TTO - 15 tuổi đã ở trại giáo dưỡng, 2 lần vào tù ra tội khi đang ngồi ở giảng đường. Ở tuổi 35, điều hành Tập đoàn Vast Group với 5 công ty thành viên và diễn đàn Oto-Hui.com, Nguyễn Thanh Đàm đã và đang khởi đầu chặng đường thay máu giang hồ bằng... ‘máu nhiễm nhớt’ của mình.

Một thiếu niên hư hỏng với nhiều lần phạm pháp từng bị buộc vào trại giáo dưỡng lúc mới 15 tuổi, sau đó tiếp tục hai lần ra vào tù khi đang ngồi ở giảng đường đại học liệu có thể vượt qua chính mình để làm lại cuộc đời? Liệu con/em mình có thể trở lại làm một đứa con ngoan, không là gánh nặng của gia đình và xã hội sau những vết hằn tù tội từ tuổi 15?

Nguyễn Thanh Đàm, 35 tuổi, ở TP.HCM, CEO của một tập đoàn chuyên về kỹ thuật phụ trợ, công nghệ ô tô tại Việt Nam đã tìm ra câu trả lời ấy.

“Nếu không là tôi thì còn ai sẽ giải mã được chính những lộn xộn, ảm đạm trong đời tôi suốt nhiều năm cơm tù, cơm đường cháo chợ nhiều hơn cơm mẹ nấu?”, Đàm nói “cho vui hơn” về chặng đường mà anh tự bạch là “tận cùng đớn đau, tận cùng hi vọng”.

Nguyễn Thanh Đàm: Ở tận cùng đớn đau, là hi vọng - Ảnh 1.

Khởi sự của Vast Group là trang mạng xã hội Oto-Hui.com với hàng trăm ngàn tài liệu miễn phí về kỹ thuật ôtô được chia sẻ rộng rãi. 5 công ty sau đó lần lượt ra đời sau 6 năm khởi nghiệp của Đàm.

Hầu hết tập trung về đào tạo kỹ thuật, nghiên cứu công nghệ mới, kinh doanh các sản phẩm phụ trợ, truyền thông trong ngành ôtô tại Việt Nam

Nhắc đến diễn đàn Oto-Hui, hầu hết người làm kỹ thuật ôtô các thế hệ rất trân quý, bởi đây là một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động dựa trên nền tảng chia sẻ kiến thức, tri thức và kinh nghiệm của nhiều thế hệ trong ngành.

Đến nay, diễn đàn đã có hơn 200.000 thành viên tham gia, hàng trăm ngàn bài viết hữu ích được chia sẻ với các bác tài trên đường lái xe.

Đây cũng là nền tảng mà mỗi thành viên trong Vast Group được vị chủ tịch trẻ truyền cảm hứng để xây dựng một diện mạo mới đầy triển vọng cho ngành ôtô Việt Nam hiện tại và tương lai.

Nguyễn Thanh Đàm: Ở tận cùng đớn đau, là hi vọng - Ảnh 2.


Nhưng đó là khởi sự của một tập đoàn trẻ mang khát vọng về thành công trong lĩnh vực ôtô. Còn khởi đầu của CEO trẻ Nguyễn Thanh Đàm là một câu chuyện khác. Câu chuyện từ chính cuộc đời anh. 

Nó có tên “Nhật ký về hành trình lạc lối, trượt dài trong khủng hoảng suốt gần 10 năm tuổi trẻ” của Đàm.

Cho đến nay, từ những dòng chữ múa lượn trong nước mắt, máu và trong tảo tần hi sinh, yêu thương trọn vẹn của gia đình trong trang nhật ký, Đàm còn viết nên câu chuyện khởi sự doanh nghiệp đầy khát vọng của chính anh trong thực tế.

Nguyễn Thanh Đàm: Ở tận cùng đớn đau, là hi vọng - Ảnh 3.

18 tuổi, khi bạn bè lo ôn thi vào đại học hoặc mải miết trên giảng đường, trường nghề thì Nguyễn Thanh Đàm chính thức đủ tuổi “nhập trại” để "trả nợ" cho cái án từ lúc vị thành niên.

Khi ấy, Đàm tham gia tổ chức băng nhóm cướp tài sản khét tiếng ở quốc lộ 27, đoạn giao hai tỉnh Đăk Lắk - Đà Lạt.

Nguyễn Thanh Đàm: Ở tận cùng đớn đau, là hi vọng - Ảnh 4.

Hoàn thành án tù lần một, với mức án ba năm, Đàm quyết tâm thi đại học. Lúc này, không ai tin anh chàng 21 tuổi đã bỏ bê việc học từ năm lớp 8 lại ngồi tù ba năm có thể đậu đại học.

Bác sĩ Nguyễn Cao Viễn, anh trai Đàm, nhớ lại: “Lúc đó, học Y khoa ở Huế xong tôi vào Sài Gòn làm việc. Đàm theo tôi vào Sài Gòn với quyết tâm thi đậu đại học. Ngày ấy, cả tôi và gia đình chỉ mong nó xa lánh bạn bè xấu, tìm một cái nghề để học rồi làm ăn đàng hoàng, chứ ăn chơi lêu lổng suốt ai dám nghĩ chỉ còn ba tháng nữa thi mà nó đậu”.

Đàm kể lại “kỳ tích” của mình: “Tôi biết không ai tin mình có thể thi đậu dù là cao đẳng chứ đừng nói gì đại học. Với tính ngang bướng, tôi đăng ký thi vào Trường đại học Bách Khoa, ngành xây dựng. Suốt ba tháng ôn thi, tôi phải đi tìm lại sách ôn tập từ hồi lớp 8 tới 12.

Nhưng khó khăn không phải là kiến thức rơi vãi trong suốt nhiều năm mà ở… đám bạn cũ.

Nguyễn Thanh Đàm: Ở tận cùng đớn đau, là hi vọng - Ảnh 5.

Tụi nó “ghé thăm” suốt. Có khi cả đám đến rủ đi chơi bời tôi phải tự xích chân mình lại, tiếp tục ngồi học, mặc kệ tất cả. Nhiều lần như thế, mấy thằng bạn vốn là anh em cả ngoài đời lẫn trong trại hiểu được quyết tâm của tôi nên ghé mua cho vài thùng mì gói ủng hộ rồi thôi, không đến nữa”.

Bác sĩ Viễn kể năm lớp 10, Đàm cũng từng từ bỏ giang hồ một lần, quyết tâm học. Gia đình cũng tin tưởng lắm vì thấy anh chàng tập trung thì học rất giỏi. "Đùng cái", Đàm bị bắt vì tội cướp giật ở quốc lộ 27.

"Lần nào nó cũng ‘quyết tâm’ cao nhưng sau mỗi lần quyết tâm là một lần làm gia đình, đặc biệt mẹ hụt hẫng. Vì vậy chuyện nó quyết tâm thi đậu đại học đúng là khó tin vào thời ấy. Nhưng ai ngờ ông em thi đậu cả 2 trường đại học. Mẹ tôi vui lắm. Thế mà đang học lại bị gọi đi tù lần nữa!", anh nói.


Nguyễn Thanh Đàm: Ở tận cùng đớn đau, là hi vọng - Ảnh 6.

Gia đình Đàm trước ở huyện Cư Kuin, Đắk Lắk. Đàm là út và có ba anh trai. Ba là giáo viên, mẹ làm nông trường cà phê, cả ba anh đều học hành thành tài, người tiến sĩ, người kỹ sư, bác sĩ.

Ở cái thời cơm đong gạo đếm ấy, ba mẹ Đàm đã rất tự hào về bốn đứa con. Nhưng biến cố đến khi người cha bị tai biến. Cả nhà phải lo đưa ba đi chữa trị, mẹ Đàm bỏ việc ở nông trường về nhà làm vườn cà phê để tiện chăm sóc chồng và con út.

Nguyễn Thanh Đàm: Ở tận cùng đớn đau, là hi vọng - Ảnh 7.

Thấy mẹ gần như kiệt sức vì gánh nặng gia đình, Đàm quyết tâm lên TP Buôn Ma Thuột sống cùng anh trai, tránh xa đám bạn ăn chơi để tập trung học.

Nhưng chỉ được một năm, Đàm lại tham gia băng nhóm giang hồ lộng hành tại phố núi, nhiều lần bị công an bắt giữ. May nhờ gia đình có nhân thân tốt và còn tuổi vị thành niên nên được thả.

Nhưng sau đó, với nhiều vụ cướp nghiêm trọng ở dọc quốc lộ 27, Đàm và băng nhóm này bị phạt tù 3 năm lúc vừa kết thúc năm học lớp 12.

Nguyễn Thanh Đàm: Ở tận cùng đớn đau, là hi vọng - Ảnh 8.

Anh Viễn nhớ lại hai lần chết hụt của cậu em út. Lần đầu là lúc Đàm mới bị bắt giam khi học đại học chưa hết năm nhất. Lúc này, anh đang chăm sóc mẹ bị bệnh nan y, vừa vào làm bác sĩ ở một bệnh viện trong thành phố, vừa phải thăm nuôi cậu em út ở trại giam.

“Một ngày nọ, tôi nhận được điện thoại từ Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) gọi báo lên… nhận em. Không hiểu trong trại giam nó xưng hùng xưng bá gì mà đánh nhau suýt chết. May lần đó nó qua khỏi, mẹ tôi đang bệnh nan y cũng suýt đột quỵ khi hay tin ấy”, bác sĩ Viễn nhớ lại.

Nguyễn Thanh Đàm: Ở tận cùng đớn đau, là hi vọng - Ảnh 9.

Bước chân ra khỏi trại giam lần thứ 2, tay cắp cái chiếu tù, tay xách túi quần áo, Đàm lúc ấy gần 30 tuổi, đứng trước cửa trại giam chờ anh trai đến đón.

Khi bóng người anh trai gầy gò vừa xuất hiện cùng chiếc xe máy cũ, Đàm phóng tới, nhưng không phải đến với anh mà… lao vào chiếc xe tải đang băng băng trên đường!

Anh Viễn thất thần không kịp phản xạ. Nhưng thần chết từ chối Đàm thêm một lần nữa. Chiếc xe tải đã tránh kịp khi Đàm lao tới.

“Lúc đó phản xạ tự nhiên, tôi cho nó một cái bạt tai, nhưng không dám giận hơn nữa, chỉ khuyên em ở nhà mẹ đang chờ. Rồi tôi lấy dây cột nó ngồi sau lưng, chở về trong khi bụng còn run lập cập”, anh Viễn nhớ mãi khoảnh khắc sinh tử của thằng em trai bao lần làm cả nhà khốn đốn.

Nguyễn Thanh Đàm: Ở tận cùng đớn đau, là hi vọng - Ảnh 10.

Nhưng đó cũng là lúc Đàm quyết tâm không bao giờ trở lại trại giam lần nữa. Khi thấy anh trai gầy guộc chạy chiếc xe máy cũ đến đón, Đàm nhớ lại dòng nhật ký của anh mà mình từng lén đọc: “Thưa cha mẹ, con đã ăn học 7 năm rồi nhưng đến giờ vẫn phải ngửa tay xin tiền cha mẹ… ”.

Đàm nói, lúc ấy mới hiểu anh trai mình đã cực khổ ra sao khi vừa làm võ sư, gia sư vừa làm bác sĩ thực tập không lương suốt mấy năm sau khi ra trường mà vẫn còn bế tắc ở thành phố này. Càng đau đớn hơn khi hay tin mẹ bị bệnh ung thư.

Nguyễn Thanh Đàm: Ở tận cùng đớn đau, là hi vọng - Ảnh 11.
Nguyễn Thanh Đàm: Ở tận cùng đớn đau, là hi vọng - Ảnh 12.

Đàm trở lại trường học, lấy được bằng đại học và bắt đầu đi làm cho một xưởng ôtô cũng là lúc biến cố khác ập tới. Trong một lần công tác xa nhà, anh nhận tin mẹ hấp hối.

“Ngày mẹ mất, nhìn dòng người tiễn, tôi biết mình phải sống, sống thật xứng đáng với mẹ. Khi gần như không còn ai muốn tin thằng Đàm này làm được gì nữa, chỉ có mẹ luôn đợi tôi trở về. Tôi hiểu được mình là niềm tin của mẹ và lúc đó khát vọng trong tôi trỗi dậy”, Đàm nói.

Nguyễn Thanh Đàm: Ở tận cùng đớn đau, là hi vọng - Ảnh 13.

Trước khi khởi nghiệp với Vast Group, Đàm cũng đã thất bại với một vài công ty nhỏ làm phụ trợ công nghệ xe máy. Nhờ được học ngành ôtô và tiếp cận các kiến thức trên mạng về kỹ thuật ôtô, Đàm đã cùng thầy giáo cũ Hoàng Ngọc Dương xây dựng mạng xã hội Oto-Hui. Tiếp đó là trường dạy kỹ thuật ôtô.

Nguyễn Thanh Đàm: Ở tận cùng đớn đau, là hi vọng - Ảnh 14.

Những ngày cuối năm này, Đàm đang hào hứng chia sẻ với cộng đồng người dùng ôtô sản phẩm công nghệ “Khám xe thông minh” do anh tự nghiên cứu và sản xuất, giúp lái xe có thể kiểm soát được tình trạng “sức khỏe” xe, tự xử lý những bệnh đơn giản, mang lại những chuyến đi an toàn.

Thầy Dương, hiện cũng là cộng sự của Đàm ở Vast Group, chia sẻ về thiết bị Micas: “Đó là tâm huyết của đám anh em “máu nhiễm nhớt” chúng tôi suốt 6 năm với nhiều lần thất bại. Với chúng tôi, thiết bị này là một khởi đầu mới về công nghệ ôtô tại Việt Nam.

Nó có thể khám và phản hồi tình trạng “sức khỏe” xế hộp của bác tài mọi lúc mọi nơi. Có chức năng SOS toàn quốc với hệ thống gần 3.000 trạm dịch vụ ôtô, 200 đội cứu hộ ôtô mà chúng tôi kết nối qua mạng Oto-Hui nhiều năm qua.

Đó cũng là một bước trưởng thành đầy hạnh phúc của sinh viên Nguyễn Thanh Đàm năm nào tôi từng biết, giờ hoàn toàn là một CEO đầy hoài bão và bước đầu có được thành tựu của mình”.

Nguyễn Thanh Đàm: Ở tận cùng đớn đau, là hi vọng - Ảnh 15.

“Suốt 6 năm qua, mỗi lần gặp khó khăn trong hành trình khởi nghiệp, chỉ cần nhắm mắt, nhớ lại khoảng thời gian ở trong trại giam, nhất là nghĩ đến mẹ - người đã thay đổi con người tôi sau nhiều lần lạc lối, tôi như bừng tỉnh và vượt qua tất cả.

Có những biến cố khiến người ta gục ngã. Với tôi, biến cố là chất liệu để tôi đứng lên và mạnh mẽ hơn trong hành trình tuổi trẻ của mình”, Nguyễn Thanh Đàm của hôm nay tự tin bộc bạch.

Và, "cảm ơn em, người vợ hiền đã đồng hành và tin tưởng anh kể cả khi biết anh là một thằng tù tội”, Đàm nói về người vợ và mái ấm nhỏ xinh với một cô con gái đáng yêu luôn là nơi anh cảm thấy hạnh phúc trong “hành trình trở về” trong những trang nhật ký mới đầy tươi vui và khát vọng.

Nguyễn Thanh Đàm: Ở tận cùng đớn đau, là hi vọng - Ảnh 16.

LÊ VÂN
LÊ VÂN
HẢI PHI
BẢO SUZU



Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên