05/05/2022 08:52 GMT+7

Nguyên tắc số 3 về sinh tồn, cần được dạy từ bậc tiểu học

BS NGUYỄN THÀNH ÚC
BS NGUYỄN THÀNH ÚC

TTO - Báo chí đang đưa câu chuyện bà Nguyễn Thị Bích Liên (59 tuổi, ở Hà Nội) sống sót sau 7 ngày rơi xuống vực sâu.

Nguyên tắc số 3 về sinh tồn, cần được dạy từ bậc tiểu học - Ảnh 1.

Cây đọt chạy ở Tân Phước, Tiền Giang - Ảnh: BS ÚC

Theo lời kể của bà Liên, những ngày ở dưới vực sâu bà vẫn bình tĩnh, không có tâm lý buông xuôi, bỏ cuộc, mà tự đấu tranh để sinh tồn, chờ được cứu thoát.

Trên thế giới đã có những trường hợp tương tự, thậm chí đã được đúc kết thành kinh nghiệm sinh tồn. Có nhiều cách để sinh tồn, nhưng quan trọng nhất là nguyên tắc số 3, đó là nguyên tắc giới hạn sức chịu đựng cuối cùng của cơ thể người.

Đó là 3 giây giữ bình tĩnh, 3 phút không có không khí, 3 giờ không có nơi trú ẩn trong môi trường khắc nghiệt, 3 ngày không có nước và 3 tuần không có thức ăn. Những thí nghiệm sử dụng tù binh chiến tranh Thế chiến thứ II trong quá khứ đã chứng minh được điều này.

Bình tĩnh là kỹ năng quan trọng nhất. Giữ bình tĩnh giúp người bị nạn sáng suốt ra các quyết định chính xác để tồn tại, không mắc sai lầm để tai nạn xấu hơn.

Những tai nạn liên quan đến thiếu không khí có rất nhiều, như chết đuối, chết ngạt do khói, chết do bị vùi lấp, sập nhà, sạt lở, lũ quét... Người bị nạn phải nhanh chóng thoát khỏi tình trạng trên càng sớm càng tốt, đừng để quá 3 phút sẽ mất cơ hội sống sót, nhưng về khoa học, nếu não thiếu oxy trong vòng 6 phút sẽ tổn thương vĩnh viễn, tế bào não không thể phục hồi như cũ.

Nhanh chóng tìm nơi trú ẩn an toàn là để tránh các tai nạn có thể xảy ra tiếp tục làm ảnh hưởng tới sức khỏe như mưa, gió, nóng bức, lạnh giá, thú dữ. Phải quan sát xung quanh để tìm nơi trú ẩn an toàn, có thể dựng "nhà chòi" như tuổi thơ chúng ta thường chơi đùa.

Nước rất quan trọng để tế bào sống và hoạt động, thức ăn cung cấp năng lượng cho cơ thể sống sót. Như vậy chúng ta tìm được nguồn nước sạch là tối quan trọng để sinh tồn. Đối với thức ăn, người bị nạn phải phân biệt loại nào ăn được, loại nào không.

Tránh ăn thức ăn có độc như lá ngón, ấu trùng ve sầu. Rất may chị Liên ăn lá dương xỉ là các loại cây không độc.

Ở Tiền Giang có một loài dương xỉ rất nổi tiếng, là món ngon đặc sản của vùng Đồng Tháp Mười, đó là rau đọt chạy hay rau choại là loại dây leo thuộc họ dương xỉ, mọc tự nhiên ở các cánh rừng hay nơi bưng biền bỏ hoang, nhất là vùng đất nhiễm phèn. Thân cây rất dài (đến khoảng 20m), có nhiều rễ bám chặt vào thân các loại cây khác như cây tràm. Lá kép hình lông chim có chiều dài gần cả mét. Lá non màu nâu pha lẫn xanh dợt, và trên đầu lá non uốn cong, thoạt nhìn ta liên tưởng đến hình con cuốn chiếu cuộn mình. Đây là một loại rau sạch có vị thơm, ngọt nhẹ đặc trưng, nhơn nhớt và được các bà nội trợ miệt vườn khéo tay chế biến thành những món ăn ngon.

Ngoài nguyên tắc số 3, kỹ năng sinh tồn còn có kỹ năng tạo ra lửa, kỹ năng định hướng, kỹ năng cấp cứu...

Tóm lại, để sống sót khi gặp nạn, chúng ta cần trang bị kỹ năng sinh tồn cho tất cả mọi người mọi lứa tuổi, đặc biệt là các cháu ở trường tiểu học.

Cứu sống một phụ nữ bị rơi xuống vực 7 ngày ở Yên Tử Cứu sống một phụ nữ bị rơi xuống vực 7 ngày ở Yên Tử

TTO - Bà N.T.B L. (sinh năm 1963, trú tại Đơn Nguyên 3, Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội) đi chùa ở Yên Tử, không may bị ngã và rơi xuống vực tại khu vực chùa Đồng, từ ngày 27-4. Đến ngày 3-5, bà được cứu.

BS NGUYỄN THÀNH ÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Sinh Tồn