14/08/2013 12:01 GMT+7

Nguyễn An Ninh ở Côn Đảo

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - Cứ đến ngày 14-8, Côn Đảo lại nhộn nhịp với lễ giỗ nhà yêu nước Nguyễn An Ninh. Ở Bảo tàng Côn Đảo, ảnh Nguyễn An Ninh được treo trang trọng cùng các nhà yêu nước, các lãnh đạo từng trải qua những ngày địa ngục trần gian.

Trên tấm bia tưởng niệm dựng sau lưng ngôi mộ được xây dựng gần khu A nghĩa trang Hàng Dương, ngoài bức ảnh trứ danh chụp Nguyễn An Ninh 23 tuổi sau buổi diễn thuyết “Cao vọng của thanh niên Việt Nam”, ngôi mộ cũ bằng đá xanh do những người bạn tù bất chấp lệnh cấm, đòn roi, phạt cấm cố để lập cho ông năm 1944 cũng được trân trọng ghi hình lưu lại...

Kỳ 1: Kỳ 2: Kỳ 3:

5vbXzgcS.jpgPhóng to
Bác Hồ đến thăm trại nhi đồng miền Nam - nơi bà Trương Thị Sáu (vợ Nguyễn An Ninh) làm giám đốc. Bà Ninh báo cáo với Bác Hồ về tình hình học tập của các cháu học sinh miền Nam Ảnh tư liệu gia đình

Lần theo dấu vết

Trong lòng bà Ninh và những người con của ông, những năm tháng ông ở nhà lao Côn Đảo, bị tách khỏi những người thân yêu luôn là một nỗi đau đáu, ray rứt không yên. Để tìm cho được những thông tin về ông, hàng trăm tập báo chí lưu trữ trong thư viện đã được soi đến từng trang. Và trời không phụ lòng người, một loạt 12 bài phóng sự hồi ký của tác giả Nguyễn Ngọc Danh đăng trên báo Tiếng Dội Miền Nam từ ngày 15 đến 30-8-1961, nhân kỷ niệm 18 năm ngày giỗ ông Nguyễn An Ninh đã được tìm thấy.

Ông Nguyễn Ngọc Danh cho biết: ông, trong vai trò một nhà báo, đã xuống tàu để đến Côn Nôn (tên gọi của Côn Đảo trước đây - NV) vào ngày 10-8-1943, chỉ bốn ngày trước khi ông Nguyễn An Ninh từ giã cõi đời.

Ông Danh kể: vì đã một lần được gặp và mang lòng ngưỡng mộ tinh thần yêu nước và những hoạt động của Nguyễn An Ninh từ trước, nên khi vừa đặt chân lên đảo ông đã đi tìm hỏi ngay tin tức của ông Ninh. Sau khi được biết cặn kẽ ông Ninh bị biệt giam ở Banh II trong một xà lim “ví như cái hộp vừa đủ cho hai người xoay trở, xây cất vững chắc và thiếu ánh sáng, việc vệ sinh không thể có sự sạch sẽ đến mức cần thiết được - tác giả viết - Chúng tôi nghe như có một cái gì vô hình đến xâm chiếm lòng mình mà cảm thấy vừa buồn đau, vừa uất ức”.

Nỗi đau uất ấy càng tăng lên khi ông Danh được nghe kể thêm rằng ông Nguyễn An Ninh đã bị đối xử theo “án cấm cố hầm” như vậy suốt ba năm vì chúa đảo e sợ tinh thần bất khuất cùng tài thuyết phục, tầm ảnh hưởng của ông sẽ làm nổ ra những cuộc đấu tranh của tù nhân. Nghe một viên chức của đảo kể “ông Ninh đang bị bệnh phù thũng và kiết lỵ nặng, đã chuyển sang nằm ở khám Liệt, không có thuốc men gì, thi thoảng anh em tù nhân phải tìm vài muỗng máu vích cho ông nuốt để cầm cự” - người viết báo nghe lặng cả người.

Ông Nguyễn Ngọc Danh đã tìm cách lọt vào Banh II để chứng kiến những bức tường đá xanh dày, cánh cửa sắt đen ngòm nặng trịch, những chấn song sắt to bằng cổ tay, những người tù chỉ còn xương với da đi lao động khổ sai dưới sự khủng bố của roi gân bò, củ mây gai. Không gặp được ông Ninh vì lệnh cấm ngặt nhưng như thế cũng đã đủ để tác giả xác nhận với độc giả: “Nanh vuốt không có ở những người bị nhốt bên trong mà chính là của những hung tinh ác quỷ bên ngoài”.

“...Thác chôn bao bàng”

Sống

Sống mà vô dụng, sống làm chiSống chẳng lương tâm, sống ích gìSống trái đạo người, người thêm tủiSống quên ơn nước, nước càng khiSống tai như điếc, lòng đâm thẹnSống mắt dường đui, dạ thấy kỳSống sao nên phải, cho nên sốngSống để muôn đời, sử tạc ghi.

Khi Nguyễn An Ninh mất, một người tù đã lấy chiếc áo còn khá lành lặn của mình để thay cho ông. Và họ đã tìm thấy một bài thơ Sống và chết viết nguệch ngoạc trong túi áo ông. (Lê Minh Quốc)

Những câu chuyện được ghi chép tiếp theo là những câu chuyện có thể khiến những người yêu mến Nguyễn An Ninh cảm thấy thêm phần tự hào về ông

Một công chức ở văn phòng giám đốc đảo và đề lao, cũng là một người từng quen biết với ông Ninh từ trước, kể: chuyến tàu nào ra cũng có thư từ, vật thực, thuốc men của gia đình và dân chúng gửi cho ông Nguyễn An Ninh. Gói to, gói nhỏ, gói có tên, gói không có tên, và phần lớn là những cái tên xa lạ với Nguyễn An Ninh. Và “có cái gì ảnh giữ riêng xài một mình đâu, dù bị biệt giam nhưng mỗi lần nhận được quà ảnh đều góp chung với anh em...”. Có cai ngục thấy ông ốm yếu lại thiếu thốn đã khuyên nên giữ các gói thực phẩm để bồi bổ, ông cười: “Anh em còn nhiều người thiếu thốn hơn tôi. Vả lại cái gì mình muốn thì người khác cũng muốn vậy”. Một lần hiếm hoi được đưa dạo qua Sở Ruộng, mọi người thấy ông Ninh vội đi nhổ rau cải, rau muống mang cho. Dù đang ốm yếu, ông vẫn cố dang tay ôm về Banh II, hồ hởi nói với những người tù cấm cố: “Thuốc bổ đây! Thuốc bổ đây!”.

“Người tù thế kỷ” nổi tiếng của Côn Đảo, nhà văn - tướng cướp Sơn Vương Trương Văn Thoại, cũng từng là một cây bút của tờ La Cloche Fêlée, kể: một lần chứng kiến cảnh một người tù trẻ bị cai ngục đánh đến chết vì bẻ trộm hai trái chuối xanh, được bạn tù cuốn vào bao bàng mang chôn, ông Ninh đã ứa nước mắt cảm tác: Cảnh nào bằng cảnh Côn Nôn/ Sống nhờ gạo lứt, thác chôn bao bàng.

Ở Côn Nôn, Nguyễn An Ninh không diễn thuyết, không phát hành báo, nhưng phong cách sống của ông đã khiến “chẳng riêng tù nhân mà cả “thầy chú” cũng thương kính” (tít một bài báo trên Tiếng Dội Miền Nam - NV).

Những ngày kiệt lực, gặp những người bạn tù, ông nhắn một yêu cầu: được mặc bộ quần áo do gia đình gửi ra để ấm áp trong tình thương yêu của vợ con. Chúa ngục từ chối. Tù nhân và cả một số viên chức ở đảo xin vào thăm cũng bị cấm ngặt. Đêm ấy, ngày 14-8-1943 (nhằm 14-7 Quý Mùi), tác giả thiên phóng sự Nguyễn Ngọc Danh cùng một số người quen ngồi ở bờ biển xót xa, buồn hận mà nhắc chuyện ông Ninh từ chối làm chánh án cho chính quyền Pháp, ông Ninh tranh đấu, diễn thuyết, ông Ninh viết báo, mang báo đi bán, ông Ninh bán dầu cù là để gặp gỡ nhân dân... Chính vào lúc đó, trong ngục thất cô quạnh, ông Nguyễn An Ninh trút hơi thở cuối cùng. Ông mặc bộ đồ bà ba do anh em tù nhân may tặng, và cũng như những người tù khác, ông được chôn cất với hai chiếc bao bàng làm áo quan.

Trong hồi ký viết về “những năm tháng giá trị nhất đời mình”, giữa những trang ghi lại diễn biến như thác lũ của Cách mạng Tháng Tám 1945, giáo sư Trần Văn Giàu, nhà cách mạng lừng lẫy thời bấy giờ, đã buông một câu cảm thán thống thiết: “Anh Ninh! Anh không ráng sống thêm được hai năm nữa sao anh?!” đủ biết ông Ninh mất đi đã để lại sự trống vắng, mất mát như thế nào trong lòng những người đồng chí hướng.

Cái chết lặng lẽ, đau xót càng làm cho tinh thần yêu nước của Nguyễn An Ninh mạnh mẽ trong những người còn sống, như lời ông từng khẳng định. Ông Sơn Vương còn ghi lại: Khi ông Ninh lâm bệnh, quằn quại trong đau đớn, quan tư chúa ngục Tisseyre đến thăm chừng, ông Ninh mắng ngay: “Bọn thực dân các ông tưởng rằng giết tôi sẽ diệt được mầm sóng đấu tranh? Không đâu. Mất Ninh này sẽ có hàng trăm Ninh khác liên tục ra đời. Những Ninh tương lai ấy còn nhiều tài ba vượt trội và tinh thần yêu nước hơn tôi bội phần”.

Thương kính ông, những người tù đã cố gắng hết sức để ông có được một phần mộ đàng hoàng. Lời kể của ông Phan Văn Voi, một bạn tù của ông Ninh thời bấy giờ, về quá trình lập mộ được lưu trên tấm bia hôm nay không khỏi khiến người viếng thăm xúc động: “Năm 1944, anh em tù chánh trị được ra làm đường bên núi Chúa, bàn nhau nhanh chóng xây mộ ông Ninh. Từng viên đá được anh em đẽo vuông cạnh và giấu kỹ cho tới khi đủ số. Bèn hẹn nhau để lấy một nắm hồ, đưa đá về là xây ngay thành nấm mộ. Vài hôm sau bọn chúng đã huy động lính ra đập phá. Chúng tôi xây dựng lần thứ hai. Chúng lại đập phá. Lần thứ ba, chúng tôi dặn thợ hồ pha hồ thật già. Chúng đập nhưng không phá được. Chúng tôi lại sửa. Và ngôi mộ đá xanh của ông đã được giữ gìn cho đến ngày độc lập năm 1945”.

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên