20/04/2018 10:22 GMT+7

Nguyên nhà báo Lê Duy Phong bị đề nghị mức án 3-4 năm tù

THÂN HOÀNG – DANH TRỌNG
THÂN HOÀNG – DANH TRỌNG

TTO - Nói lời sau cùng tại toà, bị cáo Lê Duy Phong đề nghị HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Nguyên nhà báo Lê Duy Phong bị đề nghị mức án 3-4 năm tù - Ảnh 1.

Bị cáo Lê Duy Phong tại phiên tòa sáng 20-4 - Ảnh: GIANG LONG chụp qua màn hình

Kết thúc phiên xử sáng 20-4, đại diện Viện kiểm sát (VKS) đã đề nghị Hội đồng xét xử TAND TP Yên Bái (tỉnh Yên Bái) tuyên phạt bị cáo Lê Duy Phong 3-4 năm tù về tội "cưỡng đoạt tài sản".

Lê Duy Phong nguyên là phóng viên báo Giáo dục Việt Nam.

Tháng 6-2017, Phong bị cáo buộc đã nhận 200 triệu đồng của giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Yên Bái Vũ Xuân Sáng và 50 triệu đồng của một nhà doanh nghiệp địa phương để không viết bài liên quan đến những người này.

Đề nghị mức án dưới khung

Trong phần luận tội, đại diện VKS cho rằng căn cứ lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra, chứng cứ thu thập được, diễn biến phiên tòa có thể khẳng định cáo trạng truy tố nguyên nhà báo Lê Duy Phong tội cưỡng đoạt tài sản là đúng người, đúng tội.

Theo đại diện VKS, hành vi cưỡng đoạt 200 triệu đồng của giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Yên Bái và 50 triệu đồng của một cá nhân là xuất phát từ lòng tham của nhà báo Lê Duy Phong. Hành vi này đã vi phạm đạo đức nghề báo và vi phạm quy định pháp luật.

Theo tội danh mà Phong bị truy tố, khung hình phạt quy định từ 7-15 năm. Tuy nhiên căn cứ vào các tình tiết giảm nhẹ, sự thành khẩn khai báo, nhận tội của bị cáo, đại diện VKS đã đề nghị mức án dưới khung: từ 3-4 năm tù.

Nhà báo Duy Phong được cấp con dấu riêng? 

Ông Đào Ngọc Tước, phó tổng biên tập báo Giáo dục Việt Nam đại diện báo dự phiên tòa.

Khi tòa đặt câu hỏi liên quan đến việc tác nghiệp của nhà báo Phong tại Yên Bái, ông Tước cho biết không phân công phóng viên lên công tác. "Mọi cái khác không phải trách nhiệm quản lý của tôi. Quá trình Phong lên Yên Bái không báo cáo, tôi không biết", ông Tước nói. 

Ông Tước cho biết chỉ ký giấy giới thiệu cho phóng viên Lê Hữu Trí lên Yên Bái. Nội dung giấy giới thiệu là tìm hiểu theo đơn thư bạn đọc phản ảnh. Về con dấu có tên của Duy Phong cơ quan công an thu giữ được trong ô tô, tạo tòa Phong cho biết đây là con dấu do tổng biên tập cấp cho trưởng ban. 

"Bình thường tôi để con dấu tại cơ quan nhưng hôm đó quên nên mang theo", Phong nói.Tòa đặt câu hỏi về con dấu này, ông Tước cho biết không hề biết về con dấu của Duy Phong. "Đây cũng không phải thẩm quyền của tôi", ông Tước nói.

Nói lời sau cùng tại toà, bị cáo Lê Duy Phòng đề nghị HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Lê Duy Phong khai nhận tiền để không viết bài

Sáng nay 20-4, trả lời câu hỏi của chủ tọa phiên tòa và đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa, ông Phong đều thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố. "Nhận tiền là vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật" - lời khai của ông Phong khá giống với nội dung trong cáo trạng.

Ông Phong cho biết lần đầu gặp ông Vũ Xuân Sáng, giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Yên Bái, vào ngày 16-6-2017. Trước đó Phong có nhắn tin cho ông Sáng giới thiệu công việc, chức vụ và đề nghị hẹn phỏng vấn liên quan đến thông tin bạn đọc phản ánh về tài sản, nhà đất của gia đình ông. 

Tại buổi gặp mặt, Phong đã đề nghị ông Sáng đưa tiền để không viết bài. Ông Phong nhận 100 triệu từ ông Sáng vào buổi sáng. Đến chiều ông Phong nhận thêm 100 triệu đồng.

Ông Phong khai ngày 21-6 là ngày "giỗ nghề" và lên Yên Bái để gặp người bạn học cũ. Ngày 22-6, ông Phong ăn trưa cùng bạn và ông Hoàng Trung Thực, người góp vốn một công ty kinh doanh vận tải. 

Trong buổi gặp này ông Phong có nói đến "sức mạnh của báo chí" và sẽ tìm hiểu hoạt động liên quan doanh nghiệp của ông Thực. Ông Phong đã nhận 50 triệu từ ông Thực. 

"Ông Thực nhét tiền vào túi, tôi không trả lại mà đồng ý. Khi bị bắt quả tang tiền đang trong túi tôi", ông Phong khai tại tòa. 

"Công việc của người làm báo có cho phép nhận tiền tài, sản trước khi viết bài?", chủ tọa đặt câu hỏi. "Công việc không cho phép tôi nhận tiền trước khi viết bài", ông Phong vừa cúi mặt vừa trả lời.

Ông Phong tiếp tục nói "tôi thấy việc nhận tiền là vi phạm đạo đức và vi phạm pháp luật" khi được tòa hỏi nhận thức về hành vi của mình. 

Trả lời những câu hỏi của tòa, ông Hoàng Trung Thực cho biết gặp nhà báo Lê Duy Phong qua sự giới thiệu của một người làm ở Đài truyền hình tỉnh Yên Bái (bạn cũ của Phong). 

Theo ông Thực, khi báo chí đăng bài về nhà của ông Đặng Trần Chiêu, giám đốc Công an tỉnh, thì có cả hình ảnh công ty ông Thực góp vốn. Ông Thực khai đưa tiền cho nhà báo Lê Duy Phong là do "lo sợ ảnh hưởng đến hoạt động của công ty". 

Về lời khai chia 200 triệu cho 26 nhà báo nhưng khi đối chất thì không có việc này, trả lời tại tòa, ông Phong khẳng định: "Tôi đã tiêu xài hết số tiền và không chia cho ai". 


Ngày 20-4 xét xử vụ nhà báo Lê Duy Phong cưỡng đoạt tài sản

TTO - Trong vụ án này, nhà báo Lê Duy Phong, nguyên Trưởng Ban bạn đọc báo điện tử Giáo dục Việt Nam, bị quy kết cưỡng đoạt của giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Yên Bái 200 triệu đồng và của một cá nhân khác 50 triệu đồng.


THÂN HOÀNG – DANH TRỌNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên