Nguồn: The Guardian - Dữ liệu: Duy Linh - Đồ họa: T.ĐẠT
Trong khi đó, các nguồn thạo tin của báo New York Times tiết lộ Mỹ sắp triển khai hàng ngàn quân đến các nước Baltic và Đông Âu giữa lúc Mỹ và Anh ra lệnh rút một số nhân viên ngoại giao ở Ukraine về nước.
Thông tin nhiễu loạn
Mỹ và các đồng minh cho thấy họ đã rút ra được bài học kinh nghiệm sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine năm 2014. Nuôi hy vọng ngăn chặn được các kế hoạch phiêu lưu quân sự tiềm tàng của Nga, Mỹ và châu Âu đã liên tục cố gắng "phơi ra" các chiến thuật can thiệp của Matxcơva.
Bắt đầu bằng các hình ảnh vệ tinh về những doanh trại của Nga gần biên giới Ukraine, các thông tin mà Mỹ và đồng minh trưng ra trong vài tuần trở lại đây đã theo hướng chỉ có Nga mới có thể kiểm chứng mức độ đúng sai của chúng.
Mới đây nhất là thông tin do Anh tung ra hôm 22-1, trong đó London cho rằng Matxcơva sẽ "xâm lược" Ukraine và dựng lên một chính phủ bù nhìn tại Kiev. Dựa trên "các đánh giá tình báo", cơ quan ngoại giao Anh cũng nêu ra một loạt "ứng cử viên" cho ghế tổng thống chính phủ bù nhìn.
Thông tin lập tức dấy lên sự phản đối của Nga, sự tranh cãi và hoài nghi trên mặt báo phương Tây về ý định thật sự của Anh và mức độ khả tín của thông tin.
Yevhen Murayev, cựu nghị sĩ Ukraine bị London điểm danh trong danh sách các ứng viên tổng thống bù nhìn, đã chế giễu thông tin của Anh là "thuyết âm mưu ngu ngốc". Ông phản bác mọi cáo buộc đang qua lại với tình báo Nga và chỉ ra việc đã bị Matxcơva cấm nhập cảnh từ năm 2018 nên không có chuyện Nga lại nâng đỡ ông làm lãnh đạo tương lai của Ukraine.
Washington, dù không bình luận trực tiếp về điều này, đã có động thái củng cố bằng thông báo sẽ di tản gia đình các nhân viên ngoại giao ở Ukraine về nước.
Động thái của Washington diễn ra ngay trước thềm một cuộc họp của các ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) ngày 24-1, vốn được kỳ vọng sẽ giúp Mỹ và EU thống nhất thời gian và biện pháp đáp trả nếu Nga tấn công Ukraine. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken dự kiến sẽ tham dự theo hình thức trực tuyến và có thể chia sẻ các thông tin tình báo cho EU, theo kỳ vọng của một số nhà ngoại giao châu Âu.
Vũ khí đổ về "điểm nóng"
Sau sự kiện Crimea và cuộc nổi dậy của quân ly khai miền đông, quan hệ giữa Ukraine và Nga - hai nước từng cùng thuộc Liên Xô (cũ) - bị bao trùm bởi bầu không khí tiêu cực. Việc chính quyền Ukraine muốn ngả hẳn về phương Tây thể hiện mong muốn gia nhập EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có thể xem là một canh bạc mạo hiểm.
Vũ khí từ Mỹ, Anh và các nước Baltic đã đổ về Ukraine sau lời kêu gọi của Kiev nhằm củng cố sức mạnh quân sự của nước này trước một cuộc "xâm lược" tiềm tàng của Matxcơva. Người Anh nổi lên như một trong những bên cung cấp khí tài nhiều nhất.
"Vương quốc Anh đang tạo ra sự khác biệt với Đức hay Pháp và ở một mức độ nào đó thậm chí cả Mỹ. Điều đó xuất phát từ Brexit và cảm giác rằng ‘chúng ta phải xác định mình là một cường quốc hạng trung độc lập’" - ông Malcolm Chalmers, phó giám đốc của Royal United Services Institute, một viện nghiên cứu tại Anh, nhận xét trên báo New York Times.
Truyền thông và giới phân tích Anh không mấy tin vào những tuyên bố hay cảnh báo Matxcơva cứng rắn của London mà cho rằng đây là một nỗ lực đánh lạc hướng sự chú ý khỏi những bê bối của chính phủ. Thậm chí, có ý kiến kêu gọi Anh nên đứng ngoài cuộc và đây không phải là thời điểm để châm ngòi cho một cuộc chiến trên lục địa.
Mặc dù luôn tránh đưa ra một tuyên bố trực tiếp về việc sẽ bảo vệ Ukraine, Mỹ và đồng minh đang cân nhắc việc bố trí lại binh lực. Các quan chức không nêu tên tiết lộ vào cuối tuần qua, lãnh đạo Lầu Năm Góc đã trình Tổng thống Joe Biden các kế hoạch triển khai từ 1.000 đến 5.000 quân tại các nước Baltic và Đông Âu, thậm chí gấp 10 lần số này nếu tình hình xấu đi.
Tại Kiev, việc đó có thể hiểu như một động thái răn đe Nga và tương lai xa là bảo vệ nước này. Số vũ khí phương Tây gửi cho Ukraine phần lớn mang tính phòng thủ, chủ yếu là vũ khí chống xe tăng và phòng không theo các thông tin công khai. Tuy nhiên không loại trừ khi tình hình nóng lên, các loại khí tài hạng nặng có thể xuất hiện tại Ukraine.
Việc Nga sẽ làm gì cho đến giờ vẫn là ẩn số gây tranh luận trong giới phân tích. Quân đội Nga, cùng với tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander, đã đến Belarus vào tuần trước. Các chiến đấu cơ tiên tiến Su-35 dự kiến sẽ đến vào tháng 2 cho cuộc tập trận chung với Belarus, sự kiện mà phương Tây nghi ngờ là kế nghi binh của Matxcơva.
Nga cáo buộc phương Tây gây căng thẳng
Ngày 24-1, Điện Kremlin cáo buộc Mỹ và các đồng minh gây leo thang căng thẳng khi công bố kế hoạch tăng cường các lực lượng NATO tại Đông Âu và cho di tản gia đình của các nhà ngoại giao Mỹ ở Ukraine.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết khả năng xung đột quân sự ở miền đông Ukraine do phía Ukraine khởi xướng đang cao hơn bao giờ hết. Ông Peskov cho biết Ukraine đã triển khai binh lính đến gần biên giới với khu vực do quân ly khai thân Nga kiểm soát với ý định muốn tấn công. Tuy nhiên, Ukraine đã bác bỏ cáo buộc này, theo Hãng tin Reuters.
Hãng tin Sputnik dẫn lời Bộ Ngoại giao Nga cáo buộc phương Tây lợi dụng Ukraine như công cụ để thúc đẩy lợi ích, gây bất ổn tại khu vực và tung ra các cáo buộc nhắm vào Matxcơva.
Theo đó, các nước phương Tây luôn cần những lý do để liên tục đưa ra các lệnh trừng phạt với Nga và dùng Ukraine theo cách đó, bất chấp thực tế không có chứng cứ nào cho thấy "sự đe dọa" của Nga như các cáo buộc của họ.
ANH THƯ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận