Nguyễn Quang Thạch chia sẻ về chương trình Sách hóa nông thôn anh đã dành gần 20 năm tâm huyết - Ảnh: Trần Thanh |
Nguyễn Quang Thạch không còn là cái tên xa lạ với những người say mê sách vở bởi những điều phi thường người đàn ông bình thường này đã tạo ra. Trong khuôn khổ Tuần lễ triển lãm lịch xuân 2017 - Những sắc màu sáng tạo, Công ty lịch xuân Phương Nam đã thực hiện buổi giao lưu này để gây quỹ đồng hành cùng dự án Sách hóa nông thôn của Nguyễn Quang Thạch, bằng cách bán bộ lịch Chắp cánh ước mơ và đấu giá độc bản tranh Đông Hồ Gà dạ xướng do nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả thực hiện hoàn toàn bằng tay.
“Nếu phải đi bằng xe lăn, tôi cũng sẽ làm”
Xuất thân từ một gia đình có truyền thống hiếu học, với 4 thế hệ chuộng văn chương và sách vở. Ngay từ bé, “bạn bè” của Nguyễn Quang Thạch là kho sách quý với hơn 4.000 cuốn đủ thể loại khác nhau. “Nhờ đọc sách nhiều mà tôi trở thành một người lãng mạn”, anh Thạch hóm hỉnh nói. Nhưng kẻ lãng mạn của thời đại ấy không “đi trên dây” mà nuôi trong mình một giấc mơ quyết liệt: anh sẽ làm một cuộc “cách mạng” thư viện tại Việt Nam, và câu hỏi: làm thế nào để sách vở đi vào đời sống của cộng đồng càng nhiều càng tốt.
Năm 22 tuổi, không như nhiều bạn bè vẫn còn hoang mang về việc mình sẽ là ai trong cuộc đời này, Nguyễn Quang Thạch đã sớm tìm được mục đích của cuộc đời mình: đó là tạo ra một hệ thống thư viện cơ động mọi lúc mọi nơi để người dân dù ở đâu cũng có điều kiện tự học, từ đó nâng cao năng lực của chính mình.
Nguyễn Quang Thạch dành trọn 10 năm đầu tiên của hành trình này để thực hiện các nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng, khảo sát thói quen, tâm lý của người đọc tại Việt Nam, bắt đầu từ công việc làm thủ thư trong các thư viện. Mục đích cuối cùng của anh là góp phần tạo ra một xã hội VN tốt đẹp hơn.
Từ những nghiên cứu thực tiễn, anh Thạch là người đưa ra mô hình Tủ sách phụ huynh đặt trong lớp học với giá khá rẻ từ 1,5-2 triệu đồng, với tính khả thi cao tại những vùng nông thôn ở Ninh Bình, Nam Định, Hà Tĩnh…
Cũng từ việc nghiên cứu những gia đình giáo viên và quân đội, những người có tiền lương ổn định hằng tháng, anh Thạch đã đưa ra mô hình Tủ sách hậu phương chiến sĩ, rồi dần dần có Tủ sách dòng họ, Tủ sách giáo xứ, Tủ sách lớp học…
Tính đến thời điểm hiện tại đã có hơn 10.000 tủ sách như vậy ra đời, giúp hơn 400.000 người dân nông thôn, trong đó có hơn 250.000 học sinh được tiếp cận sách bằng với học sinh ở Hà Nội.
Năm 2010, Nguyễn Quang Thạch thực hiện chuyến đi xuyên Việt đầu tiên để vận động cho phong trào Sách hóa nông thôn của mình bằng cách đi xin từng cuốn sách cho các Tủ sách của mình - đúng như cái biệt danh “ăn mày” sách vở mà nhiều người đặt cho anh.
Những chuyến công tác tại Pháp, Đức, Ba Lan để tìm hiểu về mô hình và cách hoạt động thư viện của các nước châu Âu cũng giúp anh thay đổi nhiều về cách thức và tâm lý đọc của người Việt, để từ đó có những chiến lược phù hợp.
“Tôi đi bộ ở Đức, cứ 7 con phố mới tìm thấy một quán bán cà phê, còn ở Việt Nam thì 500m có khoảng 10 quán”, anh Thạch nói vui. Năm 2015, anh Thạch tiếp tục hành trình đi bộ của mình: vừa đi vừa tặng sách, vừa tư vấn cách thực hiện một tủ sách tại các địa phương, đồng thời thu hút truyền thông nhân rộng dự án của mình.
“Do ảnh hưởng của những lần đi bộ quá nhiều, cột sống của tôi gặp vấn đề nặng. Có thể trong thời gian tới tôi sẽ phải ngồi xe lăn để tiếp tục thực hiện dự án của mình. Nhưng dù có như thế, tôi cũng sẽ làm”, Nguyễn Quang Thạch nói.
Đừng mất thời gian cho việc chia sẻ!
Nhiều người gọi hành trình của Quang Thạch là một hành trình cô đơn, thậm chí điên rồ. Bản thân Nguyễn Quang Thạch cũng thú nhận anh hầu như không chia sẻ dự định của mình cho bạn bè bởi không ai tin vào ước mơ thay đổi xã hội ấy của anh. Phần đông chế giễu anh ảo tưởng và hão huyền!
“Tôi nhận ra không nên mất thời gian vào việc chia sẻ để bị người này chỉ trích, người kia chỉ trích. Điều tôi cần làm là lặng lẽ tập trung vào những dự định đó, từng bước một, theo đúng kế hoạch mà tôi đã hoạch định”.
Câu chuyện của anh đã tạo cảm hứng cho vô vàn người trẻ, giúp họ thay đổi tư duy, nhận ra giá trị thực sự và sức mạnh vô giá của tri thức. Bạn Hoài, một công nhân viên chức bình thường tại Đồng Nai, sau khi biết đến dự án của anh Thạch đã xung phong xin được nhân rộng mô hình này tại vùng quê nghèo của bạn. Đến nay, Hoài và bạn bè của mình đang xây dựng hơn 570 tủ sách thư viện cơ động tại Hà Tĩnh.
“Nếu bạn đặt hình ảnh có liên quan đến sách vở - như cuốn lịch này trên bàn của một quan chức, một học sinh, một tiểu thương… Cùng với sự hiện hữu của sách trong nhà, trong gia đình, dòng họ thì nghiễm nhiên những hình ảnh về sách sẽ đi vào tâm trí bạn”, anh Thạch nói về bộ lịch được thiết kế riêng nhằm quyên góp kinh phí cho dự án Sách hóa nông thôn của anh.
Xuyên suốt bộ lịch là hình ảnh mẹ đọc sách cho con, bà ru cháu với cuốn sách trên tay, bọn trẻ chơi đùa cùng sách trên bãi cỏ, ụ rơm, con trâu, cánh diều… những điều giản dị mà ông Nguyễn Hà Quốc Anh, giám đốc Công ty lịch xuân Phương Nam, chia sẻ vì rất trân trọng dự án của anh Thạch mà mong muốn được góp một phần nhỏ chung tay cùng anh trong hành trình này.
Đầu tháng 9 năm nay, chương trình Sách hóa nông thôn của Nguyễn Quang Thạch là tổ chức đầu tiên của Việt Nam nhận giải Vua Sejong về xóa mù chữ của UNESCO - một giải thưởng nhằm tôn vinh những người khai trí trên toàn cầu. Cầm tấm bằng công nhận đầy danh giá vẫn còn nóng hổi trên tay, nhưng Nguyễn Quang Thạch chia sẻ: niềm vui nhận giải chỉ đến với anh trong thoáng chốc, bởi trong đầu anh vẫn còn quá nhiều ngổn ngang mỗi lần nghĩ đến con số 15 triệu trẻ em nông thôn Việt Nam vẫn chưa có sách đọc. “Điều đó cứ như một quả núi, nặng trĩu trong đầu tôi. Tôi biết hành trình của mình vẫn còn rất dài và còn nhiều việc phải làm để thay đổi”, anh nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận