Mỗi năm đến dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam, Nguyễn Phi Hùng bồi hồi nhớ về thầy cô, về mái trường đã giúp anh trưởng thành như ngày hôm nay.
Thầy Trần Văn Lai giúp mở rộng cửa nghệ thuật cho Nguyễn Phi Hùng
Nguyễn Phi Hùng cho biết từ nhỏ đến lớn, ở mỗi môi trường sẽ được gặp gỡ những người thầy khác nhau.
Anh kể: “Có những ký ức in sâu trong tôi từ khi còn học tiểu học, tôi xúc động mỗi khi nghĩ về. Các thầy cô hay cầm theo “chiếc roi” nhưng có công dụng làm thước kẻ hoặc chỉ lên bảng. Nhưng học trò lúc nào cũng nơm nớp lo sợ. Sự lo sợ này giúp mọi người ngoan ngoãn hơn, tập trung học hành hơn”.
Bài Học Đầu Tiên - Nguyễn Phi Hùng
Lúc nào nam ca sĩ cũng bày tỏ lòng biết ơn dành cho các thầy cô, những người lặng lẽ “đưa đò” cho bao lớp thế hệ học trò.
“Thầy cô là người tiên quyết giúp cho cuộc đời của một con người thành công. Chính vì thế, thành công của mỗi người luôn có người thầy bên cạnh” - Nguyễn Phi Hùng quan niệm.
Thầy Trần Văn Lai - nguyên trưởng đoàn Ballet tháng 10 - là người thầy giúp Nguyễn Phi Hùng thay đổi cuộc đời. Thầy đã định hướng, giúp anh Nam tiến, tạo môi trường mới, cho anh phát huy chuyên môn.
“Tôi biết ơn thầy Trần Văn Lai - người đã giúp mở rộng cánh cửa nghệ thuật dành cho tôi. Tôi có hai năm đi dạy múa ở Cung văn hóa Lao động TP.HCM cho các bạn nhỏ và cả người lớn yêu thích múa (từ năm 1998 đến 2000). Sau đó tôi theo đuổi ca hát và được khán giả yêu thương đến hôm nay” - Nguyễn Phi Hùng tâm sự.
Thỉnh thoảng, nam ca sĩ vẫn gặp lại học trò anh từng dạy dù đã trải qua hơn 20 năm. Có nhiều bạn đã trở thành đồng nghiệp. Từng là học trò và là người thầy, Nguyễn Phi Hùng cảm nhận rõ công việc “đưa đò” rất thiêng liêng.
Nguyễn Phi Hùng nhớ lại trước khi trở thành ca sĩ, anh là một nghệ sĩ múa ba lê. Dù công việc gian nan, khắc nghiệt, thu nhập của nghệ sĩ múa chuyên nghiệp không cao so với múa đám cưới, sự kiện... nhưng anh vẫn theo đuổi đam mê.
Sau khi đoàn múa không còn hoạt động, Nguyễn Phi Hùng rẽ hướng sang ca hát và bất ngờ vụt sáng, được khán giả yêu mến.
"Với bản thân tôi, nếu lúc đó đoàn không giải thể thì chắc chắn tôi vẫn còn gắn bó với đoàn. Người nghệ sĩ múa kiệm lời nhưng rất kiên định" - Nguyễn Phi Hùng khẳng định.
Nguyễn Phi Hùng không ngại gọi những bạn đôi mươi bằng thầy
Là một người cầu tiến, ham học hỏi, Nguyễn Phi Hùng luôn học thêm những bộ môn mới, có những người thầy trẻ ngoài 20. Nguyễn Phi Hùng cho rằng anh không có quan điểm lớn tuổi mới là thầy, còn nhỏ tuổi mới là học trò.
"Trong âm nhạc, có những nhạc sĩ trẻ, hay những người hòa âm, nắm bắt được công nghệ, hiểu được sở thích nghe nhạc của bạn trẻ.
Họ là những người góp ý cho ca sĩ có màu sắc riêng. Nếu mình không lắng nghe, không học hỏi thì dễ bị thụt lùi, không được khán giả đón nhận.
Để một sản phẩm âm nhạc ra đời, tôi cảm ơn nhạc sĩ, người hòa âm và kể cả kỹ thuật phòng thu.
Dù họ ít tuổi nhưng có kiến thức rộng, tư duy sâu sắc, mình cảm mến cũng được xem như là người thầy của mình” - nam ca sĩ bộc bạch.
Anh cho biết thêm: “Ngày xưa tôi dạy vũ đoàn Hoàng Thông nhưng khi đi hát, tôi lại học hỏi lại các bạn ấy.
Việc học qua học lại không phân biệt tuổi tác hay trình độ là thường tình.
Tình thầy và trò có thể đổi vai vế cho nhau trong nhiều trường hợp, nhưng hơn hết dành sự trân trọng cho nhau”.
Những dịp 20-11, Nguyễn Phi Hùng hay hát những ca khúc ngợi ca về thầy cô.
Khi hát Bụi phấn, nam ca sĩ cảm thấy nhỏ bé trước tình yêu bao la của mái trường.
Thêm một bài hát về thầy cô Nguyễn Phi Hùng yêu thích là Mãi không quên (Vũ Quốc Việt sáng tác). Bài hát có giai điệu tươi mới, bắt tai, tiếp cận giới trẻ.
Nhưng có lẽ nhớ nhất với Nguyễn Phi Hùng là Bài học đầu tiên. Anh hát ca khúc này nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2004, trong chương trình Một thời dấu yêu 2 tại sân khấu Lan Anh (TP.HCM). Từng ca từ của ca khúc chạm đến cảm xúc người nghe qua giọng hát của nam ca sĩ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận