Vụ dùng nhục hình khiến nghi phạm Ngô Thanh Kiều tử vong.
Bị cáo Lê Đức Hoàn - Ảnh: D.Thanh |
Đây là lần đầu tiên ông Lê Đức Hoàn (52 tuổi, nguyên phó trưởng Công an TP Tuy Hòa) phải ra tòa với tư cách bị cáo.
Ông chỉ bị khởi tố, truy tố sau khi Chủ tịch nước yêu cầu lãnh đạo các cơ quan tố tụng trung ương kiểm tra, xử lý đúng quy định pháp luật vì phiên tòa sơ thẩm do TAND TP Tuy Hòa xét xử trước đó tuyên mức án nhẹ, có dấu hiệu bỏ lọt người lọt tội.
Ông Hoàn bị Viện KSND tối cao truy tố tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo khoản 2 điều 285 Bộ luật hình sự, có khung hình phạt từ 3-12 năm tù.
“Truy tố tôi quá nặng!”
Ai cũng đánh ít? Trong phần xét hỏi, bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành tiếp tục kêu oan, cho rằng bản thân chỉ canh giữ Kiều và dọa đánh chứ không đánh nghi phạm ở vùng đầu như cáo trạng truy tố. Trong khi đó, các bị cáo Mẫn, Quyền, Quang, Huy thừa nhận mỗi người chỉ dùng dùi cui cao su đánh Kiều 1-5 cái vào chân, nhưng bị truy tố ở khung phạt tù 5-12 năm là quá nặng. |
Theo hồ sơ vụ án, ông Hoàn là trưởng ban chuyên án 312T, chuyên án triệt phá nhóm chuyên trộm cắp két sắt.
Cho rằng ông Ngô Thanh Kiều (sinh năm 1982, ở xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên) là đối tượng trộm cắp trong chuyên án, chiều 12-5-2012 ông Hoàn chỉ đạo lập tổ công tác đến phối hợp với Công an xã Hòa Đồng, Công an huyện Tây Hòa mời ông Kiều về trụ sở làm việc.
3g15 ngày 13-5-2012, tổ công tác đến nhà bắt, còng tay ông Kiều đưa về Công an xã Hòa Đồng. 8g cùng ngày, ông Kiều được chở về trụ sở Công an TP Tuy Hòa.
Tại đây, các bị cáo là công an công tác tại Công an TP Tuy Hòa gồm: Nguyễn Thân Thảo Thành (31 tuổi, thiếu úy), Phạm Ngọc Mẫn (35 tuổi, thượng úy), Nguyễn Tấn Quang (40 tuổi, thiếu tá), Đỗ Như Huy (30 tuổi, trung úy) và bị cáo Nguyễn Minh Quyền (43 tuổi, thiếu tá, phó đội trưởng trinh sát địa bàn Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an tỉnh Phú Yên) đã dùng dùi cui đánh ông Kiều. Hậu quả, ông Kiều tử vong vào chiều tối cùng ngày.
Trả lời thẩm vấn hội đồng xét xử chiều 7-4, ông Lê Đức Hoàn thừa nhận cáo trạng truy tố ông đúng nhưng quá nghiêm khắc, quá nặng. Ông nói trong quá trình điều tra vụ án trước đây, Viện KSND tối cao chỉ kiến nghị Công an tỉnh Phú Yên xử lý với hình thức cảnh cáo và ông không được lên lương kể từ năm 2013.
Ông Hoàn cho biết sáng 13-5-2012, sau khi phân công cho Mẫn, Quyền tiếp nhận và xét hỏi Kiều tại tầng 1, ông lên tầng 3 và vào phòng đóng cửa làm việc, không có ai báo cáo ông việc Kiều bị các công an dùng nhục hình, cũng không nghe tiếng la hét đau đớn nào từ nghi phạm.
“Trong sáng đó, tôi có quan tâm chỉ đạo, có kiểm tra hai lần, nhưng không phát hiện việc Kiều bị đánh. Việc sai nghiêm trọng nhất lại xảy ra vào buổi trưa, sau khi tôi về nhà nghỉ, ngoài tầm kiểm soát của tôi, mong hội đồng xét xử xem xét” - ông Hoàn nói.
Không chỉ đạo bắt
Trả lời câu hỏi của tòa vì sao lại chỉ đạo thuộc cấp bắt ông Kiều vào lúc hơn 3g sáng, đồng thời còng tay mà không có lệnh bắt, ông Hoàn phủ nhận: “Chiều 12-5-2012, tôi chỉ đạo Nguyễn Trần Nguyên Phúc - phó đội trưởng đội điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an TP Tuy Hòa - cử lực lượng phối hợp với Công an huyện Tây Hòa, Công an xã Hòa Đồng đến nhà Kiều giám sát, nếu có đối tượng thì mời về trụ sở làm việc"
"Tôi không chỉ đạo bắt ông Kiều, cũng không chỉ đạo mời lúc 3g sáng. Mãi đến 6g sáng 13-5-2012, tôi mới được anh Phúc báo là đã mời được Kiều về Công an xã Hòa Đồng”.
Ông Hoàn cũng khai khi Kiều được đưa về Công an TP Tuy Hòa thì ông thấy nghi phạm bị còng tay, nhưng ông cho rằng đây là cần thiết vì để tránh đối tượng manh động, gây ra những hậu quả xấu.
Tòa “truy” tiếp: “Lúc 14g ngày 13-5-2012, thấy ông Kiều có vẻ mệt và nằm dài dưới đất mà không kiểm tra, không phát hiện nghi phạm bị đánh, với trách nhiệm là phó trưởng Công an TP Tuy Hòa, trưởng ban chuyên án bị cáo thấy thế nào?”. Ông Hoàn lúng túng cho rằng không để ý.
Tòa hỏi tiếp: “Vì sao nhận ông Kiều từ Công an Hòa Đồng, rồi giao ông này cho PC45 mà không có biên bản giao nhận gì?”. Ông Hoàn thừa nhận: “Cái này anh em có thiếu sót”. Ông Hoàn cũng nói ông không rõ chiếc dùi cui cao su vì sao có trong phòng xét hỏi, rồi trở thành vật mà các bị cáo sử dụng để đánh chết ông Kiều.
Luật sư Võ An Đôn - người bảo vệ quyền lợi cho vợ, con bị hại Ngô Thanh Kiều - hỏi rằng trong chuyên án 312T có nhiều người chỉ đạo, tham gia nhưng chỉ một mình bị cáo bị truy tố thì thấy có oan không, ông Hoàn trả lời: “Là trưởng ban chuyên án, tôi thấy có thiếu sót, đó là trách nhiệm của tôi. Đến giờ phút này tôi không muốn ai vào vòng lao lý nữa”.
Hôm nay 8-4, tòa tiếp tục xét xử.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận