Sau trận mở màn gây tiếng vang khi thắng 5-0 trước đối thủ Kyzaibay Nazym (Kazakhstan) - cựu vô địch thế giới 2014, 2016, cựu vô địch châu Á 2021, Nguyễn Thị Tâm tiếp tục có thêm 2 trận thắng tuyệt đối trước khi thắng 4-1 trước Lkhadiri Wassila - võ sĩ từng 7 lần vô địch nước Pháp và 2 huy chương đồng châu Âu - ở trận bán kết.
Trong lịch sử trên đấu trường thế giới, thành tích tốt nhất của boxing Việt Nam là tấm huy chương đồng của Nguyễn Thị Hương (hạng 81kg) vào năm 2019.
Vô đối trong nước
Nguyễn Thị Tâm sinh năm 1994, sở trường thi đấu ở hạng ruồi (50-52kg). Tâm được đánh giá cao với lối đánh chủ động tấn công hoặc phòng thủ phản công. Tốc độ ra đòn vẫn còn là điểm yếu của Tâm so với nhiều đối thủ nhưng bù lại cô có lợi thế chiều cao, sải tay dài cùng những phản đòn uy lực.
Từ năm 2017, cô gái quê Thái Bình đã nổi lên như một gương mặt sáng giá cho vị trí nữ võ sĩ hàng đầu boxing Việt Nam khi lần đầu giành huy chương vàng quốc gia, châu Á và Asiad (2018).
Cũng kể từ đó cho đến nay, nữ võ sĩ Nguyễn Thị Tâm gần như không có đối thủ ở hạng ruồi tại các giải quốc gia. Cô sở hữu thành tích 5 huy chương vàng liên tiếp tại Giải vô địch boxing toàn quốc từ 2017 đến 2021, 2 huy chương vàng liên tiếp Đại hội thể thao toàn quốc (2018, 2022).
Việc vô đối ở hạng ruồi nữ trong nước từng khiến Nguyễn Thị Tâm gặp chuyện "dở khóc dở cười" suýt chút nữa bỏ lỡ Olympic 2020. Số là vì không có bạn tập nữ ngang trình, Tâm được các huấn luyện viên cho tập đối kháng với lứa trẻ U17 nam boxing Hà Nội để trui rèn thêm kinh nghiệm, bản lĩnh thi đấu.
Và trong một lần đấu tập, bạn tập nam có cú đấm khiến sống mũi Tâm phải dán băng Urgo và huấn luyện viên của Tâm là ông Nguyễn Như Cường bị một phen hú vía vì "tí nữa thì rụng luôn quả đấy".
Tuy vậy, nhờ vào những lần đấu tập với các nam võ sĩ trẻ, Nguyễn Thị Tâm có một năm 2022 vươn mình mạnh mẽ ở đấu trường thế giới. Cô liên tục gặt hái thành công khi giành huy chương vàng ở Giải vô địch Thái Lan mở rộng, lần thứ 2 liên tiếp giành huy chương vàng tại SEA Games, Giải boxing nữ vô địch châu Á và vòng 16 tại Olympic Tokyo.
Những thành tích ấn tượng giúp Nguyễn Thị Tâm vươn lên giữ ngôi số 1 boxing nghiệp dư nữ thế giới hạng ruồi, với thành tích 24 thắng, 5 thua và 0 hòa, theo thống kê của trang Boxrec.
Cơ duyên với thể thao
Nguyễn Thị Tâm là con thứ 2 của một gia đình làm nông ở xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Trong nhà chưa có ai từng tập luyện thể thao, song Tâm lại cho thấy tiềm năng thể chất từ rất sớm khi đã chơi bóng chuyền, bóng rổ, điền kinh, bóng bàn từ cấp tiểu học. Thậm chí cô từng được đội Công An Nhân Dân tuyển chọn theo tập điền kinh.
Nghiệp thể thao khắc nghiệt khiến Nguyễn Thị Tâm quyết định từ bỏ điền kinh vào năm 2009. Nhưng có lẽ thể thao vẫn muốn cho Tâm thêm cơ hội để khai phá hết tiềm năng bản thân khi cũng vào thời điểm đó, cô tình cờ được các huấn luyện viên ở đội boxing Hà Nội nhìn ra tố chất để có thể tiếp tục con đường chuyên nghiệp.
"Lúc đầu đến đội, thấy các anh chị tập luyện cực khổ, đấm đá kinh quá nên tôi rất sợ và tưởng đã bỏ cuộc. Thế nhưng các huấn luyện viên đã động viên nên tôi ở lại và gắn bó luôn đến nay", tay đấm nữ số 1 boxing Việt Nam nhớ lại về bước ngoặt sự nghiệp.
Để nói về thời điểm đánh dấu bước trưởng thành hơn trong bản lĩnh của Nguyễn Thị Tâm, có lẽ phải kể đến năm 2016, 2017, thời điểm trước khi cô không có đối thủ ở các giải trong nước.
Khi bị xử thua đầy oan ức ở chung kết Giải boxing Let's Việt 2016, cô cùng huấn luyện viên Nguyễn Như Cường đều ra về trong nước mắt. Sang hôm sau, Tâm viết đơn xin chia tay boxing và được các thầy động viên, tập thêm một năm nữa mà vẫn bị xử thua thì rời đội cũng chưa muộn.
Sau những ngày "cơm chan nước mắt" lao vào tập luyện, năm 2017, Nguyễn Thị Tâm lần đầu vô địch hạng cân 51kg Giải vô địch quốc gia, được lên tuyển và tiếp tục giành thêm huy chương vàng châu Á. Số phận vẫn chưa dừng trêu ngươi khi bản thân Tâm lúc đó vẫn bị lời ra tiếng vào "ăn may".
Nhưng một lần nữa Tâm đã vượt qua được và còn đậm nét hơn lần trước. Trước trận chung kết SEA Games 30 với đối thủ đến từ nước chủ nhà Philippines, cô gặp sự cố khi ban tổ chức không bố trí xe đưa đón. Huấn luyện viên Nguyễn Như Cường tất tả đi thuê xe.
Trong lúc di chuyển, ông và chuyên gia tranh thủ cuốn băng tay cho Tâm và khi đến nhà thi đấu vừa kịp đeo găng là lên đài. Chung cuộc Nguyễn Thị Tâm đã có trận đấu xuất sắc để giành tấm huy chương vàng SEA Games đầu tiên trong sự nghiệp.
Vay 2 triệu cho bố mẹ thoát nghèo
"Tôi chưa bao giờ nghĩ mình trở thành vận động viên boxing nổi tiếng. Tôi chỉ nghĩ làm cái gì thì cũng phải nỗ lực hết sức để có tiền lo cho bản thân và gia đình", Nguyễn Thị Tâm từng chia sẻ với Tuổi Trẻ như thế sau khi đã trở thành tay đấm số 1 Việt Nam và dẫn đầu trên bảng xếp hạng thế giới.
Suy nghĩ của Tâm xuất phát từ cái nghèo từng khiến gia đình phải xa cách, anh chị em mỗi người một nơi để bố đi phụ hồ, mẹ đi cấy thuê lo toan, trang trải cho cuộc sống. Và thêm một câu chuyện diễn ra vào năm 2010. Khi đó Tâm mới đi tập boxing và nhận khoản lương chỉ vài trăm ngàn mỗi tháng.
Lo nghĩ về cái nghèo của bố mẹ, Tâm đánh liều hỏi xin vay thầy 2 triệu đồng để lấy tiền mua một con lợn giống về cho bố mẹ nuôi, không phải tất tả ngược xuôi nay đây mai đó. Chính từ khoản tiền tưởng chừng nhỏ nhoi và một con lợn ấy đã giúp gia đình giờ đã có thêm 7-8 con lợn giống để phát triển chăn nuôi.
Hiện tại, Nguyễn Thị Tâm thuộc biên chế đội Hà Nội và hưởng chế độ tiền công 180.000 đồng/ngày, một tháng được khoảng 5 triệu tiền lương. Nếu được triệu tập lên đội tuyển quốc gia, mức hưởng tăng lên 270.000 đồng/ngày.
Nguyễn Thị Tâm chỉ đang hưởng chế độ như một vận động viên ăn tập theo hợp đồng đào tạo. Nguyên nhân vì vào năm 2019, đợt xét duyệt biên chế diễn ra ở thời điểm Tâm còn 2 tháng nữa mới có thể tốt nghiệp đại học.
Đây là điều rất đáng tiếc cho Tâm vì trong hơn 10 năm theo đuổi sự nghiệp boxing, cô chưa từng lung lay tư tưởng "kiếm thêm" ở các trận boxing chuyên nghiệp để hoàn toàn tập trung cho mục tiêu ghi danh boxing Việt Nam trên đấu trường thế giới và Olympic.
"Tôi hài lòng với những gì mình đã làm được nhưng cũng lo sau khi giải nghệ mình có vào được biên chế không, có công việc ổn định để sống không. Ngoài boxing, tôi thích kinh doanh, từng mơ ước mở cửa hàng ăn bởi tôi rất thích nấu ăn. Tôi nấu được đủ món, thích nhất là món vịt om sấu và lẩu Thái", nữ võ sĩ sinh năm 1994 tâm sự.
Nguyễn Thị Tâm chưa giành vé dự Olympic 2024
Do những vấn đề về tài chính, quản trị của Hiệp hội Quyền anh quốc tế (IBA), từ tháng 6-2022, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đã phát đi thông báo về hệ thống thi đấu mới cho suất dự Olympic Paris 2024.
Và đến tháng 2-2023, IBA và IOC chưa đạt được các thỏa thuận để Giải boxing nữ vô địch thế giới nằm trong giải có tính thành tích trao suất chính thức dự Olympic năm 2024 tại Pháp.
Cụ thể hệ thống thi đấu mới với suất dự Olympic Paris 2024, ngoài 2 lượt vòng loại, IOC cho biết các giải thi đấu thuộc cấp đại hội của mỗi châu lục sẽ lấy làm cơ sở trao suất chính thức cho các tay đấm môn boxing.
Chính vì vậy, nếu muốn giành suất dự Olympic 2024, Nguyễn Thị Tâm sẽ phải lọt vào đến chung kết hạng cân tại Asiad Thường Châu vào tháng 9 tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận