Phóng to |
BS Hoài Nam trò chuyện với chị Hướng Dương - Ảnh: Hoàng Thạch Vân |
* PGS.TS Nguyễn Hoài Nam: Ngày nay với sự phát triển của xã hội, căn bệnh trầm cảm hình như cũng gia tăng rất nhiều?
"Từng lên bàn mổ bảy lần, đau đớn, khổ sở lắm chứ nhưng tôi đều vượt qua được, còn khi mắc bệnh trầm cảm đôi lúc tôi cảm thấy không thể vượt qua được" |
- Hướng Dương: Đúng vậy, thưa bác sĩ. Theo tôi biết, cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội, áp lực sống ngày càng đè nặng lên mỗi cá nhân và cùng với nó là sự rủi ro trong quá trình phát triển. Hiện nay như các bạn thấy đấy, rủi ro luôn đầy ắp trong cuộc sống, ra đường thì tai nạn giao thông, làm việc thì tai nạn lao động, kinh doanh thì khả năng vỡ nợ... Chính những rủi ro và nhịp sống quá nhanh làm cơ thể con người không thích hợp được và thế là phát sinh bệnh trầm cảm. Đây có lẽ là một hình thức phản ứng của cơ thể trước những kích xúc của cuộc sống và môi trường.
Theo những thống kê và nghiên cứu mà tôi biết được thì trong đời mỗi người đều có giai đoạn trầm cảm. Tuy nhiên có người bị trầm trọng, có người bị nhẹ mà thôi.
Ngày nay, xã hội và con người VN chúng ta đã và đang hội nhập với thế giới cùng với những áp lực ngày càng gia tăng của cuộc sống nên số lượng người bị bệnh trầm cảm ngày càng gia tăng. Đây cũng là một vấn đề rất lớn đặt ra cho hướng phát triển của ngành y tế VN vốn trước đây vẫn không chú trọng lắm về loại bệnh này.
* Chị thấy thế nào khi bị bệnh này?
- Khó chịu lắm bác sĩ ơi, cả ngày cả đêm không ngủ được, luôn trong trạng thái bần thần mệt mỏi, suy nghĩ lung tung và nặng nhất là luôn nghĩ đến chuyện tự tử. Đến nỗi cha tôi phải giấu hết các vật sắc nhọn như dao kéo trong nhà. Tôi từng lên bàn mổ bảy lần, đau đớn lắm chứ, khổ sở lắm chứ nhưng đều vượt qua được. Còn khi mắc bệnh này đôi lúc tôi cảm thấy không thể vượt qua được, hết cả sức lực và tận cùng sự chịu đựng của một con người. Chính vì vậy sau này tôi rất thông cảm và luôn muốn chia sẻ với những ai bất hạnh khi gặp căn bệnh này.
* Để chữa lành căn bệnh này đòi hỏi phải phối hợp nhiều phương pháp, trong đó có việc sử dụng thuốc chống trầm cảm, vai trò của bác sĩ tâm lý và quan trọng nhất là nghị lực của người bệnh, phải không chị?
- Cứ lấy trường hợp của tôi mà nói, đúng lắm bác sĩ à. Không thể không dùng thuốc chống trầm cảm, tuy nhiên các bạn cũng nhớ rằng thuốc chống trầm cảm có nhiều tác dụng không mong muốn, như tăng cân. Sau mỗi đợt điều trị tôi tăng lên 3-4kg là chuyện bình thường. Cho nên bây giờ tôi cũng khá tròn trịa. Việc mập lên khá nhiều là nỗi trăn trở của phần đông bệnh nhân phụ nữ vì bây giờ ai cũng sợ mập. Nhưng với tôi thì mặc kệ, khỏi bệnh là quan trọng, còn có tròn trịa một tí cũng không sao, càng đẹp và trông càng phúc hậu.
Một vấn đề quan trọng nữa là bạn phải có bác sĩ tâm lý nhằm giải tỏa các vấn đề mà bạn quan tâm. Bởi với bệnh nhân trầm cảm thì có khá nhiều điều để quan tâm. Giai đoạn đầu hầu như 2-3 ngày tôi lại đến bác sĩ điều trị vừa là bác sĩ tâm lý. Thời gian sau khi bệnh đã đỡ, tôi đến gặp bác sĩ sau một tuần hay nửa tháng. Bác sĩ coi tôi như là bạn, luôn lắng nghe và cho tôi những lời khuyên tốt. Tôi được biết ở nước ngoài vai trò của bác sĩ tâm lý rất quan trọng, có khá nhiều bác sĩ hoạt động trong lĩnh vực này, trong khi ở VN vai trò của bác sĩ tâm lý còn khá mờ nhạt vì rất ít bác sĩ đi theo chuyên ngành này.
* Theo chị, ngoài việc sử dụng thuốc, nghị lực của bản thân, vấn đề niềm tin có vai trò gì trong việc chữa lành bệnh trầm cảm?
- Niềm tin rất quan trọng. Khi đi chữa bệnh tôi rất tin tưởng vào bác sĩ và đáp lại lòng tin của tôi, bác sĩ cũng đã hết mình điều trị cho tôi. Các ca mổ đều thành công, bệnh trầm cảm được chữa khỏi. Ngoài ra, do theo đạo Phật nên tôi rất tin tưởng vào cuộc sống, vào triết lý nhà Phật. Chính niềm tin này giúp tôi vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất của cuộc sống. Tin vào cuộc sống, tin vào con người, tin vào lý tưởng của mình.
* Chị có thể nói cho chúng tôi biết triết lý cuộc sống của mình để có được ngày hôm nay không?
- Hãy yêu thương nhau, sống có nghị lực và niềm tin, bạn có thể vượt qua mọi hoàn cảnh khó khăn và bệnh tật.
Vài nét về Nguyễn Hướng Dương: Trước khi bị tai nạn, làm hướng dẫn viên du lịch cho Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist. Bị tai nạn giao thông cụt hai chân dưới gối năm 25 tuổi. Sau tai nạn, đến với người mù và sáng lập Thư viện sách nói đầu tiên ở VN. Tâm nguyện dành toàn bộ cuộc đời còn lại của mình phục vụ người mù. |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận