Phóng to |
Ông Lương Hoài Nam (bìa trái) được đưa về nơi cư trú ở Hà Nội để thực hiện lệnh khám xét - Ảnh: VIỆT DŨNG |
Không cho nguyên tổng giám đốc Jetstar Pacific Airlines xuất cảnhBắt tạm giam ông Lương Hoài Nam - nguyên Tổng giám đốc Jetstar Pacific Airlines
Cơ quan an ninh điều tra đồng loạt thực hiện lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc của ông Lương Hoài Nam tại Hà Nội và TP.HCM.
Cả ngày hôm qua, ông Nam đến làm việc với cơ quan an ninh điều tra và được tống đạt quyết định khởi tố bị can, sau đó được dẫn về nơi ở tại Hà Nội (phố Phạm Ngọc Thạch) để khám xét. Kết thúc việc khám xét, cơ quan an ninh điều tra thu giữ một số tài liệu có liên quan đến vụ việc.
Lúc 16g30 cùng ngày, một tổ công tác khác của Cơ quan an ninh điều tra (Bộ Công an) cũng đã có mặt tại nhà riêng của ông Lương Hoài Nam (đường C22, khu K300, P.12, Q.Tân Bình, TP.HCM). Đây là căn biệt thự mà ông Nam đã đăng ký địa chỉ thường trú và hiện sống cùng vợ, con gái và cha của mình. Lúc này trong nhà chỉ có cha ông Nam và người giúp việc. Đến 17g05, vợ ông Nam mới về đến nhà. Sau đó, trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương, đại diện tổ dân phố, các điều tra viên của Cơ quan an ninh điều tra đã công bố lệnh khám xét nơi ở của ông Lương Hoài Nam. Cuộc khám xét kéo dài đến gần 20g mới kết thúc.
Phóng to |
Biệt thự của ông Lương Hoài Nam tại TP.HCM bị khám xét chiều tối 7-1 - Ảnh: M.Luận |
Ông Lương Hoài Nam bị tình nghi thiếu trách nhiệm trong quá trình quản lý, kinh doanh tại JPA, nhất là việc thực hiện nghiệp vụ phòng ngừa rủi ro (hedging) xăng dầu. Hedging xăng dầu là nghiệp vụ phòng ngừa rủi ro được nhiều hãng hàng không quốc tế áp dụng từ nhiều năm trở lại đây, cho phép các hãng hàng không ký kết hợp đồng mua trước xăng dầu với giá ở thời điểm đặt mua.
Theo kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, chỉ trong hai lần thực hiện hedging xăng dầu, ban điều hành công ty gồm tổng giám đốc Lương Hoài Nam và hai phó tổng giám đốc người Úc là Free Tristan Allan và Daniela Marsilli không tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc thực hiện, không báo cáo HĐQT nên đã làm công ty lỗ hơn 31 triệu USD (gần 550 tỉ đồng) trong thời gian từ tháng 7-2008 đến tháng 5-2009.
Ngay sau khi xảy ra thua lỗ, trong HĐQT của JPA có ý kiến cho rằng hai phó tổng giám đốc không có quyền thực hiện nghiệp vụ hedging xăng dầu trong năm 2009 như ký kết tại giao dịch thứ hai. Ban điều hành công ty đã không tuân thủ nghị quyết của HĐQT về việc thực hiện nghiệp vụ hedging xăng dầu, tự ý mua xăng dầu phòng ngừa rủi ro cho năm tháng đầu năm 2009 trong khi nghị quyết chỉ cho mua trong năm 2008.
Ý kiến này cũng cho rằng giá mua xăng trong năm 2009 lên đến 136-137 USD/thùng, trong khi giá xăng dầu thế giới đã hạ nhưng ban điều hành không thực hiện hủy hợp đồng để hạn chễ lỗ cho JPA. Ngoài ra, ban điều hành cũng không báo cáo quá trình thực hiện hedging xăng dầu của JPA với HĐQT nên không kịp thời khắc phục, xử lý.
Ông Lương Hoài Nam sinh năm 1963, tốt nghiệp đại học năm 1986 với tấm bằng kỹ sư hàng không dân dụng và tiếp tục lấy bằng tiến sĩ kinh tế tại Liên Xô (cũ) năm 1990. Ông có hơn mười năm đảm nhận cương vị trưởng ban kế hoạch thị trường của Vietnam Airlines và được xem là chuyên gia thương thuyết với đối tác. Từ ngày 1-7-2004, ông Nam được Vietnam Airlines bổ nhiệm làm giám đốc Hãng hàng không Pacific Airlines khi hãng này còn trực thuộc. Sau khi Cục Hàng không VN tiến hành thanh tra quy trình bảo dưỡng của JPA, ngày 9-11-2009 Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã chính thức đồng ý cho ông Lương Hoài Nam nghỉ việc theo nguyện vọng trong đơn xin nghỉ việc nộp từ 1-9-2009. Ông Lê Song Lai - phó tổng giám đốc SCIC - được cử thay ông Nam. Sau khi có kết luận của Kiểm toán Nhà nước về thua lỗ ở JPA, sáng 16-12-2009 ông Lương Hoài Nam đã bị cấm xuất cảnh. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận