truyện Kiều, kết cục tốt đẹp: "Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận