TT - Trong đêm phát giải Cánh diều vàng 2007 tổ chức tại nhà hát Hòa Bình (TP.HCM) tối 9-3, những người trong nghề không khỏi “nóng mặt” trước sự bội thu của đạo diễn - nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Thanh Vân và... vợ. Đạo diễn - nghệ sĩ ưu tú Phạm Nhuệ Giang, vợ anh, đoạt một cánh diều vàng với bộ phim truyền hình 25 tập Hậu họa (kịch bản Nguyễn Mạnh Tuấn). Phóng to Vụ thắng lớn này khiến ta nhớ đến một mùa gặt tương tự của vợ chồng Nguyễn Thanh Vân ở Liên hoan phim VN 13 tại TP Vinh (Nghệ An) năm 2001 khi chồng đoạt một Bông sen vàng và một giải đạo diễn xuất sắc nhất cho phim Đời cát, còn vợ đứng sát sau lưng với một Bông sen bạc cho phim truyện nhựa Thung lũng hoang vắng. Đó là chưa kể ở Liên hoan phim VN 14 tại Buôn Ma Thuột, Nguyễn Thanh Vân lại giật cú đúp với một Bông sen vàng và một giải đạo diễn xuất sắc nhất cho phim truyện nhựa Người đàn bà mộng du. Tuổi thơ mê... Trà Giang Phóng to Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân Trong những lần Nguyễn Thanh Vân nhận giải vàng, người tỏ ra rạng rỡ, hạnh phúc nhất lại là nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Hải Ninh - thân phụ của anh. Ông có ba người con, hai trai - một gái. Và mặc dù là người “một đời chỉ có đam mê điện ảnh, điện ảnh và điện ảnh” như lời của Nguyễn Thanh Vân, nhưng ông không cố hướng các con theo mình mà để họ tự do chọn lựa nghề nghiệp. Người con cả theo ngành khoa học tự nhiên, hiện là giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội, còn cậu con trai thứ hai Nguyễn Thanh Vân và cô con gái út Thu Hà đi lòng vòng rồi cũng cặp về bến điện ảnh với cha mình. Thu Hà là họa sĩ thiết kế phục trang, đã thực hiện phục trang cho hầu hết phim của anh mình và hiện nay đang cộng tác với phim về liệt sĩ Đặng Thùy Trâm của nghệ sĩ nhân dân Đặng Nhật Minh: Đừng đốt, trong đó có lửa cũng như đang là một thành viên trong nhóm thiết kế cho bộ phim Nghìn năm Thăng Long. Lúc nhỏ, Nguyễn Thanh Vân không có mơ ước gì về điện ảnh. Vào những ngày hè, cậu được bố “xách” theo đoàn phim và công việc quan trọng nhất của cậu là làm “mõ” cho đoàn, đi đến nhà dân gọi các cô, các chú trong đoàn phim đến cho bố họp. Và điều khiến cậu thích thú là được xem cảnh người ta đóng phim đông vui, nhất là được nhìn cô Trà Giang diễn vì “người đâu mà đẹp thế!”. Cũng bởi vì mê cô Trà Giang mà khi bố quay nội cảnh ở hãng phim, cậu bé Vân lúc ấy trong túi không có xu nào vẫn liều mình nhảy tàu điện đến xem. Suốt tuổi học trò của Nguyễn Thanh Vân, điện ảnh chỉ có vậy. Đến khi tốt nghiệp cấp 3, đang chờ kết quả thi Đại học Kiến trúc, anh được bố gửi theo “bác” Khánh Giư vào Vĩnh Long làm phim Mẹ vắng nhà. Anh được điều vào tổ quay, có nhiệm vụ cầm ô che máy và đi vác đường ray. Anh làm chăm chỉ, trong lòng bỗng thấy nổi lên “cơn mê” với điện ảnh. Trong nhật ký, anh viết nếu rớt kiến trúc sẽ làm đạo diễn. Nhưng anh không rớt kiến trúc mà lại đậu khá cao, chỉ thiếu nửa điểm là đủ chuẩn đi học nước ngoài. Học đến năm thứ tư, chuẩn bị tốt nghiệp kiến trúc sư thì trường điện ảnh chiêu sinh khóa đạo diễn bậc đại học đầu tiên. Anh âm thầm đi thi. Khi Nguyễn Thanh Vân bỏ ngang kiến trúc để theo học điện ảnh, mẹ anh - một cán bộ ngân hàng - đã buồn đến bỏ ăn, còn bố anh tuy không nói gì nhưng đã phải chạy sấp chạy ngửa để xin trường kiến trúc đừng bắt phạt đền tiền đào tạo. Vào trường điện ảnh, nhỏ hơn các bạn cùng lớp 5-7 tuổi nên từ lúc bắt đầu học đến khi tốt nghiệp về công tác tại Hãng phim Truyện VN, anh luôn bị “phiên dịch” là “con đạo diễn Hải Ninh, con giám đốc Hải Ninh”. Dưới mắt mọi người, chuyện “chú nhóc” Nguyễn Thanh Vân làm đạo diễn xem ra có vẻ quá mơ hồ. Gian nan tấm vé vào nghề Phóng to ... và vợ là đạo diễn Phạm Nhuệ Giang trong đêm trao giải Cánh diều vàng Sau khi làm phó đạo diễn cho phim Tướng về hưu của thầy chủ nhiệm Nguyễn Khắc Lợi, Nguyễn Thanh Vân được bố cho đi làm phó hai phim của ông là Đêm hội Long Trì và Kiếp phù du. Anh nhớ lại ở trường quay cứ mỗi lần gặp chuyện bực mình, không “sửng cồ” được với người ngoài, ông bố đạo diễn lại dồn sang mắng ông con “phó” cho đỡ tức. Sau khi “đàn anh” đồng môn Lưu Trọng Ninh được giao làm phim Canh bạc, Nguyễn Thanh Vân cũng nhận kịch bản Ngõ đàn bà nhưng phải vay tiền của bạn, xin nằm nhờ dưới sàn tàu hỏa và đi ké một đoàn phim khác vào tận Đà Lạt để chọn cảnh. Ngồi nhờ trên xe chở đạo cụ không mui, bị mưa quất rát mặt, lúc đó anh nghĩ mình buộc phải làm phim đầu tay này tốt, nếu không số phận sẽ mãi mãi như thế này. Bộ phim Ngõ đàn bà sau bao nhiêu vất vả, làm xong anh vẫn phải mất thời gian ngồi chầu chực ở cửa nhà ông bộ trưởng để chỉ xin được giữ lại cái tên “Ngõ đàn bà” mà anh rất thích. Thế nhưng cuối cùng, phim vẫn phải lấy tên Chuyện tình trong ngõ hẹp. Bộ phim đầu tay của Nguyễn Thanh Vân ngay sau khi công chiếu đã gây nên một cuộc tranh luận nảy lửa trên mặt báo với hai luồng ý kiến khen chê rất quyết liệt. Đó là câu chuyện về hai mẹ con người đàn bà góa cùng yêu một người đàn ông thợ điện. Đời cát, bộ phim đưa tên tuổi Nguyễn Thanh Vân lên hàng những đạo diễn hàng đầu trong thế hệ anh với ba giải thưởng tại Liên hoan phim châu Á - Thái Bình Dương năm 2000 ở Hà Nội cũng đã khởi đi bằng số phận thật gian nan. Sau khi cùng với tác giả Nguyễn Quang Lập sửa đi sửa lại đến gần chục lần, kịch bản vẫn không được duyệt vì người ta cho rằng số phận nhân vật bi thương quá. Phải mất đến ba năm nằm ngăn kéo, kịch bản mới được thông qua, nhưng chỉ được làm theo đơn đặt hàng của truyền hình. Biết rằng làm phim cho truyền hình kinh phí ít nhưng vì quá tâm đắc với kịch bản, anh đã bỏ tiền túi vào tận Quảng Bình chọn bối cảnh. Rồi trong một cuộc rượu, anh được một người bạn bên truyền hình gợi ý Đời cát nên làm phim nhựa để khỏi uổng. Lời gợi ý này như góp thêm sức mạnh, giúp Nguyễn Thanh Vân kiên trì “đấu tranh” để được làm phim truyện nhựa. Và thật may là số phận đã mỉm cười với anh. Thế nhưng hiện trường quay ở cảng Chân Mây miền Trung là một vùng đất mênh mông nắng cháy, chỉ có phương tiện di chuyển duy nhất là... đi bộ nên cả đoàn phim ngày ngày phải dùng sức người khuân vác đạo cụ, máy móc lội cát qua nhiều cây số rất vất vả. Vậy mà mẻ nháp đầu tiên của Đời cát gửi đi in tráng lại bị hư, mất đi một số cảnh. Tin dữ đó bay đến khi đoàn phim đã dời hiện trường sang địa điểm khác khiến Nguyễn Thanh Vân đau đớn không kể xiết. Đến bữa cơm, anh phải giấu cặp mắt sưng đỏ vì khóc dưới cặp kính râm vì sợ mọi người nản lòng. Đi tìm số phận gặp người tri kỷ Không giống với tư duy của ông đạo diễn bố luôn say sưa với những bộ phim mang đề tài “vĩ mô” với phong cách dàn dựng mang vẻ bề ngoài hoành tráng như Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội, Đất mẹ, Mối tình đầu, Đêm hội Long Trì... Nguyễn Thanh Vân chọn cho mình hướng đi lặng lẽ nhưng sâu sắc bằng việc đi tìm những số phận con người tối tăm nghiệt ngã. Sau khi đọc được truyện ngắn Ba người trên sân ga (tác giả Nguyễn Hữu Phương) trên báo Văn Nghệ, anh chú ý tới chi tiết người vợ cả ở trong Nam mua vé tàu cho chồng ra Bắc ở với vợ hai. Anh giữ lại tờ báo và trao cho Nguyễn Quang Lập khi nghe tin nhà văn đất Quảng Bình này vừa đem vợ con ra Hà Nội định cư. Chỉ biết nhau qua tiếng tăm và hiểu nhau qua tác phẩm, nhưng họ đã mau chóng kết thành đôi bạn tâm giao. Họ đã chia nhau nỗi đau khi đứa con chung đầu tiên Đời cát bị ngâm không biết chừng nào mới được làm phim, và cùng cộng cho nhau niềm hân hoan khi nó “công thành danh toại” ở các liên hoan phim. Vòng nguyệt quế từ Đời cát đã mở ra cho họ hàng loạt những thành công mới với những bộ phim tiếp theo như Thung lũng hoang vắng, Người đàn bà mộng du (Nguyễn Quang Lập biên tập) và bây giờ là Trái tim bé bỏng. Phim Trái tim bé bỏng cũng xuất phát từ một bài phóng sự trên báo, nói về thân phận những cô gái thôn quê lên thành phố phải sa vào con đường bán thân. Bài phóng sự gợi cho Nguyễn Thanh Vân nhớ lại một trường hợp có thật mà anh trực tiếp chứng kiến. Đó là khi làm phim Đời cát, đoàn phim của anh ở nhà của hai mẹ con có gia cảnh rất nghèo và được họ giúp đỡ hết sức tận tình. Hai năm sau, khi có dịp ghé lại cảng Chân Mây thăm họ, anh chỉ được gặp người mẹ. Anh hỏi về cô con gái, bà cho biết đã đi Sài Gòn. “Có biên thư về không?” - “Không”. “Có gửi tiền về không” - “Không”. Nghe vậy anh đã đoán biết số phận cô gái nhưng không dám nói gì với người mẹ. Chuyện của hai mẹ con ấy chính là hạt nhân ban đầu, để rồi về Hà Nội anh gọi: “Lập ơi, có chuyện này...”. Vậy là có Trái tim bé bỏng. Trở lại Quảng Bình lần thứ hai, anh không chú trọng khai thác cái nghèo vật chất mà muốn nói đến cái nghèo về đời sống tinh thần. Anh nói làm Trái tim bé bỏng lần này, anh có đủ thời gian để ngẫm nghĩ, để bình tĩnh, không phải “trong cơn mê muội” như hồi làm Đời cát, cho dù “chưa chắc giữa cơn mê muội hay sự tỉnh táo, cái nào hay hơn”. Anh và Nguyễn Quang Lập rất hợp nhau trong sáng tạo. Nhà văn quê Quảng Bình này là người có tính cách mạnh mẽ, thô ráp, còn Nguyễn Thanh Vân thừa hưởng ở mẹ mình sự mềm mại, tinh tế. Việc kết hợp mang ý nghĩa bổ sung này đã “kích” lên những phẩm chất tốt trong từng tác phẩm. Trong đời thường họ như một gia đình. Khi Nguyễn Quang Lập gặp tai nạn xe máy bị chấn thương nặng, người lúc ấy ngồi sau văng xa 5-7m may mắn chỉ sây sát nhẹ chính là Nguyễn Thanh Vân. Đến nay, sáu năm sau tai nạn đó, Nguyễn Quang Lập đã dần hồi phục mặc dù vẫn chỉ có thể gõ phím bằng một tay. Anh đang làm “trưởng ban điều hành” một nhóm tác giả có cái tên khá ngộ là “Lưỡng hà, song thủy” gồm hai cô tên Hà và hai cô tên Thủy. Bộ phim truyền hình 25 tập Tuổi yêu mà Nguyễn Thanh Vân vừa bấm máy vào sáng 11-3 tại Thanh Đa (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho HTVC là kịch bản của nhóm viết này do Nguyễn Quang Lập chủ trì. Một nửa yêu thương Câu nói “Phía sau sự thành công của người đàn ông là công sức của người đàn bà” ở vợ chồng Nguyễn Thanh Vân và Phạm Nhuệ Giang chỉ mới đúng một nửa. Họ đã bổ sung phần còn lại: “Phía sau sự thành công của người vợ còn có sự giúp sức của người chồng”. Cùng học một lớp, cùng về công tác một hãng nên từ khi ra nghề đến nay, họ luôn thực hiện nghiêm chỉnh “đạo luật bất thành văn” là hễ người này có phim thì người kia đi làm phó. Ai làm đạo diễn chính, người đó toàn quyền quyết định, người kia chỉ có nhiệm vụ chấp hành. Ngày ấy, trong khi Nguyễn Thanh Vân bỏ ngang năm cuối Đại học Kiến trúc để vào trường điện ảnh thì Phạm Nhuệ Giang, lúc đó đã tốt nghiệp kỹ sư xây dựng được vài ba năm và đang tham gia thi công Cung văn hóa hữu nghị Việt Xô, cũng nghỉ làm để theo nghề đạo diễn. Vào lớp, Thanh Vân mới hay “chị” Nhuệ Giang là con gái của đạo diễn Phạm Văn Khoa, đồng nghiệp của bố. Nhưng phải đến khi cả hai cùng tình cờ được đạo diễn Trần Phương cho vào Nam theo đoàn phim Đứng trước biển để thực tập thì họ mới thật sự gắn bó với nhau. “Vì lửa gần rơm nên chưa hết thực tập, chúng tôi đã yêu nhau, “trước chị, sau em” mà!” - Nguyễn Thanh Vân hóm hỉnh nhắc lại. Họ làm đám cưới năm 1988 ngay khi vừa ra trường. Và để tiện cho việc làm phim chung, gần 20 năm qua, Nguyễn Thanh Vân đã “ở rể” trong căn nhà đầy kỷ niệm của đạo diễn - nghệ sĩ nhân dân Phạm Văn Khoa tại ngõ Phan Chu Trinh, Hà Nội. Họ không có con nên cùng chia nhau niềm vui nỗi buồn về những đứa con tinh thần là những bộ phim mà cả hai cùng góp tay dựng nên. Cuộc sống của họ giản dị, những lúc rảnh rỗi không làm phim Thanh Vân thường tụ tập bạn bè đánh bóng bàn, uống bia, còn Nhuệ Giang ở nhà phụ chị dâu việc bếp núc với thói quen “luôn luôn giục chồng về ăn cơm”. Thanh Vân kể lại với nụ cười sung sướng. Thời gian gần đây, do tính chất công việc, hai vợ chồng đã có phần “tách nhẹ”: Nhuệ Giang không đi phó cho Trái tim bé bỏng vì bận làm phim truyền hình 25 tập Hậu họa. Tuy vậy suốt nhiều năm qua, họ vẫn chỉ chung nhau một xe gắn máy, bởi họ luôn có cùng một vạch xuất phát và một đích đến. Và trên hết họ đều hiểu rằng họ là một cặp cần có nhau theo luật bù trừ: một Nhuệ Giang mạnh mẽ, quyết đoán bên một Thanh Vân mềm mỏng, tinh tế.
Cuộc 'lột xác' ngoạn mục bờ Thủ Thiêm sông Sài Gòn chỉ sau một năm LÊ PHAN 26/01/2025 Chỉ hơn một năm trước, đôi bờ sông Sài Gòn qua trung tâm TP.HCM vẫn còn bên hiện đại, bên bờ lau lách mà giờ đây hoa đã nở, đèn rực sáng, nhạc đã hòa ca đón xuân về.
Elon Musk sẽ phá vỡ quy tắc vàng khi mua Liverpool thay vì Manchester United QUỐC THẮNG 26/01/2025 Tỷ phú công nghệ Elon Musk sẽ phá vỡ nguyên tắc vàng nếu ông quyết định mua CLB Liverpool thay vì Manchester United.
VietinBank rao bán những khoản nợ xấu 'lạ lùng' BÌNH KHÁNH 26/01/2025 Cuối năm, VietinBank bỗng rao bán nhiều khoản nợ “lạ”. Một khách hàng của VietinBank vay tiêu dùng với giá trị ghi nợ gồm cả gốc, lãi, lãi phạt hơn 260.000 đồng nhưng không thanh toán, để trở thành nợ xấu.
Vụ nam thanh niên hít xà đơn trên metro số 1: Công ty Đường sắt đô thị đề nghị công an vào cuộc CHÂU TUẤN 26/01/2025 Những ngày qua mạng xã hội lan truyền clip ghi lại cảnh một nam thanh niên hít xà đơn phản cảm trên chuyến tàu metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Ngày 26-1, công ty vận hành đề nghị công an vào cuộc.