Bị cáo Nguyễn Trường Duy tại tòa - Ảnh: TUYẾT MAI
Sáng ngày 10-4, TAND TP.HCM tiếp tục phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Trường Duy, nguyên công chức Đội Kểm soát hải quan - Cục Hải quan TP.HCM, về tội "nhận hối lộ".
Nguyên công chức hải quan kêu oan
"Bị cáo không có quyền đề xuất kiểm tra" - bị cáo Nguyễn Trường Duy và nhiều công chức hải quan TP.HCM phân bua tại tòa.
Theo đó, Nguyễn Trường Duy là trinh sát địa bàn, tổ kiểm soát 1 có nhiệm vụ thu thập thông tin, nắm tình hình công tác phối hợp của các lực lượng trong và ngoài ngành, thu thập thông tin nắm tình hình tại khu chế xuất Linh Trung.
Theo ông Bùi Thành Chung - đội phó Đội Kiểm soát hải quan, Nguyễn Trường Duy chịu sự phân công trực tiếp của tổ trưởng, không có quyền thu thập thông tin chống gian lận thương mại, không thể đe dọa, tạo sức ép khiến các doanh nghiệp phải chi tiền. Đồng thời, Đội Kiểm soát hải quan không có quyền kéo dài thời gian khi tham gia kiểm tra hàng hóa, việc này thể hiện trong các biên bản làm việc.
Trong thời gian này chỉ có 5 phiếu phối hợp kiểm tra nhưng do lãnh đạo Cục Hải quan TP.HCM đề xuất, không có phiếu nào do đề xuất của Nguyễn Trường Duy.
Một số chủ doanh nghiệp và người làm dịch vụ hải quan cho doanh nghiệp khai phải chi từ 1-7 triệu đồng cho mỗi container khi làm thủ tục thông quan cho Duy. Theo yêu cầu, họ mang tiền để trong phong bì ghi số tờ khai, số container… đến số nhà mà Duy yêu cầu, đưa tiền cho một người phụ nữ hơn 60 tuổi.
Do trời tối hoặc chỉ đưa tiền qua khe cửa nên nhiều người không nhìn rõ mặt người này. Kết quả nhận dạng trong quá trình điều tra cũng thể hiện nhiều chủ doanh nghiệp, người làm dịch vụ hải quan cho doanh nghiệp nhận diện được Nguyễn Trường Duy nhưng không nhận diện được bà Nguyễn Thị Thùy Nhiên (mẹ của Duy).
Một người làm dịch vụ hải quan cho doanh nghiệp khai với HĐXX rằng ngoài lực lượng hải quan còn một số lực lượng kiểm soát đặc biệt của Cục Hải quan. Nhiều người trong nghề đã hướng dẫn ông này rằng muốn thông quan thì phải chi tiền cho Nguyễn Trường Duy vì Duy có khả năng tác động khiến việc thông quan mất nhiều thời gian hơn.
Tại tòa, bị cáo Duy khai căn nhà tại phường Tân Định, quận 1 là nhà của mẹ ruột. Mẹ Duy hay phải đi cấp cứu vì bệnh tim và em gái Duy bị câm điếc. Nguyễn Trường Duy cũng khai rằng nếu Duy nhận tiền cũng sẽ không sử dụng nhà của mẹ mình để mẹ và em gái có thể bị liên lụy về hành vi tiếp sức cho mình nhận hối lộ.
Đồng thời, bị cáo Duy cho rằng thời gian cuối tháng 12-2015, Duy đang đi Trung Quốc. "Các doanh nghiệp mở tờ khai khi tôi đang ở nước ngoài thì tôi không thể can thiêp được" – Duy nói.
Theo các tin nhắn giữa bị cáo Duy và chủ doanh nghiệp, khi chủ doanh nghiệp nhắn cho Duy số container thì Duy nhắn lại "ok" và sau đó nhắn địa chỉ nhà mẹ Duy. Nguyễn Trường Duy cho rằng mình không nhớ cụ thể nội dung trao đổi là gì nhưng có thể lúc đó họ đang hỏi "anh đang ở đâu" thì Duy nhắn địa chỉ nhà mẹ mình hoặc quán cà phê mình đang ngồi…
Sai phạm nhưng vẫn thăng chức?
Đại diện Viện KSND TP.HCM cho rằng tuy Nguyễn Trường Duy không nhận tội, nhưng dựa vào các tài liệu, hồ sơ trong vụ án, kết quả đối chất, nhận dạng… đã có đủ cơ sở kết luận Nguyễn Trường Duy phạm tội "nhận hối lộ" 541,9 triệu đồng của 50 doanh nghiệp.
Cụ thể, từ tháng 1-2015 đến tháng 12-2015, Duy đã liên hệ, đe dọa buộc các chủ doanh nghiệp và người làm dịch vụ hải quan cho doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu hàng hóa tại các cảng ở TP.HCM (chủ yếu là cảng Cát Lái) phải chi tiền để không bị kiểm tra hàng hóa.
Duy đã chủ động gọi điện, nhắn tin để yêu cầu các chủ doanh nghiệp, người làm dịch vụ hải quan cho doanh nghiệp đưa tiền tại nhà mẹ ruột của mình ở phường Tân Định, quận 1 và văn phòng của Duy tại cảng Cát Lái.
Từ đó, Viện KSND TP.HCM đã đề nghị tòa tuyên phạt Nguyễn Trường Duy 12-14 năm tù về tội danh trên, đồng thời tịch thu sung công quỹ số tiền 541,9 triệu đồng.
Trong bản luận tội, đại diện Viện KSND TP.HCM cũng nêu rõ quá trình thực hiện nhiệm vụ, ông Bùi Thành Chung đã ký phiếu phối hợp không đúng quy định, không làm đúng chức năng của Đội Kiểm soát hải quan trong việc phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Việc ký phiếu phối hợp kiểm tra tràn lan của ông Bùi Thành Chung tạo tâm lý hoang mang lo sợ, dẫn đến việc các doanh nghiệp phải tìm cách lo lót cho cán bộ hải quan như trong vụ án trên.
Theo quy định, ông Bùi Thành Chung phải chịu trách nhiệm trực tiếp vì để sai phạm xảy ra tại đơn vị, để một công chức hải quan do mình quản lý lợi dụng việc phối hợp để trục lợi.
Theo Viện kiểm sát, sai phạm này vẫn không bị Cục Hải quan TP.HCM, Tổng cục Hải quan xem xét xử lý nghiêm khắc. Ngược lại, sau khi vụ án bị khởi tố, ông Chung còn được chuyển công tác và được đề bạt làm phó chi cục trưởng Chi cục hải quan khu chế xuất Linh Trung. Đây là câu hỏi cần được các cơ quan pháp luật giải đáp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận