09/12/2017 23:48 GMT+7

Nguyễn Phong Việt ra mắt 'Sao phải đau đến như vậy'

ĐỖ TRƯỜNG
ĐỖ TRƯỜNG

TTO - Sáng 9-12, tại đường sách TP.HCM nhà thơ Nguyễn Phong Việt cùng độc giả mến mộ anh có dịp ngồi lại hàn huyên chuyện thơ ca nhân dịp tập thơ thứ 6 của anh ra mắt.

Nguyễn Phong Việt ra mắt Sao phải đau đến như vậy - Ảnh 1.

Nhà thơ Nguyễn Phong Việt - Ảnh: HUY SƠN

Nếu như những cuốn thơ trước đây, đặc biệt là Đi qua thương nhớ mang lại cho độc giả nhiều cảm xúc u buồn, nỗi day dứt về tình yêu, suy niệm về cuộc sống thì tinh thần thơ của Sao phải đau đến như vậy toát lên sự thanh thoát, nhẹ nhàng.

"Không còn đau đến mức ngưng thở/ không còn nhớ mình đã từng cuồng điên đến thế nào…/ Năm tháng này, mình đã đi ra khỏi những giấc chiêm bao/ nỗi hoang mang biết tựa vào đâu để đứng vững/ ai nói gì, làm gì cũng chỉ là gió thoảng/ quan trọng là mình có muốn sống như chưa bao giờ…".,Nguyễn Phong Việt viết trong bài thơ có tựa 36.

Nguyễn Phong Việt ra mắt Sao phải đau đến như vậy - Ảnh 2.

Đây là tập thơ thứ 6 của Nguyễn Phong Việt - Ảnh: HUY SƠN

Phong Việt chia sẻ, hành trình 6 năm trôi qua như một cái chớp mắt. Từ những ngày đầu viết thơ từ chính nỗi đau, nỗi buồn cá nhân đến giờ anh đã đủ trưởng thành để đặt bút viết áng thơ dịu nhẹ, tích cực.

"Con người sẽ không tránh khỏi nỗi đau. Thay vì đắm chìm trong nó, chúng ta có thể cảm nhận nó, đi xuyên qua nó và cuối cùng là cần có nó để tạo nên sức mạnh cho bản thân. Không cần phải đau đến mức bất chấp tất cả, hãy đau bởi đó là điều cần thiết, hãy biết để nỗi đau đó làm mình tự tin hơn", anh tâm sự.

Điểm khác biệt ở cuốn thơ thứ 6 này, bên cạnh sự trưởng thành trong suy nghĩ, thời điểm sáng tác cũng là yếu tố tác động mạnh mẽ đến sự tươi sáng trong tập thơ này. Ở những tác phẩm trước, Phong Việt thường thức đến 2-3h để sáng tác. Không gian và thời gian khiến anh có cảm giác cô đơn, nên thơ nhuốm màu u buồn. Sao phải đau đến như vậy được anh viết vào ban ngày.

Với cuốn thơ này, có thể cảm nhận được Nguyễn Phong Việt đã có sự soi chiếu, nhìn nhận bản thân sau những thương tổn, từ đó tìm được tia sáng dẫn lối và mạnh mẽ bước ra vùng tối u uất. 

Tia sáng ấy không đâu khác là tình thương. Tình thương còn là sợi chỉ diệu kì khâu lành mọi vết thương. Nhưng trước khi thương người khác, con người ta phải biết thương chính mình. Điều này đã được Nguyễn Phong Việt lặp lại khá nhiều lần khi trò chuyện cùng độc giả.

Thông điệp đó đã được anh thể hiện qua bài thơ Cảm ơn ta dù ngoài kia giông gió: "Cảm ơn ta vẫn háo hức với mỗi chặng đường/ mặc bàn chân còn nhói đau với vết thương chưa lành hẳn/ phải tội tình cho mình thì mai kia mới thương mình chân thật/ vì đến cuối cùng có còn ai khác hiểu mình hơn mình nữa đâu?".

5.000 bản in cho đợt đầu của Sao phải đau đến như vậy so với số lượng in và tái bản của những tác phẩm trước (Đi qua thương nhớ: 55.000 bản; Từ yêu đến thương: 20.000 bản; Sinh ra để cô đơn: 15.000 bản; Sống một cuộc đời bình thường: 15.000 bản và Về đâu những vết thương: 10.000 bản) cho thấy dấu hiệu hết thời của "hiện tượng" thơ Nguyễn Phong Việt chăng?

Nguyễn Phong Việt ra mắt Sao phải đau đến như vậy - Ảnh 3.

Buổi giao lưu và kí tặng diễn ra hơn 3 tiếng đồng hồ, độc giả có nhiều thắc mắc gửi đến Nguyễn Phong Việt và được anh chân thành chia sẻ - Ảnh: HUY SƠN

Tác giả thẳng thắn chia sẻ: "Người viết thơ cũng giống như nghệ sĩ luôn có một đỉnh cao hào quang dành cho mình. Khi ánh đèn sân khấu đã tắt, tấm màn nhung kia cũng khép lại thì nghệ sĩ phải chấp nhận thôi. Tôi cũng thế, nếu khán giả không thích đọc thơ Nguyễn Phong Việt nữa, tôi sẽ không xuất bản sách. Độc giả đọc xong mà nói rằng chẳng có gì hay ho, chẳng có gì giá trị thì người viết thơ viết làm gì nữa? Nếu tiếp tục chẳng phải tôi đang lừa dối độc giả sao?".

Buổi trò chuyện của Nguyễn Phong Việt cùng độc giả kết thúc khi mặt trời đứng bóng. Và khán giả vẫn xếp từng hàng dài chờ anh kí tặng, chụp hình và chia sẻ cảm xúc cùng anh.

TTO - Phong Việt - "hiện tượng" của làng thơ những năm gần đây - đánh giá, thay vì tận hiến, học hỏi, giới trẻ ngày càng đố kỵ trong xã hội hiện nay.

Tâm tình với Nguyễn Phong Việt chiều thứ bảy cuối năm…

TTO - Trong tiếng chuông thánh lễ Vương Cung Thánh Đường chiều thứ bảy nhạt nắng, Nguyễn Phong Việt lại ngồi xuống, từ tốn tâm sự với những độc giả yêu thơ của anh.

ĐỖ TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên