TTCT - Nguyễn An Lý là dịch giả người Việt duy nhất từ trước tới nay có bản dịch được đưa vào xét Giải thưởng National Translation Award. Cô đã nhận giải thưởng này (hạng mục văn xuôi) vào sáng 12/11/2023, do Hiệp hội Dịch giả Mỹ trao. Dịch giả Nguyễn An Lý tốt nghiệp ngành văn chương, Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2007, hoàn thành thạc sĩ văn chương chuyên về hậu thuộc địa tại Đại học York, Anh vào năm 2010. Là trong làn sóng dịch thuật ở Việt Nam của thế kỷ 21, kể từ khi Việt Nam gia nhập công ước Berne và sự phát triển vượt bậc của các công ty xuất bản sách tư nhân. Tác phẩm dịch Việt - Anh đầu tay của cô, tiểu thuyết Chinatown của Thuận, được nhận PEN Translates Award, một quỹ hỗ trợ các bản dịch chưa xuất bản của English PEN; vào chung khảo của các giải Republic of Consciousness Prize for Small Presses và giải National Translation Award của Hiệp hội Dịch giả văn học Mỹ (ALTA), sơ khảo giải Warwick Prize for Women in Translation. Cuộc trò chuyện với TTCT dưới đây được thực hiện ngay trước khi kết quả giải thưởng National Translation Award được công bố, mà Nguyễn An Lý là dịch giả người Việt duy nhất từ trước tới nay có bản dịch được đưa vào xét giải. Theo kết quả công bố ngày 12-11 (giờ Việt Nam), Nguyễn An Lý đã thắng giải National Translation Award in Prose.Nhìn vào những đầu sách dịch Anh - Việt của chị, có thể thấy những tên tuổi lẫy lừng của văn đàn thế giới đương đại. Từ tác phẩm dịch đầu tay, Chuyện người Tùy nữ, chị đã tạo được ấn tượng khi dịch Margaret Atwood - một tác giả lớn. Chị chủ động chọn những tác giả lớn hay chị được mời dịch thuê, như hầu hết dịch giả dịch thuê trong giai đoạn văn học dịch bùng nổ hai thập kỷ qua?Con đường của tôi cũng truyền thống, bắt đầu là các sách được thuê, rồi dần dà mạnh dạn hơn một chút trong việc đề xuất bản thảo, đúng hơn là các đơn vị xuất bản tin tưởng hơn để lắng nghe đề xuất của tôi. Nói chung tôi cũng thuộc dạng trúng số khi những cuốn sách đầu tiên được giao (Chuyện người Tùy nữ, Dạ khúc) đều của tác giả lớn nhưng Việt Nam chưa biết mấy, chứ không thì không ai giao cho người dịch mới ra ràng. Sau này khi đã có thương hiệu cá nhân và mối quan hệ với các đơn vị xuất bản rồi thì tỉ lệ sách "được chọn" cũng cao hơn tỉ lệ "được thuê" một chút. Tôi cũng cảm thấy nhiều tự do hơn trong việc nhận hoặc lắc trước những dự án được mời.Hình thức lao động thuê (work-for-hire) như thế có những thuận lợi và khó khăn nào?Xét về phương diện kinh tế của hợp đồng thì cho đến giờ tất cả vẫn là work-for-hire, tức là người dịch có quyền nhân thân nhưng không có quyền sở hữu, quyền tài sản đối với bản dịch của mình. Thuận lợi có lẽ là giống như mọi "người làm thuê" khác, không phải lo lắng cho nó (về khía cạnh kinh tế), không có sức ép (kinh tế) phải tham gia quảng bá sách, vì nộp xong bản thảo là dứt tình với bản dịch (về mặt kinh tế). Khó khăn chủ yếu ở chỗ nộp xong bản thảo là không thể can thiệp được gì thêm nữa. Giả sử bây giờ Tàn ngày để lại có tuyệt bản, hoặc tôi muốn sửa chữa ở mức độ lớn mà NXB không có kế hoạch thì tôi cũng đành chịu. Dịch thuê vẫn là phương án áp đảo trong dịch thuật thương mại Việt Nam bây giờ, tốt hoặc xấu tùy vào mức độ ưa ẩn danh hay thích can thiệp của người dịch. Xét về mặt lao động thì như cách nói của K. Marx, nó có tạo ra một cảm giác tha hóa nhất định giữa người dịch với sản phẩm.Đọc tác phẩm dịch của chị, từ Tay sát thủ mù của Margaret Atwood, Con sẻ vàng của Donna Tartt tới của Kazuo Ishiguro, , tôi thấy những bản phiên rất khác nhau dù đó cùng là An Lý dịch. Cách tiếp cận văn bản gốc và thể hiện sự hiểu của mình (cả về nghĩa lẫn văn phong tác giả) và trình diễn lại trên văn bản dịch thay đổi như thế nào từ bản dịch đầu tiên đến bản dịch gần nhất của chị?Tôi vốn thuộc hệ người dịch bám khá sát bản gốc, có lẽ vì xuất phát điểm ngành học chuyên về văn chương và phân tích hình thức văn bản. Vì thế, thay đổi rõ nhất đối với tôi là sự thoát dần khỏi những cấu trúc câu của bản gốc để linh hoạt hơn trong tiếng Việt, nhờ học hỏi trong lúc biên tập bản dịch của những người tôi rất kính trọng như Lolita của Dương Tường, của Hoàng Đăng Lãnh hay Người hùng mang ngàn gương mặt của Thiên Nga.Trong thời kỳ đầu, tôi cố gắng dịch rất "văn hoa". Bản dịch như một bộ sưu tập những cách nói hiếm, những bay bổng thơ ca, những từ ngữ mà tôi sáng tạo (thường khiến biên tập viên rất bực mình!). Tôi nghĩ sẽ có nhiều người dịch đồng cảm khi tôi nói rằng những bản dịch đầu tiên khiến người ta muốn khoe hết vốn ngôn ngữ mà mình có, cũng giống như người viết khi bắt đầu muốn tạo dấu ấn khác hẳn những người viết khác vậy. Vì thế, khi sửa lại Tùy nữ để tái bản năm 2018 tôi đã nghĩ nếu mình dịch thời điểm này thì sẽ khác rất nhiều. Tôi nghĩ quá trình trưởng thành như một người dịch của tôi là đi từ bản dịch như một cách khẳng định cái tôi cho tới khi không còn nhu cầu về cái tôi, trấn áp cái tôi, tập trung nhìn nhận và đề cao những đặc thù của tác phẩm để có thể tạo ra một mặt nạ thích hợp. Làm như vậy khó hơn và khổ hơn (và chưa chắc đã thành công), nhưng đem lại khoái cảm lớn hơn nếu thành công. Tôi vẫn văn hoa, vẫn cãi nhau với biên tập viên để giữ lại những từ hay cách diễn đạt thoạt nghe có vẻ ngược tai, nhưng không phải "văn hoa vị văn hoa" mà chỉ khi phù hợp với yêu cầu cụ thể ở vị trí đó. Ngược lại, tôi biết chỗ nào cần đơn giản, tự nhiên, thậm chí thô thiển, tục tĩu, hoặc cẩu thả. Về cơ bản là biết nhận ra tỉ lệ phù hợp giữa "văn" và "tục" trong văn phong của từng văn bản cụ thể, và cố gắng tái tạo tỉ lệ phù hợp trong bản dịch.Chị có thể chia sẻ những khó khăn khi dịch Chinatown ra tiếng Anh?Trước hết tất nhiên là phải sử dụng một thứ tiếng không phải tiếng mẹ đẻ. Khi viết tiếng Việt tôi có thể khá tin tưởng rằng điều tôi nghe thấy trong sản phẩm cuối sẽ là điều hầu hết độc giả đều nghe thấy, nhưng sang tiếng Anh, dù có nghiên cứu và tỉa tót đến mức nào, tôi luôn cảm thấy cần một người đọc khác để "kiểm âm" giúp mình, khỏi để lọt những âm sắc hay liên tưởng không đáng có. Đây là vấn đề tâm lý nhiều hơn thực hành, nhưng tôi rất biết ơn vì trên đời có biên tập viên.Thứ hai là số lượng hạn chế của các bản dịch Việt - Anh trên thị trường, hay số lượng hạn chế nói chung của diễn ngôn bằng tiếng Anh về các khía cạnh của thực thể Việt Nam, khiến một lượng lớn các từ ngữ, khái niệm, diễn đạt… không có tương đương trong tiếng Anh, hoặc tôi cảm thấy những tương đương đã có không đủ sát và thích hợp với bối cảnh tôi đang cần. Tôi đã đi lần mò từ các bản dịch tác giả Việt viết về giai đoạn này cho đến các blog ẩm thực của dân expat Tây ở Việt, tới bài viết và website của cộng đồng Việt ở nước ngoài, nhưng vẫn sẽ có những điểm phải tự chế tạo ra cách dịch hoặc cách diễn đạt lại, và tới đây quay lại với khó khăn đầu tiên.Thứ ba, khá bất ngờ đối với tôi, đấy là việc nghiên cứu để hiểu về chính nền văn hóa của mình. Tôi đã nghĩ rằng câu chuyện và ngôn ngữ của Chinatown khá gần với tôi, nhưng vẫn vấp phải một vài chơi chữ, ám chỉ hay chi tiết lịch sử mà Google cũng bó tay. Lúc đó tôi mới hiểu dịch các "tác giả lớn" hoặc từ thứ tiếng đa số là một điều thuận lợi như thế nào với vô vàn tài liệu tham khảo, chỉ sợ không có sức mà đọc. Rất may, một điều khó có thể có khi dịch các "tác giả lớn", tôi đã được sự hỗ trợ nhiệt tình của tác giả, và của cả cha mẹ tôi đã sống qua giai đoạn này.Cuối cùng, là tìm cách lưu giữ tối đa các hiệu ứng phong cách trong bản gốc Chinatown. Điều đó tạo ra những căng thẳng nhất định trong cái khung tiếng Anh, theo đó là một cuộc mặc cả kỳ kèo từng câu một với bản thân, với các biên tập viên, với độc giả - những người không có điều kiện vác bản gốc ra đối chiếu dễ dàng như ở ta.Dịch sang tiếng Anh, dù có nghiên cứu và tỉa tót đến mức nào, tôi luôn cảm thấy cần một người đọc khác để "kiểm âm" giúp mình, khỏi để lọt những âm sắc hay liên tưởng không đáng có. Đây là vấn đề tâm lý nhiều hơn thực hành, nhưng tôi rất biết ơn vì trên đời có biên tập viên.Dịch giả Nguyễn An LýTừ kinh nghiệm cá nhân chị, người đã dịch Anh - Việt lẫn Việt - Anh, những điểm khác biệt là gì?Điều tôi nhận thấy ngay khi bắt tay dịch thử Chinatown là, bất chấp việc người Anh luôn tự hào về tính linh hoạt của tiếng Anh và cổ xúy sự đa dạng toàn cầu của "many Englishes" (nhiều loại tiếng Anh khác nhau), tiếng Anh thực chất là một ngôn ngữ "cứng" hơn nhiều so với tiếng Việt. Tiếng Việt của chúng ta ở thời điểm hiện tại là một thứ tiếng khá dẻo, nhờ nỗ lực không mệt mỏi của nhiều thế hệ người dịch từ chuyên nghiệp đến amateur. Tiếng Anh, do độ chặt chẽ trong ngữ pháp lẫn tập quán sử dụng, có một lực nội hóa cao hơn rất nhiều, ví dụ bản dịch ra tiếng Anh sách của Modiano và Lưu Từ Hân (Cixin Liu) sẽ gần nhau hơn nhiều so với hai bản dịch tương tự trong tiếng Việt. Ngoài lĩnh vực thơ ca hay văn xuôi thể nghiệm, tiếng Anh rất khó rộng lượng với những cố gắng của người dịch nhằm phá các khung có sẵn; ngay cả một người đọc rất mở về lý thuyết thì khi đọc bản dịch vang lên trong tai họ vẫn không tạo cảm giác là "good English".Tôi đã rất cố gắng mặc cả để bảo tồn phong cách tác phẩm trên bình diện vĩ mô, nhưng ở cấp độ câu văn, lực nội hóa đó đã chi phối tôi ngay từ những câu đầu tiên, và tôi hiểu vì sao nghiên cứu dịch thuật phương Tây hiện đại đã đưa ra chủ thuyết "người dịch phải là người viết sáng tạo". Tỉ lệ viết lại, "vong ngôn đắc ý" khi tôi dịch Việt - Anh cao hơn dịch từ các thứ tiếng khác ra tiếng Việt rất nhiều. Và để bật ra hết những tinh tế trong bản gốc có khi phải dùng những công cụ ngôn ngữ rất khác bản gốc. Nghịch lý là sự thiếu linh hoạt trong ngôn ngữ đích lại đòi hỏi sự linh hoạt cao hơn của người dịch, và khi dịch Việt - Anh, người theo trường phái bám gốc như tôi cảm giác phải học lại cách dịch từ đầu.Còn có một vấn đề tâm lý, khi là một người dịch thuộc nhóm thiểu số đong đưa giữa cảm giác nhược tiểu, tự thực dân hóa, và cảm giác dân tộc hay phản kháng quá đà. Có những phán xét lặng lẽ hay thành lời mà mình phải chịu khi người đọc nhìn thấy một cái tên "không trắng" trên bìa sách và tự khắc hình thành định kiến về chất lượng bản dịch. Và có những trông đợi rằng dịch giả phải làm người bắc cầu, người diễn giải, người cung cấp thông tin bản xứ, mà người dịch ở Việt Nam ít được/bị trông đợi khi đứng sau lưng NXB, có nhiều người khác có thể đóng các vai trò đó tốt hơn.Sau 3 năm cộng tác với các nhà xuất bản ở Anh và Mỹ, tham gia các liên hoan văn chương trong khu vực và thế giới, chị thu nhặt thêm được kiến thức như thế nào về thị trường sách nước ngoài, và các nhà xuất bản độc lập mà chị đang cộng tác? Vai trò của dịch giả ở thị trường văn chương Anh và Mỹ như thế nào, vô hình hay hữu hình?Trong chừng mực tôi quan sát được, có một khoảng cách rất rộng về tính hữu hình giữa trong và ngoài giới dịch ở Anh - Mỹ so với ở ta. Trong nội bộ giới dịch thuật, ý thức về sự buộc phải vô hình và do đó ý thức đấu tranh để hữu hình rất cao, ở cấp độ cá nhân cũng như tập thể. Có những dịch giả celebrity, viết sách, giảng dạy, triết luận (về dịch thuật và dịch phẩm của mình chứ không phải về văn chương hay các mặt khác). Các chương trình đào tạo, mối quan hệ thầy trò, những buổi giảng, giao lưu riêng cho dịch làm cho sự gắn kết cá nhân giữa các dịch giả, hoặc giữa dịch giả và độc giả sách dịch lên tới một mức mà Việt Nam khó tưởng tượng được. Và khi đọc những tạp chí, chuyên đề dịch như Asymptote hay Words Without Border, hay ở những chương trình như hội thảo thường niên của Hiệp hội Dịch giả văn học Mỹ tại Đại học Arizona mà tôi tham dự đầu tháng 11 này, ta có cảm giác các dịch giả văn học là một lực lượng hùng hậu chưa từng thấy, cool ngầu chưa từng thấy.Trái lại khi ra ngoài xã hội, dịch giả ở Anh - Mỹ vô hình hơn rất nhiều so với dịch giả Việt Nam vốn thường được lôi ra làm thế thân cho tác giả trong các hoạt động quảng bá. Tháng 6 năm nay khi The New York Times chạy loạt bài về sách dịch và bàn tròn dịch giả, giới dịch phản ứng một cách rất "senpai, notices me" (*), đặc biệt nếu ta nhớ chỉ vừa mới năm trước cũng NYT khi lên bài về sự vô hình của người dịch, các bình luận phần lớn đều theo giọng "dịch thì cứ ngồi ngoan mà dịch, lộng ngôn làm cái gì".Các bộ phận tiệm cận với dịch thuật (các NXB, báo chí, agency) thì khá chập chờn. Thị trường đọc tiếng Anh nổi tiếng là ít mặn mà với sách dịch nên các NXB hoặc báo chí thường có thói quen giấu nhẹm tên dịch giả (đặc biệt là các tên "không trắng") nếu không phải celebrity, để tạo ảo tưởng rằng đây là một cuốn sách viết nguyên bản bằng tiếng Anh, dẫn đến phong trào đấu tranh #NameTheTranslator mấy năm nay trên mạng xã hội. Trải nghiệm của tôi cũng phản ánh điều này: Tilted Axis Press, NXB độc lập Anh đặt hàng tôi dịch Chinatown, sẵn có chính sách đề tên dịch giả ở vị trí cố định trên bìa và dịch giả đặt ngang hàng với tác giả trên website của họ. Khi New Directions - một NXB rất lớn mua lại để phát hành ở Mỹ - họ hứa sẽ để tên dịch giả, nhưng rồi lại không để vì "sẽ làm hỏng thiết kế bìa". Tôi phải đấu tranh để được đề tên trên bìa.Tóm lại, vô hình hay hữu hình nhiều khi còn là vấn đề bạn đòi quyền lợi đến đâu, và chấp nhận rất có thể mang tiếng dịch giả rách việc.Kể từ tuyên ngôn dịch thuật đầu tiên (năm 1969) của P.E.N America - nơi các dịch giả đòi quyền lợi cho chính mình tới tuyên ngôn vừa ra mắt cách đây vài tháng, ta thấy vị thế của các dịch giả đã thay đổi rõ rệt: họ đấu tranh để được nhìn nhận là những người làm công việc sáng tạo. Để có được vị thế này, phải cảm ơn rất nhiều nỗ lực của nhiều nơi để ủng hộ các dịch giả ở Anh và Mỹ. Chị có những quan sát cụ thể gì về những hỗ trợ này, đặc biệt là sự chú ý dành cho các dịch giả da màu?Phần lớn hỗ trợ về tổ chức và đào tạo đến từ nội bộ giới dịch thuật. Có các hội thảo như hội thảo của ALTA, hội thảo thường niên nhân Ngày dịch thuật thế giới của English PEN, Trung tâm nghệ thuật dịch gắn với tạp chí/NXB Two Lines Press. Có các chương trình đào tạo như trường hè hằng năm của Trung tâm dịch văn học Anh (BCLT) thuộc Đại học East Anglia mà tôi có được học bổng theo học năm 2021, hay chương trình mentorship bắt tay chỉ ngón giữa người dịch kinh nghiệm và người dịch mới bắt đầu kéo dài gần một năm của BCLT, ALTA, phần lớn miễn phí hoặc cấp học bổng. Ngoài các nội dung trực tiếp về nghệ thuật dịch, mọi chương trình đều dành thời lượng đáng kể cho những bếp núc của nghề dịch như cách liên hệ NXB/agent (đại diện), có cả những agency cho người dịch, thương thảo hợp đồng, tìm nguồn tài chính, tư vấn đối diện các khó khăn về chính trị, tâm lý, đời sống của người dịch. Tôi lưu ý là rất nhiều tổ chức như vậy gắn với các trường, khoa đại học và các chương trình đào tạo dịch lấy bằng chính quy.Tài chính cho việc này một phần nhỏ là từ đóng góp của những người hảo tâm, người đọc, NXB, phí thành viên hay tham dự tình nguyện của các dịch giả. Một phần rất lớn là từ các quỹ văn hóa chính thức như English PEN (đã tài trợ xuất bản Chinatown), Arts Council England (hỗ trợ một lượng lớn các NXB nhỏ trong đó có Tilted Axis), PEN America, National Endowment for the Arts. Còn một phần quan trọng hơn nữa là từ các cơ quan văn hóa các nước. Đến cả Slovenia còn có những khoản tài trợ nhỏ để dịch sách của họ.Câu hỏi về dịch giả da màu của chị rất thú vị. Giống như vấn đề "hữu hình", điều này phụ thuộc độ cam kết xã hội của NXB hay tổ chức cụ thể. Tôi nghĩ mình được mời dịch (thử) Chinatown cũng là vì giai đoạn ấy Deborah Smith ở Tilted Axis bắt đầu thúc đẩy việc tìm dịch giả BIPOC (da màu) cho NXB của mình. Người kế nhiệm cô là Kristen Alfaro cũng rất tích cực giới thiệu tôi và các dịch giả da màu khác đi dự các festival văn học trong vùng, trong điều kiện tài chính cho phép. Một số NXB nhỏ ở Anh mà tôi biết làm chuyên về văn học một vùng hoặc thứ tiếng nào đó, như Honford Star làm văn học Đông Á, Praspar Press văn học Malta, sắp tới có thêm Major Books chuyên về văn học Việt Nam, họ đều cố gắng sử dụng người dịch bản địa để góp phần giảm bớt tình trạng vô hình kép của dịch giả "không trắng".Các chương trình đào tạo, hội thảo… mà tôi quan sát gần đây đều dành học bổng và các biện pháp hỗ trợ cho các nhóm thiểu số không chỉ da màu mà cả thiểu số về giới, đa dạng thần kinh, tật nguyền…, cùng những nguyên tắc cư xử đạo đức để chống kỳ thị, tạo không gian an toàn và thoải mái chung, và làm hữu hình hơn những tiếng nói thiểu số.“Tiền đề của Chinatown hứa hẹn nỗi sợ không gian hẹp: một phụ nữ Việt kẹt trong tàu điện ngầm Paris vì một chiếc túi đáng ngờ, có khả năng là bom. Dẫu vậy, cuốn tiểu thuyết của Thuận, đến với chúng ta qua cách tạo nhịp từ du dương, cuốn gọn của Nguyễn An Lý, lại không hề tĩnh tại: nào ai biết được mơ màng lại có thể nhanh đến thế, lại có thể giật gân đến thế? Ngầm dưới dòng chảy chữ, chờ đợi và cảm thấy cái nhìn khó chịu của những người dân Paris, người kể chuyện của chúng ta du hành qua những ký ức của mình – về con trai cô, về Hà Nội, về ông bố vắng mặt mà thằng bé luôn mong ngóng – và, bằng chuyến du hành đó, tặng cho chúng ta nỗi khuây khỏa của sự đè nén: ký ức đưa ta trở lại với cảm thức về chính mình, bất chấp mọi nghịch cảnh.” (Nhận xét của ban giám khảo Hiệp hội Dịch giả văn học Mỹ dành cho bản dịch Chinatown của Nguyễn An Lý)https://literarytranslators.wordpress.com/2023/11/11/...Là người Việt đầu tiên lọt vào chung khảo một giải thưởng dịch thuật danh giá của một ủy ban trao giải gồm toàn những chuyên gia (Hiệp hội Dịch giả văn học Mỹ), chị suy nghĩ gì về một vấn đề đau đáu của rất nhiều người về văn học Việt: Liệu văn học Việt Nam có khả năng có vị thế gì trên thế giới không và cần những gì để độc giả khi nhắc đến văn học Việt có thể tìm đọc, ngoài Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh?Trong một festival ở Thái tháng 6 vừa rồi, một phó giáo sư ngành dịch người Thái ôn lại thời kỳ LTI Korea mới thành lập, không phải bản dịch nào cũng tốt và không phải sách nào cũng gây tiếng vang, nhưng giờ Hallyu trong văn học đã trở thành không thể phủ nhận. Văn học Hàn đã có một "aura" mà văn học các nước Đông Nam Á không hề có trên trường thế giới. Nhưng khi phó giáo sư này đặt vấn đề với Chính phủ Thái xây dựng một chương trình tương tự thì vấp phải sự ngại ngần: sách nào, ai dịch, tiền đâu ra mà dịch, không bán được thì sao...Khi Tilted Axis chọn làm Chinatown, tôi và cả tác giả đều có rất ít kỳ vọng, nhưng sự tiếp nhận của giới phê bình, một vài giải thưởng mà nó đã lọt vào vòng trong, và những tranh cãi ác liệt trên Goodreads giữa phe 5* và phe 1* khiến tôi nhận ra văn học Việt Nam có thể tiếp thị được về mặt văn chương chứ không chỉ chiến tranh, nghèo khổ, đói kém. Nhưng mặt khác, không có cái gọi là hữu xạ tự nhiên hương, chút tiếng vang ấy có được nhờ tên tuổi của Tilted Axis trong các giới đọc sách tiến bộ Anh, uy tín và kết nối báo chí của New Directions Mỹ, và các nỗ lực quảng bá, đi tour, trả lời phỏng vấn của tác giả và tôi cùng sự giúp đỡ của các bạn bè yêu mến chúng tôi.Khó mà nói văn học Việt Nam có khả năng có vị thế trên thế giới không nếu thế giới chưa hề có khái niệm về "văn học Việt Nam" như một thực thể. Năm 2023 nhiều bạn đọc của Chinatown mà tôi gặp nói rằng đây là lần đầu tiên họ đọc văn học Việt, còn lại khá lắm thì biết Bảo Ninh, Vũ Trọng Phụng, có khi họ coi đại diện của "văn học Việt" là Viet Thanh Nguyen, Ocean Vuong, Nguyễn Phan Quế Mai - những tác giả viết bằng tiếng Anh. Việt Nam đã xây dựng được "aura" trong du lịch, ẩm thực và có thể một vài mặt khác, nhưng văn chương Việt Nam dịch sang tiếng Anh hiện giờ vẫn chết gí trong các tủ sách trường đại học, các nhóm đọc sách expat ở Việt Nam, vài NXB hoặc tạp chí mạng. Sách dịch Việt Nam hiện giờ chủ yếu đến từ các nhà nghiên cứu (người Việt hoặc không), vận động cá nhân của các nhà văn, sự yêu mến của một vài người bạn, hoặc ngẫu nhiên may mắn như tôi. Những chương trình hệ thống một chút để dịch sách Việt Nam có lẽ có NXB Trẻ và hội đồng văn học dịch của Hội Nhà văn TP.HCM ra đời năm ngoái, nhưng ở thời điểm hiện tại vẫn chưa có dấu ấn rõ nét. Những điều này không có gì mới, rất nhiều người am hiểu hơn tôi và hoạt động trực tiếp trong lĩnh vực này đã nói nhiều hơn tôi, từ nhiều năm nay, và giờ vẫn tiếp tục nói đúng những điều này.Mọi nỗ lực riêng lẻ đều đáng quý, nhưng sẽ èo uột và chết yểu nếu không có sự đầu tư chính thức, bền vững, kiên trì. Rất nhiều nơi sẵn lòng tạo điều kiện về tổ chức, có nhiều NXB sẵn lòng tạo không gian cho sách dịch Việt, nhưng chiến lược lâu dài chỉ có thể trông vào Nhà nước hoặc các đại doanh nghiệp chứ không thể nhờ các dịch giả tài hèn sức mỏng hay NXB trong nước vốn đã đau đầu với bài toán kinh tế.■(*) Độc giả nào có chút bối rối với cụm từ này, xin mời ghé vào thế giới manga và cộng đồng fan hâm mộ của thế giới ấy. Nguyễn An Lý, sống tại TP.HCM, có hơn 15 năm kinh nghiệm dịch Anh - Việt. Cô đã xuất bản hơn 20 bản dịch với nhiều bút danh khác nhau, ở nhiều thể loại, gồm những tác giả như Margaret Atwood, George Orwell, Kazuo Ishiguro, Borges, và phần thơ trong Chúa tể những chiếc nhẫn. Cô cũng là người biên tập bản dịch tiếng Việt các tác phẩm của Nabokov, A. S. Byatt, Barthes, Joseph Campbell, Viet Thanh Nguyen, và Lưu Từ Hân, v.v. Chinatown của Thuận là bản dịch tiếng Anh đầu tay của cô, và bản dịch một tiểu thuyết khác của Thuận của cô cũng sẽ sớm được xuất bản. Cô là đồng sáng lập và đồng chủ biên trang web văn chương Zzz Review. Tags: Nguyễn An LýDịch giả Nguyễn An LýAn LýDịchDịch thuậtDịch văn chươngSách dịchDịch giảChinatownNhà văn Thuận
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Đua theo ‘cơn sốt’ ăn táo đỏ, những ai không nên ăn? ĐOÀN NHẠN 22/11/2024 Nhiều người đang theo trào lưu mua táo đỏ trên mạng để ăn hằng ngày, nhưng cần lưu ý cách dùng đúng để đạt công dụng và tránh bất lợi.
Bà Tôn Ngọc Hạnh trở thành bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước A LỘC 22/11/2024 Bà Tôn Ngọc Hạnh, 44 tuổi, được điều động, chỉ định làm tân bí thư Tỉnh ủy Bình Phước và là bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước hiện nay.
Khám xét nơi ở và làm việc của viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM ĐAN THUẦN 22/11/2024 Ngày 22-11, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã thi hành lệnh khám xét nơi làm việc và chỗ ở của ông Huỳnh Nguyễn Lộc, viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM.
Gần 150 bộ hài cốt ở phố Tây Sơn không phải của binh lính nhà Thanh PHẠM TUẤN 22/11/2024 Ngày 22-11, nhà chức trách cho biết gần 150 bộ hài cốt phát hiện trên phố Tây Sơn, Hà Nội là của người dân bình thường, được chôn cất ở đây từ 50-70 năm.