Giữ lời hứa với độc giả "mỗi năm đều sẽ ra sách", sau tác phẩm Mùa hè không tên xuất bản vào năm ngoái, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tiếp tục ra mắt Tiệm sách của nàng.
Từng mơ ước mở một tiệm sách
Tác phẩm mở đầu với bối cảnh là một tiệm sách tại thành phố hiện đại. Ở đó có nhân vật "anh" và "nàng" xuất hiện bên nhau trong khung cảnh lãng mạn, có sách, có nắng ấm êm, có những ngày mưa thành dòng để thả thuyền giấy, có những câu thoại vu vơ chỉ hai người mới hiểu, với "một chút hân hoan, một chút dỗi hờn...".
Trong ký ức tuổi thơ của Nguyễn Nhật Ánh, sách là một điều gì đó rất đặc biệt.
Đọc Những người khốn khổ của Victor Hugo, Không gia đình của Hector Malot, Đường rừng của Lan Khai... đã giúp ông khơi dậy niềm đam mê văn chương:
"Tôi đã ước mơ trở thành một nhà văn để có thể viết được những tác phẩm lôi cuốn như vậy.
Và tự nhủ nếu như khi lớn lên không thể trở thành nhà văn thì ít nhất cũng phải mở được một tiệm sách. Và tôi đã mở được một tiệm sách mang tên Kính Vạn Hoa như ý nguyện. Ký ức, cảm xúc về những lần bước vào hiệu sách cho tôi cảm hứng viết Tiệm sách của nàng" - ông Ánh tâm sự.
Ở Tiệm sách của nàng, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh sử dụng cấu trúc "ba trong một" để triển khai mạch truyện. Người đọc sẽ theo dõi cùng lúc ba câu chuyện với bối cảnh khác nhau, nhân vật ở những đoạn thời gian khác nhau:
"Giống như bạn đang xem một vở kịch "giãn cách" so với thể loại kịch "giao cảm" quen thuộc. Nhưng nếu đã vượt qua được trở ngại đó rồi, hy vọng bạn sẽ nhận ra mình đang trải nghiệm một tác phẩm thú vị".
Dùng sự tử tế để chữa lành
Vẫn là ký ức thơ ấu ở một vùng quê miền Trung nhưng Nguyễn Nhật Ánh không chỉ khai thác các câu chuyện tươi vui mà còn chạm đến góc tối, những tổn thương tuổi thơ.
Ông chia sẻ đề tài tuổi thơ thương tổn xuất hiện rất nhiều trong văn học, thậm chí trong cả "vũ trụ văn học" của mình. Nhưng với Tiệm sách của nàng, Nguyễn Nhật Ánh dựa trên hoàn cảnh thực tế cùng ký ức tuổi thơ để kể theo góc nhìn mới.
Ông Ánh nhận ra ký ức tuổi thơ không phải lúc nào cũng đầy tiếng cười, mà đâu đó tồn tại những vết thương từ sự ích kỷ, chối bỏ trách nhiệm của người lớn.
Những đứa trẻ phải trải qua một tuổi thơ bất hạnh, bi thương sẽ ngỗ nghịch, ương bướng, thậm chí là sống "bất cần đời". Thay vì chỉ phản ánh mặt đen tối đó, nhà văn cho thấy sự tử tế sẽ chữa lành những tổn thương thơ ấu này.
"Như sự hối lỗi của người cô, tình thương của người chú, sự hy sinh của người mẹ hay một người bạn vô tư...
Những điều đó là sự tử tế giúp chữa lành tổn thương tinh thần thời thơ ấu của nhân vật chính. Với tình thương và sự bao dung, đứa trẻ bị tổn thương có thể phục hồi, thậm chí là biết sống vì chính mình, vì mọi người" - Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ.
Sắp qua tuổi 70, mỗi năm nhà văn Nguyễn Nhật Ánh vẫn đều đặn ra sách. Năm 2023, ông ra mắt cuốn Mùa hè không tên khắc họa ký ức tuổi thơ ở làng Đo Đo với những cảnh đời trước thử thách số phận. Đây cũng là tác phẩm vừa được trao Giải thưởng Sách quốc gia, ở hạng mục giải thưởng Sách được bạn đọc yêu thích.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận