26/04/2014 06:21 GMT+7

Nguyên tắc công bằng số học

TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN

TT - Đây là nguyên tắc mang ý nghĩa một lời nhắc nhở, cảnh báo, đặc biệt nhấn mạnh đối với những thành viên được xã hội phân giao các chức năng công để tránh gây ảnh hưởng xấu đến xã hội và người dân.

r0K7DFfU.jpg
Ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) - người tù chung thân về tội giết người - trong vòng tay gia đình khi được thả ra sau 10 năm thụ án - Ảnh: Xuân Long

Ông Nguyễn Thanh Chấn (người trong vụ án 10 năm oan sai) đã bắt đầu tiến hành việc yêu cầu bồi thường những thiệt hại về vật chất và tinh thần mà bản thân và gia đình gánh chịu suốt hơn 10 năm thụ án oan. Có một bản án kết tội dựa vào những căn cứ không có thật, có tổn thất thực tế được ghi nhận, có mối liên hệ nhân quả giữa bản án và tổn thất. Vậy là đã có đủ các yếu tố xác lập trách nhiệm vật chất, theo Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước hiện hành, và việc cụ thể hóa trách nhiệm chỉ là vấn đề thủ tục.

Trách nhiệm bồi thường nhà nước, về bản chất, chỉ là một trường hợp của trách nhiệm dân sự theo luật chung. Về phần mình, trách nhiệm dân sự dựa vào nguyên tắc sống cơ bản trong xã hội có tổ chức, được các nhà hiền triết gọi là nguyên tắc công bằng số học. Theo nguyên tắc này, mỗi khi thành viên nào đó của xã hội bỗng dưng chịu một mất mát mà không phải do lỗi của chính mình, cũng không phải do ông trời, thì có quyền đi tìm cho được người nào trên đời này đã gây ra thiệt hại, bắt họ đền bù.

Nguyên tắc công bằng số học mang ý nghĩa một lời nhắc nhở, cảnh báo đối với mỗi thành viên về sự cần thiết phải thận trọng, biết giữ chừng mực, đàng hoàng trong giao tiếp, ứng xử để tránh gây thiệt hại đáng tiếc cho thành viên khác.

Ý nghĩa này phải được đặc biệt nhấn mạnh đối với những thành viên được xã hội phân giao các chức năng công. Đây là những người có quyền dùng sức mạnh của nhà chức trách để áp đặt khuôn mẫu ứng xử. Hành vi của họ, thực hiện trong khuôn khổ tác nghiệp chuyên môn, có thể ảnh hưởng sâu rộng đối với cuộc sống xã hội, đối với số phận con người.

Nói nôm na, trong trường hợp cán bộ, công chức, viên chức làm sai, gây thiệt hại cho dân thì người bị thiệt hại có quyền yêu cầu bồi thường theo cùng một nguyên tắc như trong trường hợp bị thiệt hại do lỗi của người hàng xóm. Người thực thi công vụ gây thiệt hại cho người khác trong quá trình thực hiện chức năng công thì Nhà nước đứng ra bồi thường. Sau đó nếu người gây thiệt hại được xác định có lỗi thì phải đền bù lại cho Nhà nước trong khuôn khổ trách nhiệm hành chính.

Trong vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, người bị thiệt hại là cá nhân ông, là những người thân thuộc của ông, nói chung là những thành viên trong một gia đình cụ thể, xác định. Có những việc làm của cơ quan công gây thiệt hại mà nạn nhân là một nhóm người, một cộng đồng. Chẳng hạn, việc thông qua quy hoạch không hợp lý, không khả thi rồi không triển khai được, gọi là quy hoạch “treo”, gây thiệt hại cho bà con cư trú trong khu vực. Nếu quy hoạch “treo” bị hủy bỏ thì những người bị thiệt hại do công việc làm ăn, sinh sống bị đình đốn do “treo” quy hoạch có quyền yêu cầu bồi thường.

Một cách hợp lý, vấn đề trách nhiệm bồi thường cũng phải được đặt ra trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền, người có thẩm quyền đề ra một quyết sách sai lầm, gây thiệt hại trên diện rộng, thậm chí cho Nhà nước, cho toàn xã hội. Ví dụ, việc không công bố dịch sởi ở những địa phương thật sự có dịch khiến xã hội, cộng đồng đánh giá không đúng mức độ nghiêm trọng của sự lây lan bệnh, từ đó đã không có thái độ ứng phó thích hợp, dẫn đến tổn thất to lớn về người và gia tăng chi phí xử lý hậu quả. Những người giữ các vị trí cho phép có tiếng nói quyết định trong việc dẫn dắt ứng xử của xã hội, cộng đồng trong lĩnh vực bảo vệ sức khỏe phải chịu trách nhiệm về tổn thất này.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên