TTCT- Đã ở tuổi bảy mươi “cổ lai hi”, với một gia tài thơ có thể gọi là hi hữu, Nguyễn Duy ở trong số hiếm hoi những thi sĩ vẫn làm xao xuyến con tim những người yêu mến thơ ông khi được nghe chính ông đọc thơ... Nhà thơ Nguyễn Duy-Phong Quang Một cuộc đọc thơ như thế vừa diễn ra tại đường sách Nguyễn Văn Bình (TP.HCM) ngày 15-6 vừa qua, nơi ông giao lưu với bạn đọc, giới thiệu ba tác phẩm vừa được xuất bản của mình. Hôm ấy, hai tập thơ và một tập ghi chép - văn xuôi do Công ty Phương Nam phát hành đã được người đọc “vét sạch”, nhà thơ phải ngồi ký tặng đến quá ngọ mà vẫn chưa hết người xếp hàng chờ đến lượt mình. Trước ngày Nguyễn Duy ra Hà Nội để tiếp tục có một buổi ra mắt thứ hai của ba tác phẩm tại đường sách 19-12, tôi có một buổi trò chuyện lai rai với ông. Câu chuyện bắt đầu từ những ngày còn thật non trẻ của báo Tuổi Trẻ, khi tờ báo mỗi tuần chỉ mới phát hành một số. Chắc anh còn nhớ bài Ông già Nam Bộ mà anh đọc lại tại đường sách, đã được giới thiệu (có lẽ là lần đầu tiên) trên báo Tuổi Trẻ năm 1977 với cái tên ban đầu là Ông già sông Hậu? Khiếp thật, mới đó đã 40 năm rồi! - Nhớ chứ. Đó cũng là lần đầu tôi “chạm ngõ” với Tuổi Trẻ, để rồi suốt mấy chục năm qua đã có rất nhiều dịp cộng tác với báo, cả thơ cùng nhiều bài viết, đặc biệt đáng nhớ là khi bài Đánh thức tiềm lực được in trên Tuổi Trẻ Chủ Nhật (nay là Tuổi Trẻ Cuối Tuần - NV) năm 1986 và bài Hành trình thơ “Đánh thức tiềm lực” được giới thiệu trên Tuổi Trẻ số Tết Bính Tuất 2006, kể lại sự ra đời của bài thơ và là một kỷ niệm đẹp với ông Sáu Dân (Võ Văn Kiệt), hồi đó là bí thư Thành ủy TP.HCM. Bản thảo bài Hành trình thơ “Đánh thức tiềm lực” trước khi in đã được chuyển đến ông Sáu đọc, góp ý, sửa một số chữ cho chính xác, và bức ảnh in báo là do chính ông cung cấp. Nhà thơ Nguyễn Duy (thứ ba từ trái sang) trong cảnh đổ nát của Trường tiểu học Xuân Sơn Bắc khi cơn lũ dữ tháng 11-2009 tàn phá nhiều địa phương của tỉnh Phú Yên Dù bài thơ và câu chuyện về Hành trình thơ “Đánh thức tiềm lực” đã được nhiều người biết, nhiều người đọc và nhiều người từng nghe giọng anh đọc Đánh thức tiềm lực qua audio, thế nhưng vẫn gây được cảm xúc rất đậm trong buổi sáng ngày 15-6. Một thân hữu là người mê thơ anh nói với tôi sau buổi giao lưu rằng nghe đọc thơ mà hấp dẫn chẳng kém xem phim hành động; còn xếp hàng chờ tới lượt để có chữ ký của anh quá xếp hàng mua gạo bằng sổ gạo thời bao cấp! Với anh, lần đọc thơ lúc nào và ở đâu là đáng nhớ nhất? - Tôi đã đọc thơ ở rất nhiều nơi, cả trong và ngoài nước, nơi nào cũng để lại kỷ niệm thật khó quên. Cuối thập niên 1980, tôi đã đọc thơ trong các “ốp” của công nhân Việt tại Liên Xô (cũ), trong các ký túc xá của người Việt xuất khẩu lao động ở một số nước Đông Âu. Rồi những lần sang Mỹ đọc thơ mà đáng nhớ nhất là chuyến đi tháng 4-2000 để triển lãm thơ viết trên mành tre, chiếu cói, thúng, nơm... và phát hành tập Đường xa (Distant Road), tuyển thơ Nguyễn Duy in song ngữ Anh - Việt. Khi đó tôi đã đọc thơ tại một số trường đại học ở Mỹ, đọc thơ trước cử tọa là các cựu binh trong cuộc chiến tại Việt Nam... Cũng không thể nào quên lần đọc thơ tại Lạng Sơn trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc tháng 2-1979. Những ngày đó, khi chiến tranh nổ ra, tôi đã tham gia nhóm phóng viên xung kích của báo Văn Nghệ lên mặt trận Lạng Sơn. Ở đó tôi viết được một chùm thơ và đã đọc trong một đêm mùa xuân ở Trường Đông Kinh Phố, khi tiếng súng vẫn đang rền vang, còn người nghe là nhóm phóng viên chiến trường và tổ tự vệ của giáo viên nhà trường. Gần đây là vào tháng 3-2017, tôi về quê nhà đọc thơ tại sân đình làng Quảng Xá - quê nội của tôi, người nghe là bà con dân làng. Đó là vào dịp kỷ niệm tôi tròn tuổi bảy mươi, kỷ niệm mười năm tôi nhận được Giải thưởng Nhà nước, và bài thơ Tre Việt Nam đã được khắc lên bia đá, dựng trong khuôn viên phường Đông Vệ của tỉnh Thanh Hóa như một cách vinh danh của quê nhà dành cho cá nhân tôi. Biết bao là cảm động! Cũng phải kể đến đêm đọc thơ ngay tại sân tòa soạn báo Tuổi Trẻ khi còn ở 12 Duy Tân (nay là Phạm Ngọc Thạch - NV) năm 1978, trong số những bài tôi đọc đêm ấy, có Tiếng tắc kè kêu trong thành phố vừa viết xong. Nhiều kỷ niệm về các lần đọc thơ được kể trong tập Ghi và nhớ phát hành dịp này, đây là tập văn xuôi cùng nhiều bài báo, ghi chép tôi viết trong nhiều năm, rất muốn chia sẻ với bạn đọc. Nhà thơ Nguyễn Duy-Phong Quang Tôi có may mắn được đi cùng anh trong nhiều chuyến đi, một trong những ấn tượng đậm nét nhất đối với đời làm báo của tôi là khi được nghe bài Tre Việt Nam qua các em học sinh Trường tiểu học Xuân Sơn Bắc của huyện Đồng Xuân, nơi bị thiệt hại nặng nề khi cơn lũ lịch sử tàn phá nhiều vùng đất của tỉnh Phú Yên vào đầu tháng 11-2009. Hình ảnh đám trẻ tóc cháy nắng ở một làng quê nghèo vừa ra khỏi cơn lũ lớn đồng thanh đọc không chút vấp váp bài Tre Việt Nam cứ mãi theo tôi đến tận hôm nay... Sau hai mươi năm gác bút, không làm thơ nữa, mới đây anh lại gây bất ngờ với hai bài thơ nóng hổi “thế sự” được in trên một tạp chí, rồi lan rộng trên mạng xã hội. Lại được biết anh vừa có chuyến đi nhiều ngày để làm một bộ phim về đời thơ của mình. Xem ra hành trình thơ Nguyễn Duy vẫn chưa có hồi kết? - Tôi đang tập viết trở lại sau hai thập niên buông bút. Những chuyện thế sự ngày hôm nay khiến mình rồi không thể ngồi yên mà lòng cứ đau đáu mãi. Hai bài thơ ấy tôi làm trong những ngày nằm bệnh viện vì một tai nạn ở bàn chân, chỉ gửi bạn bè xem, không ngờ được in ngay. Xin kể thêm: vừa ra viện, chân còn đi tập tễnh thì tôi được một số bạn, thân hữu góp sức, góp công, góp ý tưởng để cùng làm cho tôi một bộ phim tư liệu trường thiên tạm gọi là Nguyễn Duy với núi sông Đông Dương. Chúng tôi đánh một cung đường dài, bắt đầu từ Huế qua vùng Nam Lào rồi vượt dòng Mekong sang đất Thái Lan, sau đó ngược lên Viêng Chăn, đến Luang Prabang, xuống Xiengkhuang với Cánh đồng chum nổi tiếng, tiếp đến trở về Thanh Hóa quê tôi, xuôi Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và trở lại điểm xuất phát là Huế. Đi tới đâu, ghi hình đọc thơ ở đó. Những bài thơ tôi đã viết ở Trường Sơn, bên dòng Mekong của đất Lào, bên sông Gianh, sông Mã, sông Bến Hải, sông Hương... Hành trình này sẽ được tiếp nối ở phía Bắc với sông Hồng, Lạng Sơn, Điện Biên rồi phương Nam với Cửu Long, Đất Mũi và sẽ kết thúc tại Angkor, nơi tôi viết bài Đá ơi như một lời cầu chúc hòa bình cho nhân loại. Trường thiên tư liệu này cũng chưa biết sẽ dùng làm gì, thôi thì “Cứ bèo bọt bước thiên di/Đưa chân lục bát mà đi loằng ngoằng”... Chúng tôi chờ đợi để được xem bộ phim ấy và xin chúc hành trình thơ Nguyễn Duy sẽ mãi mãi đi cùng người yêu thơ!■ Toàn cảnh buổi giao lưu với nhà thơ Nguyễn Duy tại đường sách Nguyễn Văn Bình (TP.HCM)-Phong Quang Tags: Nguyễn DuyNhà thơ Nguyễn DuyHành trình thơ
Phá sập đường dây lừa đảo xuyên biên giới chuyên giả danh công an, cán bộ thuế, lừa hơn 13.000 người HÀ QUÂN 25/01/2025 Theo cơ quan công an, băng nhóm người Việt lừa đảo ở Campuchia đã mạo danh công an, cán bộ điện lực, thuế... gọi điện đề nghị người dân cập nhật thông tin để chiếm quyền sử dụng điện thoại, tài khoản ngân hàng.
Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng: Quẫn trí, suy sụp nhưng muốn cảm ơn cả xã hội đã quan tâm THÁI BÁ DŨNG 25/01/2025 Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng nói tới thời điểm này, cả gia đình vẫn không ai tưởng tượng lại được quan tâm, giúp đỡ và chia sẻ như vậy.
Thời tiết hôm nay 25-1: Đêm nay không khí lạnh mạnh về Bắc Bộ, Nam Bộ vẫn nắng nóng LÊ PHAN 25/01/2025 Từ đêm nay, Bắc Bộ sẽ đón đợt không khí lạnh rất mạnh, trời chuyển mưa rét. Nam Bộ thời tiết ngày nắng, Trung Bộ nhiều mây.
Tin tức thể thao sáng 25-1: Djokovic úp mở chuyện giải nghệ trong năm nay ĐỨC KHUÊ 25/01/2025 Djokovic có thể không trở lại thi đấu ở Giải Úc mở rộng và úp mở chuyện giải nghệ; Kyle Walker rời Man City tới cuối mùa... là những tin tức thể thao chính sáng 25-1.