08/05/2017 01:02 GMT+7

Nguyễn Nhật Ánh, một nhà văn 'giàu có'

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh vừa có buổi kỷ niệm sinh nhật tròn 62 tuổi bằng sự kiện đặc biệt: chào đón tập sách Nguyễn Nhật Ánh trong mắt đồng nghiệp do NXB Trẻ thực hiện.

Hầu hết những buổi ký tặng sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đều có hàng dài bạn đọc đứng xếp hàng chờ đợi - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Hầu hết những buổi ký tặng sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đều có hàng dài bạn đọc đứng xếp hàng chờ đợi - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tập sách vừa nhằm đánh dấu chặng đường hơn 30 năm cầm bút của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh với thế giới tuổi thơ hồn hậu, nhân bản và vẫn dạt dào cảm xúc, vừa hệ thống lại những gì bạn bè - đồng nghiệp dành cho ông qua các bài viết từng công bố trên báo chí.

Cho nên, tập sách đặc biệt ngay từ việc tổ chức bản thảo, NXB Trẻ đã tìm kiếm những bài viết của các nhà văn nhà báo, cả bạn đọc và nhà phê bình văn học từ năm 1990 đến nay, để phác thảo một hình dung sinh động về văn chương và con người Nguyễn Nhật Ánh.

Nhiều thế hệ thiếu niên trưởng thành sau ngày đất nước thống nhất yêu thích truyện của Nguyễn Nhật Ánh. Những trang viết của ông đồng hành và cùng ấp ủ, tượng hình nhiều ước mơ trong quãng đời lập thân thành nhân của nhiều người.

Nay với quyển sách này trong tay, bạn đọc sẽ thấy một loạt ý kiến từ nhiều chiều hướng của những tác giả Lê Minh Quốc, Tần Hoài Dạ Vũ, Ngô Thị Kim Cúc, Trần Quốc Toàn, Lê Minh Khuê, Ý Nhi, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Nguyễn Thụy Anh, Nguyễn Quang Lập...

Có vẻ như những đồng nghiệp, bạn văn trong cả nước đều từng viết về tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh.

Bên cạnh đó, giới phê bình văn học cũng có lời chia sẻ với Nguyễn Nhật Ánh về mọi khía cạnh trong sáng tác, như GS Phong Lê viết về “Cái hay, cái hấp dẫn của Tôi là Bêtô”, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên điểm quyển Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ.

TS Huỳnh Như Phương có bài viết “Thư về lớp chín” giàu cảm xúc, rất nên thơ giới thiệu tác phẩm Lá nằm trong lá, TS Bùi Thanh Truyền có bài viết công phu “Người đi tìm tiếng nói cho tuổi thơ”, bàn sâu về kỹ thuật văn chương của Nguyễn Nhật Ánh...

Có thể thấy, điểm chung của “con mắt đồng nghiệp” ở đây là cái nhìn nghiêm túc, có trách nhiệm và nhiều cảm thông với hành trình văn chương của Nguyễn Nhật Ánh.

Một số dịch giả, nhà phê bình người nước ngoài cũng góp mặt trong tập sách này, như Timothy Sifert (Mối quan tâm của trẻ em ở nơi nào cũng giống nhau), Jason Beerman (Khi tuổi thơ dường như biến mất mỗi ngày một ít), Anjali Vaidya (Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ), Kato Sakae (Tại sao tôi dịch truyện Mắt biếc), William Naythons (Tính phổ quát trong tác phẩm Nguyễn Nhật Ánh).

Tại cuộc gặp gỡ kỷ niệm sinh nhật của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đêm 6-5, nhiều bạn văn - tác giả bài viết trong tập sách trên đã đến chung vui với Nguyễn Nhật Ánh.

Nhà thơ Đỗ Trung Quân nhắc đến lần in dài kỳ truyện Mắt biếc trên báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật từ lúc truyện này mới ra đời; nhà văn Trần Quốc Toàn, nhà thơ Lê Minh Quốc, nhà văn Nguyễn Quang Lập... cùng ôn lại những kỷ niệm một thời làm báo, làm văn với Nguyễn Nhật Ánh tại TP.HCM.

Trong không khí đó, mọi người tâm đắc lời nhận định của ông Dương Thành Truyền - chủ tịch hội đồng thành viên NXB Trẻ - viết trong lời đề tựa cho tập sách này, rằng nhìn qua những gì bạn bè, đồng nghiệp dành cho Nguyễn Nhật Ánh, chúng ta có thể hiểu “sự giàu có của một nhà văn”.

Nếu đo đếm theo tiêu chí có được cảm tình không chỉ từ bạn đọc mà từ đông đảo đồng nghiệp, giới phê bình, cộng đồng báo chí, và chính những gì ông mang lại cho nhiều thế hệ bạn đọc, thì Nguyễn Nhật Ánh quả là một nhà văn giàu có.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên