14/09/2012 08:32 GMT+7

Nguyễn Ngọc Tư "đổi món" với Sông

TRẦN NHÃ THỤY thực hiện
TRẦN NHÃ THỤY thực hiện

TT - “Viết hai tháng, sửa bốn tháng, trước đó ôm ấp ý tưởng vài ba tháng...” - Nguyễn Ngọc Tư tóm gọn vậy khi nói về quá trình viết cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình.

Có lẽ đó là một cuốn sách mà hẳn bạn đọc rất tò mò, từ sau Cánh đồng bất tận...

GxvCeWdo.jpgPhóng to
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư - Ảnh: Nguyễn Á

Đúng ngày phát hành tiểu thuyết Sông, 14g ngày 18-9, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư sẽ có buổi giao lưu với bạn đọc tại Trung tâm triển lãm Giảng Võ (Q.Đống Đa, Hà Nội). Buổi giao lưu mang tên Nguyễn Ngọc Tư từ cánh đồng đến dòng sông, do NXB Trẻ kết hợp với Công ty Sài Gòn Media và Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức.

* Bạn đọc đã quen thuộc với Nguyễn Ngọc Tư ở thể loại truyện ngắn và tạp bút, nhưng với tiểu thuyết đây là cuộc thử sức đầu tiên của chị, cảm giác chị thế nào khi viết tiểu thuyết?

- Vừa sợ vừa thích. Đây là một bài tập đầu tay của tôi: kể thừa một câu chuyện (trong khi truyện ngắn là kể thiếu một câu chuyện). Nhưng người bạn đã ra đề bài “tiểu thuyết” cho tôi chắc cũng không xem thành quả này là quan trọng. Tôi đoán bạn chỉ muốn tôi nếm trải cái thứ cảm giác lao động mà anh thường bảo: “người viết văn xuôi nào không trải qua thì phí đời”. Như một thứ gây nghiện khi bập vào.

* Tựa sách trong phác thảo ban đầu là Ngàn dặm sông, nhưng sau chỉ gọn một chữ Sông. Là con sông Di, “dòng sông của những mảnh đời con con”. Phải chăng chị cũng chỉ muốn viết những chuyện con con, những mảnh đời trôi theo sông?

- Ngàn dặm sông chỉ là cái tên cúng cơm để tôi dễ bề trả lời nếu bạn bè có hỏi dạo này viết gì. À, tui đang mần cuốn này này này. Kiểu vậy. Rồi cũng thử vài cái tên khác, bạn bè kêu sến. Thế thì Sông thôi. Sông chỉ là bối cảnh, một dòng chảy nửa thực, nửa mang tính tượng trưng. Đây là cái cớ để những nhân vật của tôi bước vào cuộc phiêu lưu của họ, kể chuyện đời họ và những người sống ở hai bên bờ. Vì vậy, nếu bạn đọc nghĩ sẽ đọc được một cuốn sách đi sâu vào đời sống sông nước thì có thể họ sẽ thất vọng.

* Vậy thì có thể đọc Sông theo kiểu xem... Mêkông ký sự?

- Gần đúng. Hai trong năm người đọc bản thảo đầu tiên của tôi hết hồn hết vía, kêu những nhân vật xuất hiện lúc đầu tụi nó biến mất đâu rồi, sao không thấy nhắc lại, viết gì kỳ vậy. Đành cười trừ. Tiểu thuyết núp bóng du ký, kiểu vừa đi vừa kể chuyện, sẽ có những vùng đất trôi qua luôn, những con người không còn gặp lại.

* Nhưng sau Cánh đồng bất tận, người đọc hẳn chờ đợi một Nguyễn Ngọc Tư với Sông - như là sông nước Nam bộ. Còn trong tiểu thuyết này lại thấy phần nhiều là đời sống đô thị, tâm lý đô thị... Phải chăng mối quan tâm của chị cũng đã khác?

- Tôi có thâm niên trong ngành... nấu cơm. Không phải là giỏi lắm, nhưng thấy quan trọng nhất và cũng đau đầu nhất trong việc nấu nướng là đổi bữa. Không thể ăn và nấu mãi một món được. Và tôi không chỉ nấu món cả nhà thích, bất chấp mình không thể nuốt. Tôi cũng phải vì mình, vì cái ý thích bất chợt của mình. Đôi lúc mình đi qua một gánh khoai nướng và thèm thuồng không cưỡng được. Ngày mai mình dửng dưng trước nó, biết đâu.

* Đồng tính đang là xu hướng rất nổi trội ở VN thì trong tiểu thuyết này cũng được khai thác. Có nhất quyết phải là đồng tính?

- À, câu này tôi cũng tự hỏi vài lần. Hỏi còn thô lỗ hơn, ê, mày có ý định câu khách không đó? Câu trả lời cho tôi là một câu hỏi khác. Còn dạng nhân vật nào phức tạp, vật vã đấu tranh với bản năng và lý trí, với chính mình và với cái nhìn chật chội của xã hội như một người đồng tính không? Sinh ra (có vẻ) là người này, nhưng sâu thẳm trong họ là người khác, họ vùng vẫy làm sao để sống như mình muốn, như chính mình? Tôi không có tham vọng khảo sát thế giới người đồng tính (riêng về mảng này tôi nghĩ đã có nhiều đồng nghiệp của tôi đi sâu và viết rất hay rồi), tôi chỉ muốn chọn một mẫu nhân vật có đời sống mà tôi nghĩ là khá phức tạp.

* Với tiểu thuyết này, chắc hẳn bạn đọc sẽ thấy một Nguyễn Ngọc Tư khác, còn khác thế nào, được đón nhận thế nào tùy từng nhóm độc giả. Với riêng chị, chị có sẵn sàng tâm lý đón nhận những ý kiến trái chiều?

- Trên trang web riêng của tôi, không phải độc giả nào cũng để lại những lời khen tặng. Ở đó, tôi luyện được sức... lì. Sau cuốn sách này, một nhóm bạn đọc nào đó sẽ có cảm giác như tôi đã phản bội họ, nhưng giống như một người rời bỏ mái nhà ấm áp với những vòng tay trìu mến, một không gian an toàn đến mức anh (chị) ta nghĩ rằng không có nơi nào ngọt ngào hơn nơi ấy. Vậy mà người đó lại quyết định ra đường dầm sương gió, nhảy vào bụi gai hẳn là có lý do.

* Nghĩa là với cuốn tiểu thuyết này, chị đã thử một lần... nhảy vào bụi gai, và sẽ tiếp tục chứ?

- Tôi nghĩ mình vừa mới bước ra khỏi ngôi nhà ấm cúng kia thôi, gặp vài trận mưa đầu tiên. Nhưng nếu gặp bụi gai tôi sẽ không ngần ngại nhảy, dĩ nhiên là tôi phải nhìn thấy một cái gì lóe lên trong ấy, và hào hứng nghĩ đây có thể là thứ mình tìm, mình phải bới nó ra mới được.

mGEIwq9R.jpgPhóng to
Sách do NXB Trẻ và Sài Gòn Media ấn hành - Ảnh: Minh Đức

Nhẩn nha mà xoáy sâu

Sông chảy như đời người nhiều vòng khúc uốn quanh. Đời người trôi như sông qua những nông sâu bãi bờ. Con sông Di trong cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Nguyễn Ngọc Tư là thế. Nó huyền ảo mà cụ thể. Nó không thực nhưng thật. Nó là một nhân vật, một nhân vật lớn, bao trùm, cuốn trôi cả Ân và hai người bạn đồng hành, cuốn trôi cả bao cuộc đời người bên sông, vừa trôi vừa quẫy lộn, vừa trôi vừa ngoái nhìn, vừa trôi vừa chìm, như tiền kiếp đã vậy, như hậu kiếp vẫn vậy. Và dòng trôi đó của đời người đời sông kéo theo cả dòng trôi của văn.

Tư vẫn vậy trong cách viết, nhẩn nha không đi đâu mà vội, nhẩn nha mà xoáy sâu, nhẩn nha mà tinh con mắt sắc cái nhìn ở chi tiết, nhẩn nha mà bất ngờ ở câu ở chữ của văn, sự nhẩn nha có lúc trễ nải, quẩn quanh. Sông là tiểu thuyết ở chỗ không thể kể lại nó dù là có thể kể, mà phải cảm nó, phải ngấm nó và ngẫm nó ở văn chứ không phải ở truyện.

Trong tác phẩm dài hơi đầu tiên này của mình, Nguyễn Ngọc Tư nói được rất nhiều chuyện của cuộc sống ngoài đời, nếu dùng lại một từ đã cũ là “phản ánh hiện thực” thì cuốn sách không thiếu sự “phản ánh”. Nhưng nhà văn phản ánh cái bên ngoài, cái bề mặt là để khơi vào, chạm tới cái bề trong, cái bề sâu của con người. Và thế thì từng chương của Sông như là một khúc rẽ, khúc ngoặt mở ra cho người đọc thấy bao tâm trạng ngổn ngang, rối bời...

Sông chảy đến đâu, người đi về đâu, gấp sách rồi người đọc chưa biết, có hỏi tác giả chắc cũng chưa biết. Thì sông còn chảy, và người hãy cứ theo sông mà tìm mình. Còn tôi, theo Sông đã gặp lại một nhà văn quen đã có lạ, lạ nhưng vẫn quen.

PHẠM XUÂN NGUYÊN

TRẦN NHÃ THỤY thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên