Kỷ niệm 200 năm (1824-2024) ngày sinh của ông, thử giải mã oan khiên lịch sử này và cũng mong chờ nhận được các ý kiến, tư liệu bổ sung thêm.
Nguyễn Văn Tường quê ở Quảng Trị. Năm 1842, vừa tròn 18 tuổi, ông lều chõng tham gia kỳ thi tại Thừa Thiên và đỗ tú tài, nhưng bị phát hiện họ tên trùng quốc tính/họ vua (Nguyễn Phước Tường) nên mắc tội đồ (đày đi gần) một năm.
Số là triều Minh Mạng có quy định nghiêm ngặt, ai có họ Nguyễn mà chữ lót là Phước/Phúc thì phải đổi nếu không sẽ phạm húy, bị nghiêm trị trọng tội.
Thí sinh mắc tội phải đi đày
Theo sách Đại Nam thực lục chính biên (thực lục) ghi rõ: Nhâm Dần, Thiệu Trị năm thứ 2, mùa thu tháng 7: "Trong danh sách tú tài trường Thừa Thiên có người tên là Nguyễn Phước Tường, vua ghét mạo dùng họ nhà vua, sai cắt bỏ nên trong sổ tú tài, đổi làm Nguyễn Văn Tường và giao cho Viện Đô sát trị tội".
Vua Thiệu Trị lại dụ rằng: "Đức Thái tổ gia dụ hoàng đế ta gây dựng nước nhà lấy Nguyễn Phúc làm họ nhà vua. Khoảng niên hiệu Minh Mạng lại có dụ nhắc lại: phàm người không họ vua mà dưới họ (Nguyễn) của mình mạo đặt chữ phúc thì đều cho dùng chữ khác để thay.
Quan dân trong ngoài ai cũng đều biết kính cẩn, kiêng tránh. Văn Tường đã đi học, đi thi, không thể nói là không biết, sao lại còn mạo đội họ vua? Quan tỉnh Quảng Trị và học quan ở phủ, huyện sở tại xét hạch, thu quyển, cứ việc sắp xếp đưa đi, quan Quốc Tử Giám và quan trường lại không một người nào kiểm điểm nêu ra, sao mà đui điếc cả một lũ đến thế! Bộ Lễ trước đây thu nhận danh sách cũng bỏ qua không biết. Tất cả đều là sơ sót, giao cho Viện Đô sát nghị xử".
Theo gia phả họ Nguyễn của gia đình ông Nguyễn Văn Tường cũng có chép: "Thiệu Trị ngũ niên thi trúng tú tài hậu dĩ can quốc tánh quyển diện đề Nguyễn Phước Tường, truất lạc nghị án" (năm Thiệu Trị thứ 5 (Đại Nam thực lục chính biên ghi là năm thứ 2), thi đậu tú tài, sau vì phạm luật về họ vua, ngoài quyển thi đề Nguyễn Phước Tường, nên bị đánh rớt, nghị án).
Năm 1850, ông được phép thi Hương lại với tên Nguyễn Văn Tường và đỗ Cử nhân, được bổ làm quan. Nhờ tài năng, tâm huyết của mình ông được thăng đến chức thượng thư, phụ chính đại thần, tước Kỳ Vĩ quận công.
Duy có một điều là thí sinh phạm húy thì để lại nhiều dư âm. Dân gian về sau có đồn đoán ông là con rơi của bậc đế vương nên mới liều mạng dám nhận quốc tính dù biết điều này rất nguy hiểm.
Hư thực thế nào?
Theo một vài nhà nghiên cứu về Huế khi sưu tầm giai thoại dân gian thì có đề cập đến chuyện ông Nguyễn Văn Tường là con rơi của nhà vua. Có tác giả khi biên soạn thành sách sưu tầm giai thoại cũng có vẻ muốn tin chuyện này là có thật.
Theo đó nói rằng do vua Minh Mạng nhân một lần tuần du Quảng Trị, có đem con trai Tường Khánh Công (chính là vua Thiệu Trị sau này) thấy có một người con gái đẹp nên ái ân và sinh ra ông Nguyễn Văn Tường.
Lại còn kể thêm chính người mẹ đã nói cho con sự việc này và đặt tên con theo họ vua! Đó là câu chuyện có lưu truyền trong dân gian về thân phận ông Nguyễn Văn Tường. Lại một nghi vấn động trời!
Nhưng trong chính sử thì không có dòng nào nói đến chuyện vua Minh Mạng có tuần du Quảng Trị vào cuối năm 1823 đầu năm 1824 (lúc hoàng tử Tường Khánh Công tức là vua Thiệu Trị sau này lúc đó mới 15 tuổi) nên đương nhiên chuyện "tình một đêm" giữa một hoàng tử với một thôn nữ càng không thể có cơ hội xảy ra.
Sách Đại Nam thực lục và Minh Mạng chính yếu của Quốc sử quán triều Nguyễn nếu có sự kiện quan trọng như nhà vua tuần du thì chắc chắn không thể nào bỏ qua.
Hơn nữa, giả sử chuyện này có thực thì vua Thiệu Trị lúc cha mình là vua Minh Mạng còn sống, cứ cho là vì sợ nên chưa dám nhận con rơi, nhưng khi lên ngôi thì việc này cũng không hề quá tầm tay.
Mặt khác, mẹ ông Nguyễn Văn Tường sau khi sinh ông còn sinh cả một đàn con mà không có chuyện bất hòa, lục đục trong gia đình khi mà ngày xưa, dân mình và dư luận rất coi trọng chuyện tiết hạnh, gia phong.
Khi đề cập câu chuyện này, TS sử học Trần Đình Hằng, phân viện trưởng Phân viện văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế, cũng đã thận trọng xác nhận rằng: "Chính sử triều Nguyễn không hề đả động chuyện vua Minh Mạng tuần du Quảng Trị.
Như vậy không thể có căn cứ chính xác nói rằng sự kiện trên đã từng diễn ra". Còn thạc sĩ sử học Nguyễn Đình Dũng, nguyên giảng viên Đại học Phú Xuân (Huế), khẳng định: "Không có chuyện ông Nguyễn Văn Tường là con rơi của vua Thiệu Trị khi còn là hoàng tử theo vua cha Minh Mạng tuần du Quảng Trị.
Chính sử đã xác quyết như thế, không thể nói khác. Rồi ông Nguyễn Văn Tường sau này lại cho con trai mình là Nguyễn Văn Tộ cưới con gái hoàng tộc thì càng thêm bác bỏ những điều thị phi từ dân gian và cả một vài giả thuyết từ sách báo.
Tuy rằng vì sao ông Nguyễn Văn Tường lại lấy tên như thế để chịu tội phạm húy thì cho đến nay vẫn chưa có lời giải thỏa đáng, nó vẫn là một ẩn số".
Vâng, ẩn số về một danh thần kéo dài mấy thế kỷ. Nhiều nỗi oan khiên tày trời như lớp mây mù dày đặc vây bủa đời ông, trùng điệp thị phi kéo dài suốt cả trăm năm nay mà cho đến gần đây mới được tường minh.
Loạt hồ sơ này sẽ xin tiếp tục giải mật trong các kỳ sau và cũng mong chờ nhận được ý kiến, tư liệu bổ sung thêm...
Nguyễn Văn Tường (1824-1886) là đại thần phụ chính của nhà Nguyễn. Ông xuất thân từ một gia đình lao động nghèo thuộc làng An Cư, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
Sau án phạm húy trong thi cử ông được khôi phục cử nhân, triều đình phong làm huấn đạo huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi năm 1850.
Đến năm 1853, huyện Thành Hóa, thuộc tỉnh Quảng Trị được thành lập. Ông được bổ làm tri huyện và làm việc ở đó 9 năm. Thành Hóa là một nơi xung yếu, "hậu lộ của kinh đô", chỉ những người được tin cậy mới được giao trọng trách này trong giai đoạn đất nước lâm nguy, dầu sôi lửa bỏng.
Năm 1862, ông vào kinh đô Huế giữ chức biện lý Bộ Binh, rồi vào Quảng Nam làm án sát. Năm 1864, ông được thăng làm phủ doãn kinh đô (tỉnh Thừa Thiên và đạo Quảng Trị). Năm 1866, vì cuộc khởi nghĩa Chày Vôi nổ ra trong phạm vi quản lý, ông bị cách chức.
Từ 1866 đến 1868, Nguyễn Văn Tường trở lại huyện Thành Hóa, với chức trách bang biện (tham mưu), tiếp tục xây dựng căn cứ địa Thành Hóa (Tân Sở về sau). Năm 1874 ông được phong làm thượng thư bộ Hình kiêm Thương bạc đại thần, được bổ sung vào Cơ mật viện. Về sau từ năm 1883 ông được làm Phụ chính đại thần cùng với Tôn Thất Thuyết và Trần Tiễn Thanh vào giai đoạn cuối triều vua Tự Đức qua đời, để giúp các tân vương lo việc triều chính.
Ngày 23 tháng 5 âm lịch, Ất Dậu (khuya ngày 4 tháng 7, bước sang ngày 5 tháng 7 năm 1885), ông cùng Tôn Thất Thuyết chỉ huy cuộc tấn công một cách bất ngờ vào Sứ quán Pháp bên kia sông Hương và doanh trại Pháp tại Mang Cá (Huế), nhưng thất bại.
Sau biến cố thất thủ kinh đô, ông và Tôn Thất Thuyết đưa tam cung ra căn cứ Tân Sở. Sau đó ông quay lại Huế và bị giặc Pháp giam lỏng rồi bắt sau 2 tháng. Pháp giam cầm ông ở đảo Côn Lôn rồi đưa đi đày ở thuộc địa Pháp tại Tahiti trên biển Thái Bình Dương. Ông mất ngày 30-7-1886 tại xứ người, tháng 2-1887 hài cốt mới được Pháp đưa về nước.
(nội dung chính tóm lược từ bài viết của TS Nguyễn Thị Thu Phương)
---------------------
Dưới triều Nguyễn, một giai đoạn ngắn nhưng lại được xem là rối ren nhất của triều chính là "tứ nguyệt, tam vương" (bốn tháng, ba vua) năm 1883 sau khi vua Tự Đức băng hà.
Kỳ tới: Nghi án hãm hại Tự Quân Dục Đức
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận