Phóng to |
Những cung đường đất nước tuyệt đẹp mở ra trước tay lái. Cái đích phải tới là cột mốc biên giới số 0 (Lạng Sơn), khởi điểm đường số 1. Chợt bắt chước “Bút Tre sư tổ” mà ngâm nga rằng: “Con đường xuyên Việt thênh thang/ Sài Gòn - Hà Nội - lại càng Lạng Sơn”... |
Nguyễn Duy kể:
- Đó là một chuyến đi hoàn toàn ngẫu hứng... Từ lâu rồi tôi đã mơ ước một chuyến đi dọc dài đất nước, đến tận cột mốc số 0 ở Lạng Sơn và tận mũi Cà Mau. Thế rồi khi có dịp nói cái mơ ước đó với các bạn ở báo Sài Gòn Tiếp Thị tôi được ủng hộ ngay: báo cho tôi mượn một chiếc xe mới tinh và tài trợ cho chuyến đi.
Ban đầu đoàn chỉ có tôi, anh Nguyễn Trọng Huấn và hai phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, sau đó Đài truyền hình TP.HCM biết tin, đề nghị được tham gia với một đạo diễn và một quay phim, cả hai từng có mặt trong nhóm làm phim Mêkông ký sự; thế là câu chuyện và cuộc đi xuyên Việt trở nên lớn hơn dự định, và chính vì vậy mà chúng tôi muốn làm được điều gì đó lớn hơn, có ích hơn...
* Cụ thể là...
- Với một thành phần được hình thành dù bất ngờ nhưng khá hùng hậu như thế, chúng tôi đặt ra nhiệm vụ của chuyến đi: một chuyến du khảo văn hóa xuyên Việt, qua đó khảo sát về ẩm thực dân gian ở mọi miền đất nước chúng ta (trong đó có các món ăn dân dã, các loại rượu quê mình - tất cả đều không có trong nhà hàng, khách sạn); tiếp đó (sẽ thực hiện trong thời gian tới) là khảo sát về văn hóa ở, văn hóa đi lại... rồi các lễ hội dân gian, các hình thái kiến trúc... Có thể nói mục tiêu nhắm tới hơi bị hoành tráng! Tất nhiên các bạn bên truyền hình cũng sẽ làm phim từ cuộc đi xuyên Việt này.
* Chặng 1 đoàn đã đi được bao xa?
- Gần 6.000km (chính xác là 5.955km căn cứ trên đồng hồ xe). Bắt đầu khởi hành từ TP.HCM hôm 13-2, chúng tôi ra miền Trung rồi sau đó là miền Bắc theo quốc lộ 1. Trở về, chúng tôi đi bằng đường Trường Sơn.
Đi trên đường Trường Sơn hôm nay tôi lại nhớ về đường Trường Sơn năm xưa mà tôi đã đi lại nhiều lần, qua các mặt trận khác nhau thời còn chiến tranh ác liệt. Năm 1968, lúc là lính thông tin tôi đã từng làm nhiệm vụ tại chiến trường Khe Sanh, cũng năm ấy ông cụ tôi (giờ đã mất) là dân công mở đường xe thồ vào Tà Cơn, Khe Sanh. Năm 1971 tôi là lính đường dây trong chiến dịch Nam Lào. Tháng 4 -1972 tại chiến trường Quảng Trị, tôi đọc thơ từ mặt trận về tòa soạn báo Văn Nghệ cho hai cụ Hoài Thanh, Phạm Hổ ghi, đó là chùm thơ in trên báo với những bài như Cát trắng, Cô gái Hải Lăng...
Có đi qua những năm tháng bom đạn khủng khiếp ấy, bây giờ chạy xe một mạch trên con đường mòn Hồ Chí Minh năm xưa mới thấm thía xương máu một thời đổ xuống. Nên hôm nay đi trên đường Trường Sơn với tôi có con đường của ký ức, cũng là con đường chuyển quân, con đường thông tin liên lạc, con đường vận tải, con đường xăng dầu vào miền Nam; có con đường hiện tại đẹp đẽ và thênh thang (đến mức ngày đầu tiên trên đường về, tôi đã chạy được một mạch 600km!); rồi lại có con đường trên trời nữa là đường dây điện 500kV Bắc - Nam. Đi trên con đường mới mở tuyệt đẹp này mới vỡ ra những suy nghĩ lớn về đất nước, về con đường dài đất nước...
* Nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi biết Nguyễn Duy đã cầm vôlăng suốt gần 6.000km...
- Sau những năm ốm đau, bệnh tật, thêm những va chạm thật mệt mỏi, chuyến đi này cho tôi cảm hứng rất lớn để bắt đầu vào một cuộc chơi mới thú vị. Năm 50 tuổi, tôi bắt đầu cuộc chơi triển lãm thơ, bây giờ sắp bước vào tuổi 60 tôi không ngờ mình còn đủ sức khỏe để cầm lái chừng ấy cây số và đang hào hứng với bao dự định: viết sách, loại tiểu thuyết du ký mà nước mình chưa có, rồi triển lãm ảnh ghi được sau chuyến đi... Bao nhiêu là việc!
Có thể nói đây là lần đầu tiên mới có một chuyến du khảo bằng đường bộ được tổ chức thành nhiều chặng như thế; và cũng là lần đầu tiên có một nhà thơ làm công việc này mà lại còn kiêm... lái xe nữa ông ạ (cười lớn)!
Những bức ảnh trong bài là của Nguyễn Duy cùng với chú thích của chính anh.
Phóng to | |
Đối đầu: trên một con đường làng băng ngang cánh đồng, chiếc xe hơi đời mới của đoàn chúng tôi bỗng đối đầu với một cái xe trâu cổ kính. Làm thế nào bây giờ? Cái xe trâu không có số lui và con trâu... kiên quyết không chịu đi lui. Tôi đành cho xe hơi lui đến chỗ có thể tránh nhau được. Lại ngâm nga rằng: “Tránh trâu chẳng xấu mặt nào...” | Hải Vân quan trong mây: đỉnh đèo Hải Vân chìm trong mây. Đẹp lắm. Nhưng mà buồn lắm. Từ khi có đường hầm Hải Vân, khách qua đèo thưa vắng. Hải Vân quan mỗi ngày một đìu hiu |
Một con đường hùng tráng không thể tả nổi. Lại đành phải bắt chước cả “bà chúa thơ Nôm” lẫn “Bút Tre sư tổ” mà ngâm nga rằng: “Mười đèo, mười đèo, lại mười đèo... Ối giời ơi núi cheo leo/ bỗng nhiên lại một cái đèo thò ra...” | Sông Chu: chúng tôi về thăm lại Lam Kinh. Dưới chân núi Chí Linh có một khúc sông Chu êm đềm với vạn chài cổ tích. Chạnh nhớ những câu thơ tôi viết hồi đi lính: “Từ dòng sông ấy tôi đi/ giọt nước lìa nguồn ra biển cả/ ngày ngày làm mây bay về nguồn...” |
Hoàng hôn trên đỉnh Trường Sơn: chúng tôi trở về Nam bằng đường Trường Sơn - con đường từng thấm máu của cả dân tộc, bây giờ đã được mở rộng và trải nhựa suốt gần 2.000km, từ ngã ba Hòa Lạc (Hà Tây) tới ngã tư Chơn Thành (Bình Phước). Mỗi ngày chạy xe bốn năm trăm kilômet đường đèo dốc mà không thấm mệt, một phần vì con đường đẹp như trong mơ |
Cầu Hiền Lương: con sông này, cây cầu này đã đi vào lịch sử dân tộc, “Hai mươi mốt năm dài máu chảy/ hai mươi mốt năm dài thương đau/ dù cho qua đi một thời con trai/ dù cho qua đi hai thời con gái..." (Tìm thân nhân - thơ Nguyễn Duy, 1975) |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận