Ảnh: T.B.CHÂU
Tôi có những người bạn rất rất mê thơ Phong Việt. Những người bạn làm nội trợ, công sở hay sống ở xứ người... không quá am hiểu, đầy ắp kiến thức văn chương hay rành rọt văn nghệ sĩ, nhưng khi cần động viên bản thân hay cần trích dẫn, họ lại trích thơ Phong Việt. Đã có lần tôi tự hỏi tại sao. Rồi dường như tôi tự trả lời được, sao có kiểu thơ trở thành sách bán chạy, thơ mà lại thuộc về đám đông?!
Chính là vì trong khi bạn tôi làm bếp, hay đi trên đường, miệt mài trong sở làm, trong lòng họ vẫn không ngơi nghĩ về một nỗi buồn sáng mai, về một giấc mơ hay về đứa trẻ, những nỗi lòng bình dị không chút cầu kỳ, thì có một người ngồi im ắng ở quanh đó, quan sát và chép ra nỗi lòng của bạn tôi, giải thích, phản biện và cuối cùng là động viên họ làm sao để hạnh phúc hơn trong một ngày bình thường.
"Ngồi im một chút thôi lúc lòng mình rã rời...
Đừng làm gì nữa nếu trái tim đã cần giây phút nghỉ ngơi..." (thơ Phong Việt)
Phong Việt là nhà thơ như thế - ngồi đâu đó trong thành phố rồi lặng lẽ chuyện trò cùng lòng người. Lòng của rất đông đông người, những nỗi lòng rất phổ biến, không quá mức cao xa khó hiểu...
Nhưng nay Phong Việt không còn chỉ trò chuyện bằng thơ, như một cách để đổi mới mình, tập tản văn với câu hỏi hướng về nỗi lòng của số đông quen thuộc "Chúng ta sống có vui không?" (Skybooks và NXB Phụ Nữ Việt Nam) đã ra mắt bạn đọc.
51 tản văn, mà khi đọc nó tôi không thể xua được nỗi "ganh tị" trước cái vẻ lặng thầm lao động mà Việt đã chọn, để tồn tại trên đường phố đông người, "nhìn thấy" tia chớp hay màn đêm đang chiếm ngự những người bạn bình thường quanh mình, trong nỗi hoang mang của những người khởi nghiệp, những người mong mà chưa thành, đi chưa chắc tới, những người khắc khoải làm con và nuôi con, những người đang lưỡng lự đi xa hơn hay trở về nhà.
Chúng ta sống có vui không? Câu trả lời của không ít người là chúng ta sống hơi buồn. Sống với chút gì cam chịu thì lấy gì vui. Sống mà luôn thấy mất mát thì vui đâu. Sống mà bỏ cuộc thì sao vui. Sống mà chỉ nhìn vào người khác mà quên cả bản thân mình, đương nhiên ít nhiều đau khổ.
Cũng như cách làm thơ, tản văn Phong Việt lại tiếp tục cuộc trò chuyện "tay đôi" với hằng hà trăn trở như thế. Văn không bóng bẩy, ý lúc gần lúc sâu, nhưng cái đáng quý là gợi mở cho "cuộc trò chuyện" đi đến một cảm giác hạnh phúc hơn, bằng cách xem mất mát là thứ cần có để chúng ta đỡ nhạt nhẽo hơn trong đời, bằng cách chúng ta biết xin lỗi mình những điều mình thái quá (chúng ta chỉ quen đi xin lỗi đời), bằng cách đừng cảm thấy khiếm khuyết khi phải đi một mình, thay vào đó hãy vì mình mà tô điểm đẹp đẽ hơn, để làm gì, để xứng đáng với một người nào đó mà mình đang chờ đợi, một ngày kia họ sẽ tới chào ta...
Quyển tản văn dễ thương như một lời an ủi, xoa dịu nội tâm trong một ngày nhọc nhằn. Và tôi thích nhất những lời an ủi cuối cùng trong quyển sách: "Nhưng nếu lỡ may, ai đó, không có ai hay nơi nào đó để trở về, thì hãy trở về với lòng mình. Đó thực sự cũng là một ý niệm trở về nhà, theo một cách rất khác.
Vì...
Sẽ có một ngày biển hóa chân mây
Lòng mình vui lại đầy!".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận