Nguyên Chủ tịch nước - Đại tướng Lê Đức Anh đón đoàn Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng do Đại tướng Ngô Xuân Lịch - bộ trưởng Bộ Quốc phòng - làm trưởng đoàn đến thăm, chúc mừng sinh nhật lần thứ 96 của Đại tướng Lê Đức Anh ngày 1-12-2016 - Ảnh: TTXVN
Tin từ Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ trung ương: Đại tướng Lê Đức Anh, sinh năm 1920, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước, sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao sức yếu, đã từ trần vào hồi 20h10 ngày 22-4-2019 tại nhà Công vụ, số 5A, phố Hoàng Diệu, TP Hà Nội.
Chủ tịch nước Lê Đức Anh gặp Chủ tịch Cuba Fidel Castro trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Cộng hoà Cuba (12 - 17-10-1995) - Ảnh: TTXVN
Đại tướng Lê Đức Anh là nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên phó bí thư Quân ủy trung ương, bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, nguyên cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Ông Lê Đức Anh được thăng quân hàm Đại tướng năm 1984. Trong cuộc đời binh nghiệp vẻ vang của mình, Đại tướng Lê Đức Anh đã chiến đấu hơn 30 năm trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, và 10 năm trên chiến trường nước bạn Campuchia giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng Khmer Đỏ.
Tại thời điểm cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968, ông Lê Đức Anh là tham mưu trưởng Bộ chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam.
Đến chiến dịch Hồ Chí Minh tháng 4-1975, ông là phó tư lệnh Bộ chỉ huy chiến dịch, kiêm tư lệnh Đoàn 232 - cánh quân hướng Tây - Tây Nam đánh vào nội đô Sài Gòn - Gia Định.
Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đến chào nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh tại Hà Nội trong chuyến thăm chính thức Việt Nam ngày 27-12-2013 - Ảnh: TTXVN
Đại tướng Lê Đức Anh giữ chức vụ bộ trưởng Bộ Quốc phòng từ năm 1987 đến năm 1991, sau đó là chức vụ Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam cho đến tháng 9-1997, có vai trò quan trọng trong việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Đại tướng Lê Đức Anh chính là người đề xuất việc phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng. Ngày 29-12-1994, lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng Việt Nam, hàng trăm Mẹ Việt Nam anh hùng ở tuổi ngoài 70 đã cùng duyệt hàng quân danh dự với người đứng đầu Nhà nước - Chủ tịch nước Lê Đức Anh, trong khuôn viên Phủ Chủ tịch.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trao tặng huy hiệu 75 năm tuổi Đảng cho Đại tướng Lê Đức Anh ngày 29-7-2013 tại Hà Nội - Ảnh: TTXVN
Sau khi nghỉ hưu (từ tháng 4-2001), Đại tướng Lê Đức Anh vẫn quan tâm đến thời cuộc và tình hình đất nước, ông trăn trở nhiều về bộ máy công quyền, mối quan hệ giữa Nhà nước, trong đó có quân đội, với nhân dân.
Khi xảy ra sự việc xô xát do cưỡng chế thu hồi đất tại Tiên Lãng, Hải Phòng năm 2012, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã cùng một số vị lão thành lên tiếng mạnh mẽ, yêu cầu làm rõ đúng sai cả về phía người dân và phía chính quyền các cấp trong vụ việc này, cũng như phản đối việc quân đội tham gia cưỡng chế đất đai.
Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh - Ảnh tư liệu
Phát biểu với báo chí khi đó, ông nói: "Một số cán bộ, đảng viên suy thoái về chính trị, đạo đức có hành động không lành mạnh. Điều đó đã làm giảm niềm tin đối với Đảng, Nhà nước, bản thân tôi thấy đó cũng là điều lo lắng.
Tôi cho rằng trong đội ngũ của Đảng, cán bộ đảng viên mà suy thoái, làm trái nguyên tắc cơ bản của Đảng, làm sai hiến pháp và pháp luật thì cần phải xử lý nghiêm".
Đại tướng Lê Đức Anh, bộ trưởng Bộ Quốc phòng, tại lễ mittinh kỷ niệm 33 năm Ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam tại Trường Sa tháng 5-1988 - Ảnh: NGUYỄN VIẾT THÁI/Tuổi Trẻ
… Chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên, trước hương hồn của các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc. Xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau: Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta.
Đại tướng Lê Đức Anh phát biểu tại Trường Sa ngày 7-5-1988
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận