TTCT - “Tôi chẳng biết trong bao nhiêu người mới có một người thuộc loại của trời cho như Kim Sơn. Quả tình đó là của hiếm, rất hiếm...”. Kim Sơn trên đường đua xanh SEA Games 2017.-Ảnh: Tiến Tuấn Đó là lời của HLV Đặng Anh Tuấn khi ông lý giải về hiện tượng kình ngư 15 tuổi Nguyễn Hữu Kim Sơn xô ngã kỷ lục SEA Games đứng vững suốt 14 năm qua ở nội dung 400m hỗn hợp. Tại SEA Games 2017, Kim Sơn đã giành HCV 400m hỗn hợp với thành tích 4 phút 22,12 giây, xô ngã kỷ lục SEA Games của kình ngư Thái Lan Ratapong Sirisanont (4 phút 23,20 giây) lập năm 2003. Trước đó, Kim Sơn cũng giành HCĐ và phá kỷ lục quốc gia nội dung 400m tự do (do đàn anh Hoàng Quý Phước nắm giữ) với thành tích 3 phút 54,20 giây. Chói sáng tuổi 15 Chưa đến nỗi như cậu bé chăn cừu David đánh bại gã khổng lồ Goliath trong cổ tích, nhưng thật sự Kim Sơn “mỏng cơm” nhất trong số 8 VĐV bước ra đấu chung kết 400m hỗn hợp khi chỉ cao 1,71m, nặng 63kg và sải tay 1,81m. Nhưng tay bơi 15 tuổi của VN đã chiến thắng các đối thủ vạm vỡ hơn mình. Kim Sơn nhớ lại: “Lúc đầu tôi hơi khớp vì đứng giữa các đối thủ to con hơn mình. Trong 300m đầu tiên, tôi liên tục bị dẫn trước. Nhưng tôi tự nhủ cứ cố gắng hết sức theo lời thầy Tuấn và đã vươn lên trong 100m cuối. Nói thật, tôi cũng không nghĩ phá được kỷ lục SEA Games”. Hầu hết chuyên gia bơi lội Đông Nam Á đều ngạc nhiên vì sao một cậu bé nhỏ như thế, cả vóc người lẫn tuổi tác, lại gây bất ngờ lớn đến thế. Thậm chí nhiều phóng viên VN cũng bị “việt vị” khi ra về sau phần thi của Ánh Viên, mà không quan tâm Kim Sơn sắp thi 400m hỗn hợp. Là “người trong nhà” nhưng tổng thư ký Hiệp hội Thể thao dưới nước VN (VASA) Đinh Việt Hùng cũng ngạc nhiên: “Tôi luôn tin Sơn giành HCV 400m hỗn hợp, nhưng hơi bất ngờ với việc em phá luôn kỷ lục”. Từ VN, HLV Trương Hải Phong của Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc phòng 5 (Quân chủng Hải quân) cũng mừng cho bơi lội VN: “Ở tuổi 15 mà Kim Sơn phá kỷ lục SEA Games thì tôi cho rằng đó là kỳ tích. Kim Sơn là một dạng tài năng xuất sắc của bơi lội VN, nhất là em bất lợi về thể hình rất nhiều so với đối thủ”. Trưởng thành sau những tranh cãi “Kim Sơn là ai?” là thắc mắc được khá nhiều bạn đọc đặt ra với Tuổi Trẻ, bàn tán sôi nổi không kém những dự đoán Ánh Viên sẽ thống trị SEA Games lần này với bao nhiêu HCV. Trong khi đó, nhắc đến Kim Sơn, báo chí VN nhớ ngay đến những tranh cãi của “người lớn” khi em đi khỏi TP.HCM hai năm trước, hay cuộc đấu tuyển chọn VĐV dự 1.500m tự do lạ lùng ngay trước thềm SEA Games 2017 - một cuộc tuyển chọn khiến HLV Tuấn bị búa rìu dư luận, nhưng kết quả cuối cùng thì nhiều người phải ngả mũ thán phục. Nhưng những khó khăn đó không khiến Kim Sơn chùng bước, như cách mà em quyết tâm bỏ qua điều kiện của gia đình để đến với bơi lội. Ba là “bầu sô” Nguyễn Khánh Hoàng, được khá nhiều người biết đến trong làng giải trí Việt, nhưng từ nhỏ Kim Sơn chẳng quan tâm đến nghệ thuật hay bất cứ thứ gì khác. Ông Hoàng nói: “Sơn không thích gì ngoài việc được nhảy xuống hồ bơi vẫy vùng. Vì thương con mà vợ chồng tôi phải chiều theo, dốc công sức, tiền bạc làm ra để bồi bổ, mua sắm trang thiết bị lo cho con được thỏa đam mê suốt 6 năm qua”. Năm 13 tuổi, Kim Sơn tưởng chừng dở dang sự nghiệp khi gia đình không tìm được tiếng nói chung với đơn vị chủ quản TP.HCM. Và sau nhiều tranh cãi, Kim Sơn đã đầu quân về An Giang để được thọ giáo HLV Đặng Anh Tuấn. Để có được vinh quang hôm nay, nhiều năm qua Kim Sơn đã phải hi sinh nhiều thứ. Ở tuổi ăn tuổi chơi, nhưng một ngày của Kim Sơn đã cứng lịch từ 5h30 sáng kéo dài đến gần 20h với chuyện tập bơi, đi học với gần 8 tiếng ngâm mình dưới nước. Cuốn học bạ 7 năm học sinh giỏi liên tục cũng xếp lại, chuyển sang hệ giáo dục thường xuyên để được bơi. Bù lại, giáo án của HLV Đặng Anh Tuấn gửi về từ Mỹ đã giúp Kim Sơn tiến bộ vượt bậc. Thật khó tin nhà vô địch SEA Games chưa một lần được tập huấn dài hạn. Kỷ niệm đáng nhớ nhất của Kim Sơn chỉ là 17 ngày tập ở Hungary, khi đến sớm để dự Giải vô địch thế giới 2017. Kim Sơn ước mơ “được đi Mỹ tập huấn để bước chân vào đấu trường thế giới, Olympic như chị Ánh Viên. Đó là mục tiêu rất khó khăn với một VĐV VN, nhưng tôi sẽ cố gắng từng bước một”. Khi được hỏi về thần tượng của mình, Kim Sơn trả lời ngay: “Park Tae Hwan”. Kình ngư lừng danh của Hàn Quốc Park Tae Hwan, người châu Á đầu tiên giành HCV Olympic nội dung 400m tự do, có lẽ là hiện thân nỗi khát khao người châu Á vươn tầm thế giới của Kim Sơn.■ Bơi lội và khoa học Bơi lội đỉnh cao của thời đại bây giờ là câu chuyện của khoa học. Lý giải sự thành công khó tin của Kim Sơn, HLV Đặng Anh Tuấn cho biết: “Sự tiến bộ của khoa học trong huấn luyện bơi lội đã khiến không ít người bị nhầm lẫn. Ngày xưa, chúng ta quan niệm tập cho thật nặng thì sẽ mạnh và mạnh thì sẽ bơi nhanh. Nhưng bây giờ người ta không quan niệm như thế nữa. Cơ bắp phát triển nhiều chưa hẳn đã tốt. Vấn đề là phát triển những nhóm cơ nào có ích cho bơi lội. Nói cách khác, quan điểm của huấn luyện bơi lội bây giờ là tìm cách để cơ thể VĐV giảm lực cản của nước càng nhiều càng tốt. Như thế đồng nghĩa với việc giúp họ bơi nhanh hơn, chứ không phải nhồi nhét khối lượng tập luyện để tăng sức mạnh”. Lý giải đó của HLV Tuấn giúp ta hiểu hơn vì sao một Ledecky (Mỹ) nhỏ nhắn nhưng cực kỳ thành công. Bên cạnh đó, HLV Tuấn còn cho biết những VĐV như Ánh Viên, Kim Sơn là của trời cho. “Nếu một VĐV bình thường sau khi bơi với cường độ cao nhất trong vòng 1’10” thì lượng acid lactic trong máu (chất làm cho cơ bắp bị mỏi) là 4 milimol/lít, thì với Kim Sơn hay Ánh Viên chỉ là… 1 milimol/lít!” - HLV Tuấn nói. Nhưng làm thế nào để “đãi cát tìm thấy vàng”? HLV Tuấn chỉ cười, nhưng chúng tôi biết đó là kết quả của sự nỗ lực học tập của vị HLV này, cộng thêm vào đó là… cơ duyên. Được biết, hiện tại ngành thể thao (cả trung ương lẫn địa phương An Giang) đang ngồi bàn tính để giải bài toán kinh phí đưa Kim Sơn đi Mỹ tập huấn dài hạn như Ánh Viên. Và hai năm nữa, tại SEA Games 2019, hi vọng làng bơi Việt sẽ không bị “lệch” bởi mỗi mình Ánh Viên. Tags: Vận động viên bơi lộiNguyễn Hữu Kim SơnCủa trời cho
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Người dân TP.HCM cần chú ý 31 điểm sạt lở nguy hiểm THẢO LÊ 22/11/2024 UBND TP.HCM vừa công bố danh mục 31 vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm năm 2024.
VTV lên tiếng vụ xe biển xanh vượt 2 ô tô làm xe tải đi chiều ngược lại lao xuống cống HỒNG QUANG 22/11/2024 'Đài truyền hình Việt Nam lấy làm tiếc về sự việc nghiêm trọng này và sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cùng gia đình tài xế xe tải để giải quyết vụ việc theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật', VTV thông tin.
Đình chỉ nhiều kiểm toán viên, có cả ‘phó tổng’ từng ký báo cáo tài chính SCB BÌNH KHÁNH 22/11/2024 Một số kiểm toán viên thuộc các công ty nổi tiếng như Ernst & Young Việt Nam, KPMG vừa bị đình chỉ đến hết năm 2024. Ngoài ra, Kiểm toán DFK Việt Nam và Moore AISC cũng có kiểm toán viên bị đình chỉ.
Bà Tôn Ngọc Hạnh trở thành bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước A LỘC 22/11/2024 Bà Tôn Ngọc Hạnh, 44 tuổi, được điều động, chỉ định làm tân bí thư Tỉnh ủy Bình Phước và là bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước hiện nay.