29/12/2012 05:11 GMT+7

Nguyễn Thị Sa Ri - nghị lực nơi đường đua xanh

NHƯ HÀ (ĐH KHXH&NV TP.HCM)
NHƯ HÀ (ĐH KHXH&NV TP.HCM)

AT - 25 huy chương vàng, bạc, đồng trong và ngoài nước, danh hiệu vận động viên xuất sắc nhất Đông Nam Á tại Đại hội Asean Para Games 5 (diễn ra tại Malaysia - 2009) chưa phải là tất cả để nói về nghị lực phi thường của cô gái Nguyễn Thị Sa Ri.

ezcPTqpc.jpgPhóng to
Sa Ri kiên trì luyện tập để có thành tích cao hơn

Hành trình gian nan

Sinh ra trong một gia đình nông dân ở huyện Cần Đước, Long An, cô bé Nguyễn Thị Sa Ri không được may mắn như các bạn. Con sốt năm lên 3 tuổi đã cướp đi đôi chân của Sa Ri. Tuổi thơ của Sa Ri không có những trò chơi nhảy dây, trốn tìm như các bạn mà phải sống cùng những lời trêu chọc vô tình của bạn bè “con bé bị què”.

Lên 7 tuổi, khi nhìn các bạn quần xanh áo trắng cắp sách đến trường, Sa Ri cũng ao ước được đến trường như các bạn. Nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn, đôi chân không được lành lặn nên mãi đến năm 9 tuổi, Sa Ri mới được chị gái cõng đến trường học. Hơn ba năm trên lưng chị đến trường, những lời trêu chọc của bạn bè dần không còn khiến cô bé mặc cảm, nản chí nữa mà càng khiến Sa Ri quyết tâm học tập. Được nhà trường tặng cho chiếc xe lắc tay để đi lại, Sa Ri vui mừng: “Mình đã không còn phải khiến chị và ba mẹ vất vả vì phải cõng mình đến trường nữa. Mình đã có thể tự di chuyển được bằng chiếc xe lắc ấy”.

Học hết lớp 12, ước mơ vào đại học của Sa Ri vừa tượng hình đã phải lụi tàn. Điều kiện kinh tế gia đình không đủ, Sa Ri phải nghỉ học, lên TP.HCM học vi tính văn phòng tại Trung tâm dạy nghề và nuôi dưỡng trẻ mồ côi Hóc Môn với mong muốn có được một công việc ổn định giúp đỡ gia đình. Học xong vi tính, Sa Ri đi khắp nơi để xin việc nhưng hồ sơ của cô chưa một lần được chấp nhận, chỉ vì lý do “cô là người khuyết tật”.

Trong một lần tình cờ đến xin việc làm tại Công ty thêu vi tính Thanh Châu, Sa Ri đã gặp bác Trần Hoàng Minh và được bác nhận về làm tại cơ sở Mùa Xuân. Với tấm lòng nhân ái, bác Minh đã giúp đỡ Sa Ri có nơi ăn ở, có công việc kiếm thêm thu nhập. Sa Ri tâm sự: “Bác Minh cưu mang, lo lắng cho mình như chính con ruột của bác vậy”. Đến đây, Sa Ri có được một đại gia đình với 26 người có hoàn cảnh giống như mình.

Nhận thấy sức khỏe Sa Ri và các con yếu ớt, không quản cực nhọc, bác Minh đưa các con đến hồ bơi để tập và cũng là rèn luyện sức khỏe. Bác Minh cho biết, ngày đầu tiên, Sa Ri đã tập nổi được và bơi được vài mét. Nhận thấy khả năng bơi lội của Sa Ri, bác Minh kiên trì tập luyện cho cô, và cũng thật bất ngờ, chỉ sau sáu ngày tập luyện, Sa Ri đã bơi được 50m. “Lần đầu tiên làm quen với nước, một cảm giác vừa vui, vừa sợ và thật sự khi bơi được những mét đầu tiên, cảm giác hạnh phúc của mình lúc đó không thể diễn tả được bằng lời”, Sa Ri chia sẻ.

Và ước mơ trở thành hiện thực

Rồi từ hồ bơi Sa Ri liên tiếp đoạt được 3 huy chương vàng giải toàn quốc ở Huế và 2 huy chương bạc tại Para Games diễn ra ở Thái Lan năm 2007. Cho đến nay, bộ sưu tập huy chương vàng, bạc, đồng qua các cuộc thi trong và ngoài nước của Sa Ri đã lên đến con số 25.

Năm 2008, Sa Ri liên tiếp được 2 HCV và 1 HCB giải toàn quốc diễn ra tại TP.HCM. Niềm vui nhân đôi khi giấy báo trúng tuyển đại học báo về, Sa Ri chính thức trở thành sinh viên khoa ngoại ngữ Trường ĐH Hùng Vương.

Ngoài thời gian đi học ở trường, Sa Ri dành thời gian còn lại trong ngày để tập bơi và làm việc tại cơ sở. Sau bữa cơm chiều, cô cùng các chị em trong “đại gia đình” thêu tranh kiếm thêm thu nhập. 23 giờ đêm, khi mà mọi người bắt đầu chìm vào giấc ngủ cũng là lúc Sa Ri ngồi vào bàn học với những con chữ và ước mơ đại học của mình.

Sa Ri cho biết hiện nay người khuyết tật vẫn bị kỳ thị, chưa được quan tâm nhiều. Những tuyến xe buýt dành cho người khuyết tật chỉ hoạt động ở một số trung tâm, không có những nơi sửa xe lắc cho người khuyết tật. Sa Ri kể: “Có hôm xe lắc bị hư, mình mang đi sửa thì không có nơi nào nhận sửa cả. Cũng có những hoạt động, những tổ chức dành cho người khuyết tật nhưng chưa được phổ biến”. Sa Ri nói cô hi vọng các cơ quan Đoàn - Hội nên có nhiều hoạt động hơn dành cho người khuyết tật như mở những chương trình hòa nhập cộng đồng để người khuyết tật cùng tham gia với người bình thường, tạo sự gắn kết và cũng là giúp cho người khuyết tật bớt mặc cảm.

Sau bốn năm, Sa Ri đã tốt nghiệp đại học. Nói về dự định của mình, Sa Ri chia sẻ: “Mong ước của mình là muốn được đi du học, được học lên cao hơn để có cơ hội giúp đỡ cho nhiều người có hoàn cảnh giống mình nhưng không có cơ hội may mắn như mình”.

U4HxDwjI.jpgPhóng to

Áo Trắng số 23 ra ngày 15/12/2012 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

NHƯ HÀ (ĐH KHXH&NV TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên