18/09/2024 14:24 GMT+7

Nguyên nhân dự án 3.200 tỉ 'giải cứu' cửa ngõ phía nam Hà Nội phải thi công cầm chừng

Chủ đầu tư cho hay những vướng mắc về mặt bằng khiến nhà thầu không thể đẩy nhanh tiến độ dự án 'giải cứu' cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ . Còn nhà thầu đánh giá nguy cơ vỡ tiến độ đã rõ.

Nguyên nhân dự án 3.200 tỉ 'giải cứu' cửa ngõ phía nam Hà Nội phải thi công cầm chừng - Ảnh 1.

Toàn cảnh dự án hơn 3.200 tỉ 'giải cứu' cửa ngõ phía nam Hà Nội thi công cầm chừng - Ảnh: HỒNG QUANG

Được khởi công từ giữa tháng 7-2023, dự án đường nối cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với vành đai 3 có tổng mức đầu tư hơn 3.200 tỉ đồng.

Sau hơn 1 năm khởi công, các nhà thầu chỉ có thể làm việc trên phạm vi dải đất hẹp ven cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và vành đai 3. Khu vực này đã hết công địa thi công từ nhiều tháng qua, khiến máy móc gần như không hoạt động, lác đác vài công nhân làm việc cầm chừng.

Sau phản ánh của Tuổi Trẻ Online về hiện trạng công trường vắng lặng, máy móc nằm im, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội (chủ đầu tư dự án) đã có phản hồi và cho biết nguyên nhân lớn nhất của tình trạng trên là chậm trễ trong giải phóng mặt bằng.

Theo đó, để xây dựng công trình trên, cơ quan chức năng cần thu hồi hơn 316.200m2 đất tương ứng với 2.233 phương án thuộc quận Hoàng Mai và huyện Thanh Trì. Trong số này, 8.709m2 là đất ở, 212.613m2 đất nông nghiệp và 94.901m2 đất công.

Đến nay, cơ quan chức năng đã có thông báo thu hồi 1.922 phương án đất nông nghiệp; đã điều tra 1.898 phương án đất nông nghiệp; công khai dự thảo 19 phương án đất công, đã phê duyệt và trả tiền 374 phương án đất nông nghiệp.

Nguyên nhân dự án 3.200 tỉ 'giải cứu' cửa ngõ phía nam Hà Nội phải thi công cầm chừng - Ảnh 2.
Nguyên nhân dự án 3.200 tỉ 'giải cứu' cửa ngõ phía nam Hà Nội phải thi công cầm chừng - Ảnh 3.
Nguyên nhân dự án 3.200 tỉ 'giải cứu' cửa ngõ phía nam Hà Nội phải thi công cầm chừng - Ảnh 4.

Đoạn cuối tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ luôn là điểm nóng về ùn tắc do hạ tầng chưa hoàn thiện - Ảnh: HỒNG QUANG

"Phần mặt bằng hiện đã được bàn giao chiếm tỉ lệ nhỏ, không liên tục dẫn đến chưa thể triển khai thi công đồng bộ các hạng mục của dự án", theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội.

Cơ quan này đồng thời cho biết công tác quản lý đất đai của các địa phương còn nhiều bất cập dẫn đến khó khăn trong công tác quy chủ, thẩm định bản đồ để ban hành thông báo thu hồi đất.

Đặc biệt, các phương án đất nông nghiệp đã ban hành thông báo thu hồi, đã kiểm tra, kiểm đếm tài sản nhưng cơ quan chức năng không có cơ sở lập dự thảo phương án trình hội đồng của huyện Thanh Trì và quận Hoàng Mai thẩm định.

Nguyên nhân là Luật Đất đai 2024, nghị định 88/2024 quy định: Khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của các hộ gia đình, cá nhân có diện tích thu hồi dưới 30% diện tích đang sử dụng thì UBND cấp tỉnh quyết định mức hỗ trợ, thời gian hỗ trợ, định kỳ chi trả tiền hỗ trợ cho từng trường hợp cụ thể.

Tuy nhiên đến nay, UBND Hà Nội chưa ban hành quy định mức hỗ trợ này.

Đồng thời, việc xác định giá đất ở cụ thể chậm dẫn đến chưa có cơ sở giải phóng mặt bằng các phương án đất ở.

Về kế hoạch thời gian tới, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội cho biết sẽ phối hợp với quận Hoàng Mai và huyện Thanh Trì tập trung hoàn thành thu hồi mặt bằng đối với các phương án đất nông nghiệp, đất cơ quan theo từng đợt từ quý 3 và thu hồi đất ở từ quý 4.

"Nguy cơ vỡ tiến độ đã rõ"

Dự án được chia làm 3 gói thầu, hiện chỉ có 2 gói thầu thi công được ở vị trí giáp cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và giáp vành đai 3. Tuyến đường nối 2 nút giao rộng 10 làn xe hiện chưa thi công.

Ông Phạm Thanh Tùng (chỉ huy trưởng gói thầu số 1 - thi công nút giao với cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ), cho biết hơn 1 năm qua nhà thầu chỉ có thi công ở dải đất nhỏ hẹp sát cao tốc. "Chúng tôi đã hết công địa thi công nhiều tháng qua, không còn gì để làm thêm nên không được bàn giao mặt bằng. Máy móc tập kết nằm im", ông Tùng nói với Tuổi Trẻ Online.

Theo thông báo họ nhận được, giữa tháng 9 khu vực này mới được bàn giao tiếp để thi công. "Trường hợp khả thi nhất là có mặt bằng đợt tiếp theo trong tháng 9 và tháng 11 thì cũng không thể hoàn thành toàn bộ gói thầu trong năm 2025. Nguy cơ vỡ tiến độ đã rõ", ông Tùng đánh giá.

Dự án xây dựng tuyến đường mới nối cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với vành đai 3 được khởi công từ giữa tháng 7-2023 với chi phí hơn 3.200 tỉ đồng.

Dự án gồm 3 hợp phần: Nút giao bán hoa thị cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, nút giao vành đai 3 và tuyến đường nối dài 3,4km với 10 làn xe. Chi phí giải phóng mặt bằng là 936 tỉ đồng, chi phí xây dựng 1.929 tỉ đồng còn lại là các chi phí khác.

Công trình sau khi được hoàn thành sẽ giải quyết bài toán ùn tắc trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Xe cộ không còn di chuyển dồn về và kẹt cứng ở nút giao hiện tại có nhiều bất cập.

Nguyên nhân dự án 3.200 tỉ 'giải cứu' cửa ngõ phía nam Hà Nội phải thi công cầm chừng - Ảnh 5.Hơn 3.200 tỉ 'giải cứu' cửa ngõ phía nam Hà Nội: Thi công cầm chừng do thiếu mặt bằng

Luôn được nhắc đến là cửa ngõ có tình trạng giao thông nóng nhất trong các kỳ nghỉ lễ và giờ cao điểm, tuy nhiên dự án 'giải cứu' cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ lại thi công cầm chừng sau hơn 1 năm khởi công do thiếu mặt bằng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên