Chân dung họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm - Ảnh: Lê Thiết Cương |
Thế giới hội họa của Nguyễn Tư Nghiêm bí ẩn ngay cả với chính những đồng nghiệp của ông. Những họa sĩ cùng thời hoặc trên dưới thế hệ của ông nhiều chục năm vẫn luôn ngạc nhiên về những tìm tòi sáng tạo trong các tác phẩm mới. Các nhà nghiên cứu nghệ thuật Việt Nam hiện đại cũng hầu như chưa tìm được chìa khóa để mở ra cánh cửa bước vào căn phòng nghệ thuật ấy. Một thế giới trầm mặc, hân hoan, tráng lệ. Một chút lắng đọng tiếc nuối xen lẫn hiên ngang kiêu hãnh của một cây bút sống và sáng tạo xuyên thế kỷ.
Sự nghiệp đồ sộ trong căn phòng 9m2
Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm sinh năm 1922 tại Nam Đàn, Nghệ An. Cha ông là cụ phó bảng Nguyễn Tư Tái từ quan triều Nguyễn về mở mang đất đai lập ấp Lạc Lâm. Người dân vùng ấy về sau thờ cụ trong đình làm Thành hoàng. Với một truyền thống gia đình như thế, không ngạc nhiên khi ông Nghiêm là người rất am hiểu về “nho, y, lý, số”. Được trực tiếp nghe ông giảng giải về những tranh con giáp mới thấy kiến thức về vận hành vũ trụ và nhân sinh theo quan niệm nho gia của ông hết sức mạch lạc tinh tường. Ông đã áp dụng kiến thức ấy vào hầu hết tác phẩm của mình một cách nhuần nhuyễn đến không còn dấu vết. Người xem chỉ có thể cảm nhận được một không khí nhiệm mầu lung linh tỏa sáng bên ngoài tác phẩm của ông mà không thể giải thích. Nói cách khác, ông đã cung cấp cho chúng ta một thế giới để yêu thương, trân trọng, khoan hòa và can đảm sống. |
Một chiều giáp tết năm 1963 bố dẫn tôi đến nhà họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, một trong những người bạn họa sĩ thân thiết của ông ở chiến khu Việt Bắc cùng về Hà Nội năm 1954. Ông Nghiêm sống một mình trong căn phòng cheo leo chật chội trên tầng 3 ngôi nhà 65 Nguyễn Thái Học. Đối diện phòng ông Nghiêm là phòng của họa sĩ Nguyễn Sáng cũng chật chội chẳng kém. Nhà nước ngay từ hồi ấy đã cư xử với hai tài năng bậc nhất của hội họa Việt Nam hiện đại một cách công bằng đến ngậm ngùi.
Căn phòng chín mét vuông của ông Nghiêm chỉ vẻn vẹn một chiếc giường cá nhân mậu dịch trải chiếu bốn mùa. Gầm giường chồng chất phác thảo tranh giấy. Chiếc bàn uống nước với hai ghế trúc kê sát cửa ra vào. Tủ sách cao ngang ngực người lớn đầy ắp sách vở. Trên mặt tủ là vô số đồ gốm cổ. Phần lớn giập vỡ sứt mẻ. Và một góc làm việc hướng ra bancông căn phòng ngổn ngang những tấm sơn mài đang vẽ dở.
Buổi học vẽ đầu tiên trong đời mà tôi không thể nào quên suốt nửa thế kỷ sau diễn ra trong căn phòng ấy. Dĩ nhiên trong nhà không có chiếc ghế thứ ba dành cho tôi. Ông Nghiêm lấy ra một tờ giấy trắng không dòng kẻ trải xuống nền nhà. Tôi hiểu và ngồi xuống trước tờ giấy. Ông lại tìm trên nóc tủ pho tượng bán thân Tề Bạch Thạch đổ thạch cao chỉ nhỏ bằng quả ổi đưa cho tôi cùng một mẩu bút chì ngắn như điếu thuốc lá. Nụ cười hồn hậu, ông hướng dẫn tôi cách cầm mẩu bút chì bằng cả bàn tay như cầm chiếc que phác những nét đầu tiên.
Loay hoay hơn một giờ đồng hồ tôi cũng vẽ và đánh bóng xong Tề Bạch Thạch. Dĩ nhiên giống quả ổi có râu. Bố tôi đỏ mặt tía tai vì ngượng. Cứ như chính ông là tác giả bức vẽ chứ không phải tôi. Ông Nghiêm ôn tồn chậm rãi, trẻ con bảy tám tuổi đứa nào cũng có năng khiếu hội họa cả. Cái người lớn cần quan tâm là nuôi dưỡng năng khiếu và lòng ham mê ấy. Ông cứ cho cháu vẽ tùy thích ở nhà rồi mang đến đây tôi xem! Bố tôi thở phào nhẹ nhõm. Và cứ thế đều đặn vài tuần một lần tôi lại ôm tranh tự vẽ theo bố đến nhà ông.
Đó là những tháng ngày tôi được bước chân vào một thế giới trong trẻo thuần khiết nhất nhưng cũng đầy nghi hoặc của hội họa. Cho đến tận ngày đi sơ tán cuối năm 1965 thì thôi. Thời gian này tôi quan sát thấy ông Nghiêm chăm chú làm rất nhiều phác thảo cho những bức sơn mài Trẻ em chơi nổi tiếng về sau. Đó là những bức tranh có lẽ gần gũi với thị hiếu đại chúng hơn cả trong sự nghiệp đồ sộ của ông. Một sự nghiệp mà phần lớn tác phẩm quan trọng được ra đời trong căn phòng chín mét vuông ấy.
Bí ẩn chưa thể giải mã
Nếu như Nguyễn Tư Nghiêm bằng lòng với nhận xét của những vị thầy Tây như Evariste Jonchère, Joseph Inguimberty…khi họ khuyến khích ông nên theo đuổi hội họa hàn lâm châu Âu thì chúng ta đã không có một họa sĩ Việt Nam như Nguyễn Tư Nghiêm bây giờ. Ông Nghiêm từng là ngôi sao sáng trong đám sinh viên hàn lâm theo học Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương hồi những năm 1941-1945. Không chỉ học trò mà các thầy cũng ngưỡng mộ lối vẽ tinh tế đầy biểu cảm mà ông thể hiện qua những bài tập cơ bản.
Nghệ thuật tạo hình bác học mới mẻ và hấp dẫn khi nó đặt chân đến Việt Nam vào năm 1925 là đích đến của gần như toàn bộ lớp sinh viên trước Cách mạng Tháng Tám. Cái phần cốt lõi làm nên một họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm riêng của Việt Nam không phải là một ngoại lệ. Vẫn là những thủ pháp và kỹ thuật tạo hình hàn lâm châu Âu nhưng đã được kết hợp với nghệ thuật cổ truyền Việt một cách nhuần nhị ý tứ nhất. Thế giới hội họa của ông Nghiêm vì thế là một bí ẩn chưa thể giải mã.
Ở nhiều thể loại và phương pháp sáng tác, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm đều để lại những tác phẩm làm kinh ngạc giới chuyên môn. Từ phương pháp sáng tác “hiện thực xã hội chủ nghĩa” với các tranh “Con nghé quả thực”, “Giao thừa hồ Gươm”, “Phá kho thóc của Nhật”, “Trẻ em chơi” cho đến những sáng tạo bay bổng hư cấu hoàn toàn như “Bộ minh họa Kiều”, “Ông Gióng”, “Điệu múa cổ”, “Tranh con giáp” người xem đều được dẫn dắt đến tận cùng của cảm xúc thẩm mỹ bằng những thủ pháp tạo hình đặc sắc mang đậm dấu ấn cá nhân. Một chút bồi hồi cảm động của bà mẹ quê vừa được chia quả thực một con nghé trong cải cách ruộng đất. Một hân hoan tràn ngập lung linh sắc màu trong đêm giao thừa hồ Gươm sau ngày hòa bình lập lại với những tà áo dài Hà Nội phấp phới bay bên cạnh những bộ áo quần chiến sĩ và công nhân tươm tất như thời trang ngày hội. Một đoàn người đói khát dũng mãnh ào lên chiếm kho thóc của Nhật với tạo hình góc cạnh sắc nét cho người xem một góc nhìn đầy nhân văn của đề tài chính trị. Hình tượng Thánh Gióng khỏe khoắn quật cường với chiếc gậy tre đằng ngà uốn cong là một sáng tạo hư cấu hoàn hảo đến mức chưa có bất kỳ bức tranh nào cả trước và sau nó đạt được. Thủ pháp bố cục và tạo hình ở bức tranh này không hề thua kém những tên tuổi lẫy lừng của hội họa hiện đại thế giới như H. Matise, P. Picasso, G. Rouault, M. Beckmann…
Với Nguyễn Tư Nghiêm, phải mấy chục năm sau ngày học vẽ ở nhà ông, tôi mới nhận biết một điều tưởng chừng như rất đơn giản. Đó là đề tài, chất liệu, kỹ thuật, vốn cổ tạo hình... tất cả đều chỉ là phương tiện mà thôi. Cái ông hướng đến luôn là tìm ra một ngôn ngữ mới lạ. Ông Nghiêm có thể vẽ bằng tất cả vật liệu có trong tay từ mẩu bút chì ngắn ngủn cho đến tấm vóc sơn mài khổng lồ. Điều toát lên ở tranh ông Nghiêm mạnh mẽ đến mức làm người xem hầu như quên hẳn việc nó được vẽ ra bằng chất liệu gì. Nghệ sĩ tạo hình cần nhất sự vận động trí óc và tình cảm của mình để làm nên khác biệt.
Tất nhiên khác biệt không phải là đích đến như vài người lầm tưởng trong giai đoạn có quá nhiều người cầm bút vẽ như bây giờ. Một khác biệt trí tuệ cộng với một tay nghề điêu luyện mới làm nên một nghệ sĩ tạo hình có bản sắc riêng. Và vẻ đẹp nhiều tầng sâu thẳm trong các tác phẩm của Nguyễn Tư Nghiêm là minh chứng rõ rệt nhất.
Ông Gióng - sơn mài của Nguyễn Tư Nghiêm, vẽ năm 1990 |
Tranh ngựa của Nguyễn Tư Nghiêm năm 1990 |
Kỹ năng vượt qua vướng bận
Giới am hiểu hội họa thường nói về bốn họa sĩ tài danh bậc nhất của mỹ thuật Việt Nam hiện đại là “Nghiêm, Liên, Sáng, Phái”. Người duy nhất có cuộc sống gia đình phẳng lặng là Bùi Xuân Phái. Ông Nguyễn Sáng gặp rất nhiều trắc trở trong chuyện tình duyên. Dương Bích Liên và Nguyễn Tư Nghiêm chọn cho mình cách sống khác. Khi cả ba người bạn thân thiết nhất Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên qua đời, ông Nghiêm vẫn sống một mình. Lúc này Nhà nước đã bắt đầu quan tâm đến ông hơn nhờ sự vận động của những người bạn nhỏ có địa vị ở Văn phòng Chính phủ.
Ông Nghiêm được phân lại căn hộ của nhạc sĩ Trần Hoàn ở tầng 1 khu tập thể Trung Tự. Cuộc sống độc thân của ông già ngoại 70 tuổi ở một thành phố lớn như Hà Nội đầy rẫy tiện nghi vẫn không có gì thay đổi ngoài những thứ sẵn có trong căn nhà “cũ người mới ta”. Ông vẫn tự mình cơm nước giặt giũ, tự xem tivi và nghe đài để biết tình hình xã hội, tự ốm và tự chữa bệnh bằng cách châm cứu. Ông Nghiêm không dùng đến người giúp việc trong cả cuộc sống cá nhân và những công đoạn cơ bắp trong việc sáng tác.
Và thật ngạc nhiên, ông vẫn khỏe, vui và biết gần như tất cả diễn biến ngoài đời, đặc biệt là sự kiện nghệ thuật tạo hình trong nước. Có cảm giác như bốn bức tường căn nhà không phải là thứ ngăn cách ông với cuộc sống bên ngoài, mà ngược lại chính nó cũng là một trong những đối tượng quan sát của ông. Ở đấy, các đồng nghiệp cùng thế hệ và lũ hậu sinh thỉnh thoảng vẫn đến chơi. Họ trao đổi với ông về nghệ thuật, về chuyện đời và cả những riêng tư thầm kín. Ông nói với lũ trẻ chúng tôi lý do của việc sống một mình là ông ngại phải chia sẻ những điều mình nghĩ với phụ nữ. Những người đàn bà đến với ông trong chốc lát cũng hiểu tính cách ấy và không ai quấy rầy ông quá lâu.
Thật ngạc nhiên là trong tất cả sáng tác của ông không hề thấy hé lộ bất kỳ yếu tố bi quan nào của cuộc sống tưởng như cô độc. Ông Nghiêm yêu đời hơn hẳn các bạn cùng thời. Điều đó có lẽ đã giúp ông vượt qua rất nhiều trần ai vướng bận. Một chiếc bút chì và tờ giấy báo khổ nhỏ, ông vẽ tất cả những gì xảy ra quanh mình. Từ chân dung bạn bè Phái, Sáng, Liên nằm ngồi la liệt cho đến đồ gốm cũ sứt mẻ và bàn ghế ấm chén.
Đã có lần tôi nhìn thấy trên giường ông bức vẽ bút chì như của học sinh mỹ thuật mới nhập môn. Ông vẽ mấy quả chuối đặt trên chiếc ghế trúc xiêu vẹo để thỏa mãn cảm xúc nhất thời hay là một nghiên cứu hình họa thì cho đến tận bây giờ tôi cũng không thể biết. Chỉ biết một điều hình như ông không để ra bất cứ một khoảng thời gian nào dành cho việc chán đời. Đó là kỹ năng sống cần có của một nghệ sĩ. Thứ kỹ năng mà nếu sống đủ lâu trong tập thể thì tự nó sẽ biến mất lúc nào không hay.
Ông Gióng và 12 con giáp
Những tác phẩm sơn mài ông Nghiêm vẽ Thánh Gióng với những cách tân quan trọng cả về quan niệm thẩm mỹ cũng như kỹ thuật thể hiện. Chỉ duy nhất mình ông mới dám vẽ ra một thứ tranh sơn mài không cần mài. Ông tâm sự với chúng tôi rất khiêm nhường mà quyết liệt, nó đã đạt hiệu quả mình muốn rồi thì việc gì phải mài?
Lại một lần nữa tôi hiểu ra rằng vật liệu sơn mài truyền thống mà ông lựa chọn không quá mang nhiều chủ đích dân tộc tính như mọi người vẫn nghĩ về ông như thế. Bản sắc dân tộc trong tranh ông được thể hiện ở một chiều kích khác mang tính phiêu linh thoát tục. Nó cũng là phương tiện để người nghệ sĩ tìm kiếm đến tận cùng trong tâm cảm mình những diễn ngôn tạo hình đầy uy lực nhưng không hề kém phần xôn xao xúc động.
Người xem vài năm nay bỗng thấy một thiếu vắng không gì bù đắp nổi. Đó là tranh con giáp vẽ con vật tượng trưng cho năm mới. Sức khỏe đã không cho phép ông vẽ hàng loạt tranh con giáp như nhiều năm trước nữa. Ông Nghiêm vẽ con giáp từ những năm bom đạn bao cấp, chủ yếu để tặng bạn bè vào dịp tết. Về sau có cửa hàng Souvenir của mậu dịch thì chính tranh con giáp đã giúp ông có thêm thu nhập để có tiền làm những tranh lớn hơn. Ông vẽ con giáp trong nhiều năm và mỗi năm cũng có hằng chục tác phẩm ra đời. Người xem dễ dàng nhận thấy ở tranh con giáp của ông hằng năm một khả năng tư duy vô bờ bến.
Với ông Nghiêm hình như sẽ không có bất cứ điểm dừng nào trên con đường sáng tạo, chỉ trừ khi sức khỏe không cho phép. Chính vì thế chúng ta được chiêm ngưỡng những rồng, rắn, ngựa, dê, khỉ, gà, chó, lợn hằng năm với những khác biệt của từng tác phẩm độc lập. Những con vật trong tranh con giáp vẽ trên giấy khổ nhỏ nhiều khi mang cả hình hài và hòa sắc vào những tác phẩm lớn. Hình tượng Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt là những tác phẩm sơn mài khổ lớn như thế.
Những tác phẩm quan trọng của Nguyễn Tư Nghiêm ngày nay phần lớn nằm ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Một phần đã bị bán ra nước ngoài. Ngay cả những nhà sưu tập chuyên nghiệp cũng khá đắn đo khi mua về tác phẩm của ông. Ngạc nhiên thay khi mà ngôn ngữ tạo hình của ông rất gần gũi với vẻ đẹp hồn hậu dân gian người Việt hàng thiên niên kỷ đã không được đón nhận xứng tầm. Vậy thì chỉ còn lại câu hỏi duy nhất, người Việt bây giờ làm sao thế nhỉ?
Con ngựa dũng mãnh của ông Nghiêm Ông Nghiêm kết hợp hình ảnh con ngựa thờ trong đình chùa miếu mạo với hiểu biết khoa học về giải phẫu tạo hình của con vật để sáng tạo ra hình tượng con ngựa hồn nhiên khỏe khoắn với bảng hòa sắc thâm trầm xao động trong một không gian vô định ước lệ. Những con ngựa tám chân một thời đã bị ai đó “đầy trách nhiệm” nêu thắc mắc về tính hiện thực lại chính là phát hiện đặc sắc nhất của ông về khả năng biểu hiện sự chuyển động không ngừng trên mặt phẳng tranh cố định. Những chuyển động dũng mãnh cuốn hút theo ta vào đến tận trong giấc mơ là điều một bức tranh rất khó lòng đạt đến. Nó chắc chắn không dành cho những bộ óc duy lý tầm thường dù chỉ để thưởng thức. Con ngựa của ông Nghiêm đã thoát xác biến hình thành ra những “nhân vật” trong một hệ thống ngôn ngữ hoàn toàn khác biệt như thế. Nó không dễ ngắm nhìn và thấu hiểu. Cái bí ẩn luôn là một phẩm chất cần phải có của nghệ thuật. Nụ cười của nàng Mona Lisa chẳng đã từng nói với ta điều ấy trong suốt hơn 500 năm qua là gì? |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận