16/04/2013 18:48 GMT+7

Nguyên mẫu trong bài thơ Quê hương từ trần

PHAN SÔNG NGÂN
PHAN SÔNG NGÂN

TTO - Cụ Phạm Thị Chiều (quê ở Vĩnh Trường, TP Nha Trang, Khánh Hòa) - nguyên mẫu trong bài thơ Quê hương rất nổi tiếng của nhà thơ Giang Nam - đã từ trần vào tối 15-4-2013 tại TP Nha Trang.

Bà cũng chính là vợ nhà thơ Giang Nam.

Hôm qua (16-4), bên linh cữu vợ - “Nàng thơ Quê hương” của mình vừa từ trần ở tuổi 83, nhà thơ Giang Nam đầy xúc động cho biết bà ra đi sau một cơn đột quỵ…

Như nhà thơ Giang Nam từng thổ lộ với báo chí và kể lại trong hồi ký Sống và viết ở chiến trường, bài thơ Quê hương được ông viết khoảng giữa năm 1960, tại căn cứ Hòn Dù thuộc vùng núi phía tây của Khánh Hòa, trong cảm xúc “Đau xé lòng anh, chết nửa con người”, ngay sau khi tổ chức báo tin cô Phạm Thị Chiều, tức vợ ông cùng con gái của ông bị địch bắt giam rồi sau đó đã thủ tiêu trong nhà tù Phú Lợi (Sài Gòn)…

Bà cũng là nữ cán bộ cách mạng của Văn phòng Tỉnh ủy Khánh Hòa và cơ quan Quân dân chính Đảng của tỉnh ở các mật khu Đồng Bò, Đá Bàn (Khánh Hòa), trước khi được tổ chức sắp xếp chuyển vùng vào hoạt động tại Biên Hòa (Đồng Nai) rồi bị địch bắt.

Hình ảnh của cô gái trong bài thơ Quê hương cũng chính là hình ảnh của người vợ nhà thơ Giang Nam - cô Phạm Thị Chiều nhưng có điều rất may là thông tin “Giặc giết em rồi quăng mất xác” chỉ là tin báo nhầm, sau nhiều ngày tháng bà bị bắt và bặt tin nhau…

Bài thơ Quê hương của Giang Nam đã được trao giải nhì của tuần báo Văn Nghệ vào năm 1961, được đưa vào sách giáo khoa của nước nhà…

Giờ đây, nguyên mẫu của bài thơ đã thôi “khúc khích cười”, khép lại “mắt đen tròn, thương thương quá đi thôi!” khi đã cùng nhà thơ Giang Nam đi trọn cuộc đời của bà với tình yêu đầy vẹn nguyên chung thủy, sắt son…

PHAN SÔNG NGÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên