Bị cáo Nguyễn Minh Hùng đến tòa sáng 24-9 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Sáng nay 24-9, TAND TP.HCM đưa ra xét xử sơ thẩm lần 2 đối với bị cáo Nguyễn Minh Hùng (nguyên tổng giám đốc VN Pharma) và 11 đồng phạm trong vụ buôn lậu thuốc ung thư giả xảy ra tại Công ty Cổ phần VN Pharma.
Hàng loạt cơ quan đơn vị phải chịu trách nhiệm
Cho đến nay, vụ án này đã kéo dài 6 năm với nhiều lần trả hồ sơ để làm rõ hành vi phạm tội, định lại tội danh đối với các bị cáo và xem xét trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan.
Công ty cổ phần VN Pharma được thành lập tháng 10-2011 do Nguyễn Minh Hùng làm chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc. Từ năm 2012, Nguyễn Minh Hùng nhận thấy thị trường có nhu cầu về thuốc chữa trị ung thư nên bàn với Võ Mạnh Cường nhập khẩu loại thuốc thuốc chữa ung thư là H-Capita 500mg về VN.
Do thiếu một số giấy tờ về tiêu chuẩn thuốc mà phía công ty ở Canada không cung cấp được, Hùng đã chỉ đạo nhân viên làm giả các giấy tờ đó.
Kết luận giám định của Bộ Y tế thể hiện lô thuốc H-Capita 500mg nói trên chứa 97% hoạt chất capecitabine, là thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người.
Nguyên tổng giám đốc VN Pharma Nguyễn Minh Hùng cùng các bị cáo khác đến tòa sáng 24-9 - Video: ĐAN THUẦN - CHẾ THÂN
Trong suốt quá trình điều tra vụ án, đơn vị có trách nhiệm thẩm định, cấp phép cho VN Pharma được nhập khẩu các lô thuốc về VN là Cục Quản lý dược Bộ Y tế luôn khẳng định đã làm đúng quy trình.
Tuy nhiên mới đây, Thanh tra Chính phủ đã kết luận Bộ Y tế có hàng loạt sai sót trong việc ban hành các quy định về nhập khẩu thuốc, đấu thầu mua thuốc…
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Y tế chỉ đạo kiểm điểm và có biện pháp xử lý đối với tập thể, cá nhân có liên quan đến việc cho phép nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita kém chất lượng của VN Pharma về VN.
Trước khi phiên tòa sơ thẩm lần 2 diễn ra, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã quyết định khởi tố vụ án hình sự "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Cục Quản lý dược Bộ Y tế và các cơ quan, đơn vị có liên quan.
Bị cáo Võ Mạnh Cường đến tòa sáng 24-9 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Chi 14 tỉ đồng tiền "hoa hồng"
Một trong những nội dung quan trọng mà phiên tòa sẽ làm rõ là trách nhiệm của Cục Quản lý dược Bộ Y tế trong việc cấp phép cho VN Pharma nhập khẩu các lô thuốc kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Bên cạnh đó, tòa cũng làm rõ có hay không việc VN Pharma chi hàng chục tỉ đồng tiền "hoa hồng" để đưa thuốc giả vào bán tại các bệnh viện.
Kết quả điều tra lại thể hiện Nguyễn Minh Hùng và ban giám đốc VN Pharma đã có chủ trương chi tiền cho trình dược viên sử dụng vào mục đích tiếp cận bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng để phục vụ cho hoạt động bán thuốc.
Trên thực tế, từ tháng 10-2014 đến tháng 5-2015, VN Pharma đã sử dụng 14,1 tỉ đồng để chi phí cho hoạt động bán thuốc vào các bệnh viện.
Đây là số tiền VN Pharma nâng khống giá thuốc nhập khẩu, tuy nhiên cơ quan điều tra không xác định được đây là tiền nâng giá của lô nào. Do tiền nâng khống giá được VN Pharma nhận lại bằng tiền mặt nên không có hóa đơn chứng từ, không có sổ sách ghi chép việc thu chi.
Viện KSND tối cao đã kết luận việc chi "hoa hồng" chỉ có lời khai của trình dược viên VN Pharma, không có tài liệu, chứng cứ vật chất chứng minh việc đưa tiền, đưa quà nên không đủ tài liệu kết luận về hành vi nhận "hoa hồng" của các cán bộ, bác sĩ bệnh viện.
Tuy nhiên, vấn đề "hoa hồng" vẫn sẽ tiếp tục được HĐXX làm rõ tại phiên tòa.
Ông Nguyễn Minh Hùng (bìa phải) - nguyên chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty cổ phần VN Pharma - và các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm lần 1 tháng 8-2017 - Ảnh: T.L.
Hối lộ 10 tỉ để chạy án nhưng không thành
Liên quan đến vụ án này, trong số 12 bị cáo thì có Ngô Anh Quốc (nguyên phó tổng giám đốc VN Pharma) đã bị TAND cấp cao tại Hà Nội tuyên án 5 năm tù về tội đưa hối lộ. Bản án hiện đã có hiệu lực pháp luật.
Bị cáo Quốc là người đã dùng hơn 10 tỉ đồng tiền "hoa hồng" để ngoài sổ sách của VN Pharma để đưa cho luật sư nhờ "lo lót" cho mình thoát tội sau khi vụ án buôn thuốc giả tại VN Pharma bị phát hiện.
Tuy nhiên, việc đưa hối lộ không thành, cả bị cáo Quốc và 2 đối tượng môi giới khác đều bị đưa ra xét xử.
Số tiền hơn 10 tỉ đồng dùng để "chạy án" đã được các bị cáo nộp lại cho cơ quan điều tra. Các cơ quan tố tụng đã kết luận số tiền này có nguồn gốc từ việc nâng khống giá thuốc, không được hạch toán mà để ngoài sổ sách, đây là số tiền được sử dụng cho mục đích phạm tội nên đã tuyên tịch thu sung công quỹ nhà nước.
Liên quan đến vụ án đưa hối lộ này, một kiểm sát viên của Viện KSND tối cao cũng đã bị xử lý kỷ luật cách chức, điều chuyển công tác vì tiết lộ thông tin vụ án VN Pharma ra bên ngoài cho các đối tượng.
10-2017: Toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM được cấp phúc thẩm tuyên hủy, điều tra lại.
2018: Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an thay đổi quyết định khởi tố, từ tội buôn lậu, làm giả con dấu, tài liệu sang tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh.
1-2019: Khởi tố thêm 3 bị can là nhân viên VN Pharma và nhân viên công ty Hàng hải quốc tế H&C, nâng tổng số bị can trong vụ án lên 12.
5-2019: 12 bị can bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố về tội "Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh" theo khoản 2 điều 157 Bộ luật hình sự. Khung hình phạt cao nhất là 12 năm.
7-2019: Viện KSND tối cao thay đổi khung hình phạt, truy tố 12 bị can trong vụ án theo khoản 4 điều 157, khung hình phạt cao nhất là tử hình.
9-2019: Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Cục Quản lý dược Bộ Y tế và các cơ quan, đơn vị có liên quan.
24-9-2019: Vụ án được đưa ra xét xử sơ thẩm lần 2.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận