Tài liệu viết về bà Ba Thi (Anh hùng lao động Nguyễn Thị Ráo, vợ ông Nguyễn Trọng Tuyển) có vài đoạn kể về ông, nhưng phần viết về sự hy sinh của ông cũng rất ngắn gọn:
Ngày 11-7-1959, ông Tuyển đi gặp đặc phái viên Xứ ủy Nam Bộ Trần Bạch Đằng thì bị điệp báo. Ông hy sinh khi bị quân bảo an Trảng Bàng, Tây Ninh bao vây hầm trú ẩn và ném lựu đạn hạ sát. Sự thật chính xác thế nào?
Giải mã sự thật
Theo chỉ dẫn của con cháu bà Ba Thi và ông Tuyển, chúng tôi ra Hưng Yên, tìm về quê hương ông để cố gắng chắp nối câu chuyện. Tuy nhiên, người cùng thời với ông đều đã mất. Một người cháu họ của ông hiện là cán bộ nhà nước suy tư cho biết:
"Chuyện liệt sĩ Nguyễn Trọng Tuyển cũng là trăn trở của dòng họ vì chưa thể tường tận hết. Ông vào Nam, tham gia kháng chiến từ những năm 1940, nên ngoài này không thể rõ. Tất cả những gì chúng tôi biết về ông đều đã gửi cho con cháu ông ở TP.HCM và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam".
Chúng tôi tiếp tục đến bảo tàng này, nhưng cũng chỉ tìm được một đoạn viết ngắn về sự hy sinh của ông trong cuốn Chủ tịch Hồ Chí Minh với thương binh, liệt sĩ, NXB Chính Trị Quốc Gia. Diễn biến ngày hy sinh của ông được ghi đoạn trang 138 như sau:
"Ngày 11-7-1959, trong một trận càn, địch phát hiện ra đồng chí đang ẩn nấp trong căn hầm bí mật tại xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh.
Kiên quyết không để kẻ địch bắt sống, đồng chí Nguyễn Trọng Tuyển đã dùng súng lục của mình bắn lại bọn chúng và trong cuộc chiến đấu không cân sức ấy, đồng chí bị thương nặng.
Biết mình không thể sống được, đồng chí đã moi đất trong căn hầm đang trú ẩn, chôn tất cả những tài liệu để không rơi vào tay giặc. Đồng chí đã anh dũng hy sinh lúc tuổi đời 37".
Đây là tài liệu được xem là chính thức do Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Trung tâm Lưu trữ quốc gia 3 thực hiện. Tuy nhiên, diễn biến ông Tuyển hy sinh thế nào cũng vẫn còn giới hạn, chưa đầy đủ bối cảnh và chi tiết.
Ba lần về tìm hiểu thực địa nơi ông hy sinh ở Tây Ninh, chúng tôi may mắn gặp được hai chứng nhân địa phương vẫn còn sống và vẫn nhớ rất rõ ngày lịch sử bi tráng.
Sự hy sinh của một anh hùng
Là người chị, bà Nguyễn Thị Dạ năm nay đã qua tuổi 82 với mấy đời cố cựu ở ngay xóm nhỏ phường An Tịnh, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh. Nhà bà cách căn hầm ông Tuyển hy sinh chỉ vài chục mét. Còn hầm thì nằm ngay trên đất ông bà Bảy Cỡ, chính là cậu mợ bà Dạ.
"Hồi đó, căn hầm nằm sát bên bụi tre ngay vườn nhà. Ông Ba Tuyển và anh em đồng đội hay về cơ sở bí mật này. Nếu tình hình yên ổn, họ lên ở căn nhà tranh bên trên, khi có động thì xuống ẩn dưới hầm.
Sở dĩ tui biết chuyện vì lúc đó đã 18 tuổi, hoạt động giao liên. Tui nhớ ông Ba Tuyển trắng trẻo, gầy và thân thiện, có lần còn dặn dò tui vừa hoạt động cách mạng vừa cố gắng học hành để có thể tiếp tục đóng góp cho đất nước sau này", bà Dạ nhắc nhớ.
Thuật lại ngày đặc biệt 11-7-1959, bà Dạ kể sáng sớm đó bà đang chăn trâu nghe ngóng tình hình ngay khu vực này thì lính bảo an ở Trảng Bàng bất ngờ ập vào bao vây khu vực.
Ông Tuyển ẩn mình dưới hầm. Còn ông Hai Chần, giao liên của ông Tuyển, thì giả đầu hàng để dụ binh lính rời khỏi khu vực đi "lục soát căn cứ cán bộ" ở rừng xa mà thật ra nơi này đã không còn hoạt động.
Sở dĩ bà Dạ biết hành động như "Lê Lai cứu chúa" là do về sau ông Hai Chần ra tù, kể lại. Và bà cũng nghe người lính trong đội bảo an kể "thằng Việt cộng (Hai Chần) dắt đi lục soát căn cứ trống trơn, không có bóng người, tài liệu gì hết".
Tuy nhiên, theo bà Dạ, chắc hôm đó có điệp báo cán bộ lớn về vùng nên lính bảo an không đi hết theo người giao liên Hai Chần mà vẫn bí mật để lại lực lượng bao vây khu vực có hầm ông Tuyển.
Đến trưa, có lẽ nghe ngóng tình hình đã yên, ông Tuyển vừa mở hé nắp hầm để quan sát thì bị phát hiện. Đội lính vừa bắn bừa bãi như dọa trên nắp hầm, vừa đốt rơm hun khói rồi bơm nước xuống hầm để buộc ông phải đầu hàng.
Tình hình rất căng thẳng, nhưng ông Tuyển bắn trả mà không đầu hàng... Cuối cùng, ông đã dùng chính súng ngắn của mình tự sát để không bị bắt.
Sở dĩ bà Dạ biết chuyện này là vì đến chiều khi đội lính bảo an đưa thi thể lấm lem bùn đất của ông Tuyển lên, đã nhờ dân địa phương tắm rửa cho ông trước khi đưa xác đi. Sau đó, họ đã kể lại ông hy sinh vì phát đạn tự sát...
Một nhân chứng khác cũng tường tận sự kiện này là ông Nguyễn Văn Đua, sinh năm 1946, em bà Dạ. Nhiều năm trôi qua, nhắc nhớ sự hy sinh anh hùng của ông Tuyển mà ông Đua vẫn ứa nước mắt.
"Hồi đó, chính quyền Sài Gòn kêu gọi đầu hàng, chiêu dụ chức quyền, bổng lộc này nọ nhiều lắm. Nhưng cậu Ba Tuyển đã kiên trung, chấp nhận hy sinh", ông Đua luôn nhắc tên ông Tuyển là cậu Ba với sự thương mến.
Thời điểm đấy, ông Đua đã hỗ trợ giao liên rồi tham gia kháng chiến, vào Đảng năm 1966. Sau năm 1975, ông làm bí thư chính xã An Tịnh này nên biết và hiểu sâu chuyện ông Tuyển đã hy sinh anh hùng như thế nào.
"Sáng đó, khi lính bảo an tràn vào, tôi cũng đang chăn trâu để nghe ngóng tình hình ở ngay gần hầm cậu Ba Tuyển. Phải có điệp báo, lính mới vào được nhanh và đúng vị trí như thế", ông Đua kể và xác nhận câu chuyện người giao liên Hai Chần đã làm "Lê Lai cứu chúa", bởi sau khi ra tù ông Hai Chần vẫn hoạt động cách mạng cùng ông Đua và kể lại chuyện này.
Ông Đua kể chi tiết hôm đó khoảng 6 giờ sáng, lính ập vào, một cán bộ kháng chiến Tây Ninh là ông Sáu Nhỏ không kịp xuống hầm, đã bỏ chạy nhưng bị bắt ở bờ ruộng. Bà Bảy Cỡ là mợ ông, chủ nhà đào căn hầm của ông Tuyển, bị bắt ngay, may là người chồng bận việc kháng chiến, đã rời nhà trước đó một chút.
Tình hình sau đó diễn biến cũng tương tự như bà Dạ kể. Nhưng ông Đua nhớ chính xác người rửa thi thể cho ông Tuyển là ông Bảy Bề và Ba Tiệp ở địa phương. Họ đã kể lại tỉ mỉ là tắm rửa cho ông Tuyển bằng nước mưa nhưng chỉ huy quân lính nói chỉ rửa bằng nước giếng. Họ biết ông Tuyển đã tự sát bằng súng ngắn của mình...
Một thời gian sau khi lính rút đi, các đồng đội đã tìm về lại hầm ông Tuyển hy sinh và đào được dưới lòng đất đáy hầm có bọc nilông chứa ba kỷ vật là cuốn sổ tay chép các bài thơ, cây bút máy và con dao nhỏ là kỷ vật mà ông Tuyển đã chôn giấu trước khi hy sinh. Tập thơ của liệt sĩ sau đó đã được trao tặng tận tay Bác Hồ.
"Tới giờ, chúng tôi vẫn còn điều tiếc thương, áy náy là không rõ nơi cậu Ba Tuyển bị chôn ở đâu để đưa về. Tình hình hồi đó căng thẳng lắm. Có lúc chúng tôi nghe cậu bị chôn ở đồng mả gần sân vận động Trảng Bàng, lúc thì nghe bị vùi trong rừng, nhưng không thể tìm được", ông Đua nghèn nghẹn tâm sự.
Sau ngày thống nhất đất nước, cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã tìm về tận nơi ông Tuyển hy sinh và nhắn nhủ địa phương cất cho ông một miếu thờ.
"Đất nước còn khó khăn, cất miếu nhỏ thôi để đồng bào hương khói, tưởng nhớ liệt sĩ", ông Khải dặn dò. Một con đường nhựa nhỏ cũng được xây dựng trên chính lối mòn ngày xưa ông Nguyễn Trọng Tuyển ngược xuôi kháng chiến...
Nhắc nhớ và tri ân
Lần giỗ liệt sĩ Nguyễn Trọng Tuyển tháng 7-2023, người con rể Nguyễn Văn Quang đã long trọng tổ chức ngay tại nơi ông hy sinh, mời nhiều người dân đến tham dự như là sự nhắc nhớ và tri ân bà con xóm làng đã cưu mang liệt sĩ năm nào.
Đặc biệt, người cháu ngoại của ông Tuyển hiện là bác sĩ nhãn khoa cũng mời đồng nghiệp cùng về khám chữa bệnh miễn phí cho bà con.
Nói lời tri ân, ông Quang xúc động tâm sự: "Liệt sĩ Nguyễn Trọng Tuyển đổ máu ở đây và làm Thành hoàng cho xứ sở thương yêu mà ông đã kháng chiến và anh dũng hy sinh".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận