NS Nguyễn Ánh 9 -Ảnh: TTD |
Nguyễn Ánh 9 tên thật là Nguyễn Đình Ánh, sinh ngày 1-1-1940 tại Ninh Thuận.
Nguyễn Đình Ánh theo học trường Taberd đến năm 1954 rồi lên Đà Lạt, ở nội trú trường Yersin cho đến năm 1958. Vì ba ông không chấp thuận nên ông bỏ nhà đi vào năm 18 tuổi để theo đuổi con đường âm nhạc.
Ông tập chơi dương cầm từ nhỏ và trong thời gian học ở Đà Lạt, Nguyễn Đình Ánh có quen biết với nhạc sĩ Hoàng Nguyên và được Hoàng Nguyên dìu dắt vào con đường âm nhạc.
Sau khi tốt nghiệp Tú tài 2, qua sự giới thiệu của nhạc sĩ Hoàng Nguyên, Nguyễn Ánh 9 được vào tham gia chương trình Tuổi Xanh của Đài phát thanh Sài Gòn và Đài phát thanh Đà Lạt.
Ông cũng cộng tác với chương trình Tiếng hát sinh viên do Duy Trác thực hiện. Từ đó, Nguyễn Ánh 9 đi khắp nơi biểu diễn dương cầm ở các bar, các nhà hàng nổi tiếng và những ban nhạc thanh niên.
Nghệ danh Nguyễn Ánh 9 là do người yêu đầu tiên của ông đặt cho. Trong một cuộc phỏng vấn, ông cho hay: "Đây là tên mà cô ấy đặt cho tôi. Khi tôi viết những bản nhạc đầu tiên, lấy tên thật là Nguyễn Đình Ánh thì dài quá, mà viết là Nguyễn Ánh thì lại trùng với tên của vua Gia Long. Bởi vậy, cô ấy bảo, chữ Nguyễn Ánh có 9 ký tự, mà số 9 theo quan niệm phương Đông là số may mắn, bởi vậy, nên lấy bút danh là Nguyễn Ánh 9".
Nguyễn Ánh 9 - Ảnh: TTD |
Nguyễn Ánh 9 bắt đầu sự nghiệp viết nhạc một cách rất tình cờ trong một chuyến đi Nhật biểu diễn cùng ca sĩ Khánh Ly. Sau buổi diễn tại hội chợ Ōsaka, khi cùng với Khánh Ly đứng chờ thang máy lên phòng khách sạn, thấy người bạn mình mang vẻ mặt buồn buồn, Khánh Ly lên tiếng hỏi: "Còn thương nó không bạn?", ý muốn hỏi về một người bạn gái quen biết Nguyễn Ánh 9 vào thời đó. Sẵn cây đàn ghi-ta trên tay, Nguyễn Ánh 9 cất tiếng hát: "Không! Không! Tôi không còn, tôi không còn yêu em nữa...".
Đến khi trở về Việt Nam, Khánh Ly đề nghị ông soạn nhạc phẩm này. Trước đề nghị đó, ông hoàn tất nhạc phẩm đầu tiên của mình trong một thời gian ngắn.
Sau đó, ông lần lượt cho ra đời một vài tác phẩm nữa, tuy không nhiều nhưng đều để lại ấn tượng sâu đậm cho người nghe như: Ai đưa em về, Chia phôi, Lời cuối cho em, Mùa thu cánh nâu, Đêm tình yêu, Tình yêu đến trong giã từ, Mênh mông tình buồn, Cho người tình xa, Cô đơn...
Ngoài việc biểu diễn dương cầm, đệm đàn cho ca sĩ, sáng tác ca khúc, Nguyễn Ánh 9 còn được mời viết nhạc nền cho một số phim như: Mảnh tình nghiệt ngã, Mênh mông tình buồn…
Tiếng đàn của ông từng nâng đỡ giọng hát của nhiều thế hệ ca sĩ như Thái Thanh, Khánh Ly, Elvis Phương, Ý Lan, Ánh Tuyết, Hồng Hạnh, Quang Hà... Thời gian sau này, ông thường chơi dương cầm hàng tuần tại khách sạn Sofitel Plaza Saigon cho đến năm ngoái thì chính thức “nghỉ hưu”.
Trong suốt sự nghiệp, ông có nhiều đĩa ghi âm cùng các ca sĩ và đĩa riêng. Trong đó, nổi bật nhất là CD Lặng lẽ tiếng dương cầm gồm 13 ca khúc (Viết Tân - Kim Lợi Studio) và đĩa LP (33 vòng) Nguyễn Ánh 9 - Lặng lẽ tiếng dương cầm gồm mười ca khúc (nhạc sĩ Đức Trí và Gia Định Audio hợp tác).
Ông cũng tham gia rất nhiều sô diễn và có những đêm nhạc riêng, nhưng đáng nhớ nhất vẫn là liveshow Nguyễn Ánh 9 - Nửa thế kỷ âm nhạc diễn ra tối ngày 29-12-2011 tại Hà Nội.
Trong phần hai của chương trình có sự tham gia của chín nghệ sĩ, một ban nhạc chín người và chín cây vĩ cầm đến từ Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 trực tiếp đệm đàn cho các nghệ sĩ hát cùng dàn nhạc. Lần xuất hiện gần nhất trên sân khấu lớn của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 là vào ngày 20-12-2015 khi ông nhận lời đệm piano cho danh ca Khánh Ly trong liveshow Câu chuyện mùa đông tại TP. Biên Hòa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận