"Nguyên tử giống như một chiếc bánh trung thu, ở giữa bánh là nhân, bên ngoài là vỏ. Cái trứng muối giống như proton, vỏ bên ngoài tạo bởi electron... Thầy Cảnh dạy bài Nguyên tử cho lớp em như vậy đó. Các bài khác thầy cũng lấy ví dụ dễ hiểu và dễ nhớ lắm luôn"!
Từ lời kể của một nhóm học sinh lớp 7/6, chúng tôi xin dự tiết dạy của thầy giáo Nguyễn Hoàng Cảnh (Trường THCS Nguyễn Du, quận 1, TP.HCM).
Từ truyền thống đến hiện đại
Hôm đó, lớp 7/6 học đến bài Liên kết hóa học thuộc chủ đề Phân tử. Từ đầu bài đến cuối bài, thầy Cảnh dạy theo phương pháp truyền thống. Tức giáo viên giảng giải là chính, thỉnh thoảng thầy đặt câu hỏi cho học sinh giơ tay phát biểu.
Bài giảng của thầy được trình chiếu trên Power Point nên các hình vẽ khá bắt mắt và dễ hình dung. Không chỉ vậy, thầy còn chèn thêm âm nhạc và tạo những cú bất ngờ cho học sinh. Ví dụ, dạy đến phần liên kết ion, bất ngờ màn hình hiện lên trái tim màu đỏ nhấp nháy kèm theo tiếng nhạc du dương khiến cả lớp ồ lên thích thú.
Dạy đến nguyên tử khí hiếm, cả lớp bỗng giật mình khi nghe tiếng ngáy rất to của một người nào đó. Và các học sinh lại ồ lên khi thầy Cảnh giải thích: "Đó là nguyên tử khí hiếm. Nó tự do, thoải mái, thích ngủ lúc nào thì ngủ vì nó không cần liên kết với ai".
Sau phần lý thuyết và ứng dụng bài học vào cuộc sống thực tế, thầy Cảnh cho cả lớp làm bài tập và củng cố bài học. Lần này, thầy không kêu học sinh giơ tay nữa mà kêu bất kỳ một học sinh trong lớp nhằm kiểm tra các em có nắm được bài hay không.
Thầy còn đi lòng vòng trong lớp xem tình hình học sinh làm bài và kịp thời chỉnh sửa cho một số học sinh. Tiết học trôi đi với nhịp độ khá chậm...
Trong khi đó, tiết học ở lớp 7/1 Trường THCS Nguyễn Du lại hoàn toàn khác hẳn. Hôm đó, thầy Cảnh dạy bài ôn tập về nguyên tố và phân tử. Lớp học được chia ra thành nhiều tổ để thi đấu với nhau. Các vòng thi liên tiếp diễn ra một cách sôi động.
Từ vòng 1 khởi động đến vòng 2 vượt chướng ngại vật, vòng 3 tăng tốc cộng hóa trị, học sinh phải liên tục di chuyển và liên tục giải đáp các câu đố. Các em còn được thoải mái thể hiện cảm xúc mỗi khi nhóm của mình được cộng điểm hay bị trừ điểm, khiến không khí lớp học náo nhiệt và ồn ào y như đang sinh hoạt tập thể.
Đến trò chơi cuối cùng mới thực sự gay cấn khi thầy giáo yêu cầu từng cá nhân một chơi theo khả năng của mình nhưng tính điểm cho nhóm. Và những tràng cười không ngớt cứ thế nổ ra cho đến hết tiết.
Ít giao bài tập về nhà
Trao đổi với Tuổi Trẻ, hầu hết học sinh lớp 7/1 và 7/6 Trường THCS Nguyễn Du đều nói rất thích học môn khoa học tự nhiên. "Có bữa thầy cho tụi em chơi trò chơi rất thoải mái, nhưng có bữa thì học bình thường.
Cho dù thầy có dạy theo hình thức nào em vẫn thấy tiết khoa học tự nhiên rất vui vẻ và thú vị. Em rất thích các chủ đề về hóa học vì thầy Cảnh hay lấy những ví dụ gần gũi với cuộc sống để đưa vào bài dạy" - Hoàng Bách, học sinh lớp 7/6, nói.
Gia Khánh, học sinh lớp 7/6, kể: "Thầy Cảnh hay ví von nội dung bài học làm cho chúng em rất ấn tượng. Nguyên tử mà thầy ví nó như một cái bánh trung thu nên chắc chắn em không thể quên. Trước mỗi bài dạy, thầy còn đưa ra những hình ảnh, những vấn đề khiến chúng em tò mò, muốn học bài ngay lập tức".
Khánh Thư, học sinh lớp 7/1, còn bật mí: "Những tiết học với thầy Cảnh em cảm thấy khá thoải mái và nhẹ nhàng. Thầy rất ít giao bài tập về nhà vì mọi thứ đã được giải quyết trên lớp rồi. Bạn nào không nắm kỹ hoặc làm không kịp thì về nhà có thể xem lại bài giảng của thầy trên hệ thống học tập trực tuyến của trường, rất thuận tiện".
Thầy Cảnh chia sẻ như một đúc kết cho cách dạy thú vị của mình: "Quan điểm của tôi là phải làm sao kích thích cho học sinh hứng thú với môn học trước đã. Sau đó mới tính đến việc chuyển tải kiến thức, kỹ năng.
Do đó ở phần mở đầu bài dạy, tôi sẽ đưa ra những tình huống thực tế, để tiếp theo đó, phần bài dạy sẽ giải quyết tình huống đó. Cuối bài dạy phải là phần liên hệ thực tế để học sinh hiểu được học khoa học tự nhiên để làm gì".
Chủ động, sẵn sàng đổi mới
Thầy giáo Nguyễn Hoàng Cảnh là một trong những giáo viên trẻ xung phong được dạy môn khoa học tự nhiên mặc dù đây là môn học mới, nhiều giáo viên đang than khó khăn. Không chỉ nhiệt huyết, chuyên môn vững mà thầy Cảnh còn rất chịu khó học hỏi và nghiên cứu.
Trong đó, điểm nổi bật nhất ở thầy Cảnh chính là tâm thế chủ động, sẵn sàng đón nhận và tìm tòi để thực hiện đổi mới chương trình, đổi mới phương pháp giảng dạy. Có lẽ vì vậy mà thầy được nhiều học trò, đồng nghiệp yêu mến.
ThS Nguyễn Công Phúc Khánh
(phó hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, quận 1, TP.HCM)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận