16/11/2013 05:20 GMT+7

Nguyễn Đình Toán và những đối thoại không lời

THU HÀ
THU HÀ

TT - Ngày 15-11, Nguyễn Đình Toán bày 27 ảnh nhạc sĩ Văn Cao cho triển lãm ảnh đầu tiên của cuộc đời mình. Cuộc triển lãm nhỏ bé, đơn sơ này có tên gọi Văn Cao -18 năm trước.

iTP2gLGP.jpgPhóng to
Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán - Ảnh: Nguyễn Khánh

Chẳng ai hiền lành như Nguyễn Đình Toán, giới nhiếp ảnh Hà Nội đều biết rõ điều đó, nhưng cũng chẳng ai bướng bỉnh và thừa lòng tự trọng như anh. “18 năm thôi, Văn Cao mất 18 năm rồi. Mọi người cứ muốn tôi thêm năm thêm tháng cho cái “thâm niên” chụp ảnh bác Văn Cao của tôi thêm bề dày. Nhưng để làm gì? Yêu nhau, trọng nhau thì chỉ một năm, một tháng, một ảnh cũng đủ”.

Cuộc đối thoại của những người im lặng

Nguyễn Đình Toán chụp rất nhiều nhân vật nổi tiếng, đặc biệt là văn nghệ sĩ. Trong đó, ông đặc biệt yêu quý hai người: Văn Cao và Hoàng Cầm - những nghệ sĩ lớn có số phận đặc biệt trong hoàn cảnh khó khăn của một giai đoạn lịch sử mà các giá trị nhiều khi lộn nhào, đan chéo cực kỳ phức tạp.

Ông yêu Văn Cao, tình yêu bắt đầu từ sự kính trọng dành cho một nghệ sĩ lớn và một nhân cách lớn, từ yêu nhạc và yêu thơ. Rồi khi tiếp xúc với Văn Cao, ông yêu sự cô đơn của con người lạ lùng này: “Rất nhiều buổi sáng, tôi đến nhà ông. Ông cứ ngồi như vậy với ly rượu và điếu thuốc trên tay. Im lặng. Tôi chụp ông nhiều lắm, chụp không biết bao nhiêu phim. Những bức ảnh ông ngồi bên cây đàn dương cầm, tay cầm ly hoặc có khi cầm điếu thuốc. Người xem sau này không từng biết Văn Cao có thể nghĩ ông diễn. Nhưng chúng tôi đều hiểu là không phải thế. Mọi suy nghĩ của ông như ngưng đọng lại. Chúng tôi cứ im lặng như thế. Ngày nọ qua ngày kia. Gia đình cũng quen, mặc kệ ông với tôi. Tôi rùng mình và choáng váng, tôi yêu cả nỗi đau khổ của ông”.

Văn Cao đi xa, “người thơ” thứ hai của Nguyễn Đình Toán là Hoàng Cầm. Yêu Hoàng Cầm, Nguyễn Đình Toán đã lặn lội theo ông về bên kia sông Đuống nhiều phen, cùng ông qua nhiều canh quan họ ở quê nhà, cùng ông nhiều đêm trong khói thuốc dù Nguyễn Đình Toán không rượu không thuốc. Vẫn im lặng, chia sẻ bằng cách im lặng, nhìn và chụp. Bạn bè thân thiết của Hoàng Cầm như: Lê Đạt, Trần Dần, Dương Tường, Trần Duy, Ngô Như Mai... đều có rất nhiều hình ảnh trong kho lưu trữ khổng lồ của Nguyễn Đình Toán. Bức hình “thi sĩ máy” Ngô Như Mai, tức Ngô Huy Bình, trồng cây chuối trong căn phòng nhỏ hẹp của ông ở Quảng Ninh là một trong những bức hình sinh động nhất về sự tin tưởng của nhân vật với người chụp ảnh, dù chỉ qua những cuộc đối thoại không lời. Nguyễn Đình Toán không hoạt ngôn, không biết cách nói chuyện với nhân vật, không đưa đẩy. Ông chỉ chụp và chụp, bằng chiếc máy ảnh lúc nào cũng lạc hậu 4-5 đời so với các đồng nghiệp, nhưng hầu hết văn nghệ sĩ Hà Nội hay mọi miền qua Hà Nội, ai được Nguyễn Đình Toán chụp ảnh cho thì đều yên tâm là được anh quý - một “chứng chỉ” đầy tính phi vật thể nhưng lắm khi có giá trị hơn mọi bằng khen, giấy khen có chữ ký đóng triện.

Hơn cả chứng nhân của một thời văn nghệ

Hơn 60 tuổi, cầm máy chính thức cũng gần 30 năm, mới có triển lãm đầu tiên. Lại chỉ bày có 27 bức về cùng một nhân vật, nhân vật lại có quá nhiều người chụp, Nguyễn Đình Toán chả có gì băn khoăn, cũng chả buồn phiền gì chuyện đó. Nếu bạn bè, đàn em yêu quý ông không “ép”, không hối thúc hàng tháng trời, chắc ông cũng chưa nghĩ đến chuyện mang ảnh ra triển lãm, dù giới văn nghệ sĩ Bắc Hà vẫn tự biết và tự trào: ai sống thế nào, làm gì, đã có Nguyễn Đình Toán biết và chụp lại hết, chỉ là mình có đẹp không và ông ấy có đưa ảnh cho mình không?

Không ai biết và Nguyễn Đình Toán cũng không tự biết mình đã chụp tổng cộng bao nhiêu bức ảnh. Là một người lính pháo cao xạ suốt những năm chiến tranh, giải ngũ ông làm cán bộ của Bộ Giao thông vận tải đến năm 1992 thì về hưu, rồi làm phóng viên ảnh cho tạp chí Xưa & Nay. Vị trí công việc không hề mang lại cho ông tiền bạc, nhưng đem đến cho ông một cái nhìn khác về lịch sử, về con người, và mang đến cho ông vô số bạn bè. Ông nghèo, ai cũng biết, nhiều khi ông không có cả tiền rửa ảnh - thuở còn chụp phim, nhưng ai cũng biết ông rất ghét cái trò: “Toán ơi, ra đây chụp đi”, rồi “Toán ơi, rửa ảnh đi, tôi trả tiền”. Ông chụp tất cả nhưng chỉ rửa và trả những bức hình ông cho là vừa ý. Máy ảnh của ông luôn lạc hậu. Khi người ta chụp Nikon thì ông vẫn lẽo đẽo Pentax, khi thanh niên trai trẻ dùng đến 5D Mark III, ông vẫn dùng Canon 550D. Ông cười bảo: “Mình phải làm chủ vũ khí của mình”. Cũng vì biết mình thua kém kỹ thuật, ông chăm chỉ và nhẫn nại học hỏi tất cả các bạn trẻ. Sự kiện nào ông cũng đi, vụ việc nào của giới văn nghệ ông cũng chụp, xa xôi, tiền nhuận ảnh không lại tiền xăng nhưng ông có niềm an ủi khác.

Tự nhận mình “tai trâu” nhưng ông không bỏ lỡ một buổi diễn, buổi tập nào của Dàn nhạc giao hưởng VN ngay từ cuối những năm 1980. Các đời nhạc trưởng của dàn nhạc từ Yoshikazu Fukumura, Đỗ Dũng đến Graham Sutcliffe, Lê Phi Phi... đều nằm trọn trong bộ sưu tập của ông. “Tôi phục những người chơi nhạc cổ điển ở VN. Và tôi chụp Dàn nhạc giao hưởng nhiều để rèn thói quen nhẫn nại, nhẹ nhàng, lịch sự, không làm phiền nghệ sĩ khi họ đang biểu diễn”.

Rất nhiều văn nghệ sĩ tự hào vì được ông chụp ảnh, nhiều người còn dặn con cháu “dùng ảnh chú Toán chụp làm ảnh thờ”. Hoàng Cầm, Trịnh Thanh Sơn, Từ Chi... đều đang được con cháu thờ bằng ảnh “chú Toán chụp”.

Sau một tai nạn xe máy cách đây hơn hai năm, Nguyễn Đình Toán đã yếu nhiều, nẹp vít trong khớp chân không cho phép ông phóng xe máy đi xa chụp ảnh nữa. Nhưng ông vẫn say sưa chụp văn nghệ sĩ Hà thành. Tình yêu hiện tại của ông dành cho Lộc “vàng” - ông chủ quán cà phê ven hồ Tây có số phận cay đắng, đi tù chỉ vì hát nhạc vàng những năm đầu 1980. Lại đến, lại ngồi, nghe bạn hát, nhìn bạn và chụp, trong những cuộc đối thoại không lời triền miên.

“Đời tôi chưa thấy ai buồn như Văn Cao”

MxnKi3bc.jpgPhóng to
Văn Cao, tháng 10-1993 - Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Chọn bày 27 ảnh của Văn Cao, Nguyễn Đình Toán chọn chủ yếu ảnh chưa công bố, có những bộ ảnh 20 chiếc (chụp phim) ông chỉ lấy một, cất đi 19 vì không ưng. Như bộ ảnh cuộc gặp gỡ nhạc sĩ Văn Cao và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lần đầu tiên có một đêm nhạc Văn Cao được tổ chức tại Cung văn hóa Thể thao thanh niên Hà Nội mùa đông năm 1993 - Văn Cao - một đồng hành với tuổi trẻ: “Chín ảnh trước là cảnh Văn Cao ngồi đợi Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đến ảnh thứ 10 là hai người nắm tay nhau, từ ảnh thứ 11 là cảnh bốn người - có cả hai bà vợ, cảnh mọi người vui vẻ chúc tụng... Tôi chỉ lấy một ảnh thứ 10 đấy thôi. Vị tướng mang tên Văn hơi mỉm cười chào người nhạc sĩ tên Văn. Nhưng Văn Cao vẫn không cười. Tôi gần như không thấy ông cười bao giờ. Đời tôi chưa thấy ai buồn như Văn Cao dù ông không bao giờ nói về nó”.

THU HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên