Như vậy, chỉ còn hơn một năm để triển khai thói quen phân loại rác.
Theo nghị định 45 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cũng quy định sau ngày 31-12-2024, người dân không phân loại rác thải sinh hoạt sẽ bị phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Thực tế đến nay đã chuẩn bị được gì trước các mục tiêu, cột mốc này?
Phân loại rác: ai cũng biết, nhưng...
Ghi nhận của phóng viên Tuổi Trẻ tại nhiều khu dân cư, điểm tập kết rác ở một số quận nội thành Hà Nội, người dân vẫn chưa phân loại tại nguồn theo "hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt" mới được Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành ngày 2-11.
Bà Trần Hồng Hải (42 tuổi, chủ một cửa hàng ăn ở đường Duy Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay bà đọc báo thấy có hướng dẫn phải phân loại rác nhưng mọi người ở đây vẫn chưa làm theo.
Theo hướng dẫn thì mỗi hộ gia đình phải có ba thùng chứa rác, tuy nhiên điểm tập kết chưa bố trí các xe riêng để thu gom, vận chuyển. Bà Lan (46 tuổi, nhân viên công ty môi trường) cho hay tại điểm tập kết rác bà thu gom ở đường Duy Tân, người dân vẫn bỏ lộn xộn.
Nhiều khi đi thu gom phải cãi nhau tay đôi với người đổ rác bậy. Có thùng bỏ rác ở điểm tập kết mà người dân vẫn vứt rác xuống lòng đường thì nói gì đến việc phân loại từ nhà.
Khảo sát tại một số chung cư mới đi vào hoạt động được vài năm ở quận Nam Từ Liêm, nhà chứa rác đã có hai thùng thu gom với màu sắc khác nhau.
Tuy nhiên, bà Lê Thị Hoàn (69 tuổi) thừa nhận chưa biết rõ loại rác nào thuộc "hữu cơ" và loại nào thuộc nhóm "vô cơ". Vì thế, dù ban quản lý tòa nhà đã bố trí hai thùng để phân loại nhưng phần rác vẫn được thu gom tổng hợp ở các căn bộ.
Tại TP.HCM, phân loại rác không phải là mới, vấn đề này đã kéo dài gần 20 năm nhưng chưa đạt được kết quả như mong đợi. Và từ nay tới thời hạn bộ yêu cầu chỉ còn hơn một năm, liệu chuyện phân loại rác có bị "vỡ trận"?
Ở TP.HCM hiện nay việc phân lại rác cũng khá ì ạch dù đã thực hiện thí điểm từ lâu. Dễ dàng bắt gặp hình ảnh rác thải bị dồn chung lại vào một túi, thùng xốp... và để trước nhà chờ người thu gom đến lấy.
Ông Nguyễn Đức Hiếu (63 tuổi, ngụ phường 13, quận Gò Vấp) cho biết gia đình ông rất ủng hộ kế hoạch phân loại rác thải và đã phân ra hai loại.
Tuy vậy, ông Hiếu nhận định việc phân loại rác vẫn chưa đạt hiệu quả. Ngay tại khu ông sống có nhà phân loại có nhà thì không, hoặc phân loại rồi cuối cùng rác vẫn bị dồn chung vào xe thu gom và xem như công cốc.
Còn bà Tịnh (ngụ phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, TP.HCM) bày tỏ chính gia đình bà đã từng phân loại rác thải theo hai nhóm là rác thực phẩm và rác có thể tái chế.
Tuy nhiên, khi đơn vị gom rác đến thì lại xổ từng bao rác ra thùng chứa. Việc này chẳng khác gì trộn lẫn hoàn toàn các loại rác lại, biến việc phân loại rác của người dân trước đó trở nên vô nghĩa.
Trách nhiệm thuộc các địa phương
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hồ Kiên Trung, phó cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho biết bộ vừa có hướng dẫn nhằm định hướng các địa phương ban hành quy định cụ thể vì rác thải phải tùy vào từng loại, đặc tính, hạ tầng kỹ thuật thu gom.
Hướng dẫn được dành cho ba loại rác là rác có khả năng tái sử dụng, tái chế; rác thực phẩm; rác sinh hoạt khác và chính các địa phương phải ban hành chi tiết hướng dẫn để người dân thực hiện.
Theo các chuyên gia, nếu không chuẩn hóa lực lượng thu gom, phương tiện thu gom, công nghệ xử lý thì việc phân loại rác tại TP.HCM sẽ không thể thành công.
Tiến sĩ Phạm Viết Thuận, viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường TP.HCM, nhận định TP.HCM hoàn toàn có thể làm được việc phân loại rác nếu đáp ứng được một số yếu tố sau:
Thứ nhất, TP.HCM cần chuẩn hóa lực lượng thu gom rác dân lập về thông tin cá nhân, thuộc thành phần nào quản lý, sức khỏe và trình độ.
Việc này nhằm đáp ứng yêu cầu khi thu gom và phân loại. Kể cả lực lượng thu gom rác các công ty công ích quận huyện cũng phải làm điều này.
Thứ hai, phải chuẩn hóa phương tiện thu gom. Bao năm qua TP.HCM nói nhiều về chuyển đổi phương tiện nhưng chưa đáp ứng được dẫn đến việc có phân loại tại nguồn thì khi thu gom cũng đổ gộp vào chung.
Cần chuẩn hóa nghiêm túc dưới sự giám sát của các lực lượng chức năng. Nếu đảm bảo tính đồng bộ về phương thức thu gom tiến tới thu gom theo ngày chẵn lẻ đối với các loại rác thì mới hiệu quả. Đồng thời phải tổ chức tuyên truyền cho tất cả người dân hưởng ứng phong trào phân loại rác theo quy định.
Cuối cùng là nâng cao vai trò quản lý nhà nước ở cấp phường xã, quận huyện về phân loại và thu gom. Chính phường xã phải giám sát tốt việc phân loại rác từ người dân tới lực lượng thu gom, có chế tài nếu còn hiện tượng trộn lẫn rác thải trong quá trình thu gom dù người dân đã phân loại.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Anh, phó trưởng khoa luật Đại học Kinh tế TP.HCM, nhận định đúng như phản ánh của người dân là chưa có sự đồng bộ giữa các khâu thu gom rác.
"Khi tôi đi tuyên truyền ở nhiều nơi, nghe người dân nói là đã có phân loại rác nhưng bên thu gom rác cũng dồn lẫn lộn lại.
Thứ hai, theo quy định phải có các thùng đựng từng loại rác riêng mà thực tế thì nhà ở TP.HCM chật, nếu vậy rất chiếm diện tích nên người dân thấy... phiền", bà Anh đưa ra vài ví dụ gây cản trở việc phân loại rác.
Không tăng tốc sẽ "vỡ trận"
Bà Anh cho rằng tới 31-12-2024 là thời hạn chậm nhất thực hiện phân loại rác thành ba loại thì bây giờ TP.HCM phải có động thái mới kịp tiến độ. Bà cho biết thêm đã nói chuyện với bên thu gom rác thì nhiều người nói không có ai yêu cầu phải phân loại.
Vì vậy, TP.HCM phải có chính sách để triển khai, thực hiện dần Luật Bảo vệ môi trường. Phải cứng rắn trong việc rác được phân loại mới thu gom, còn không thì không thu gom. Từ đó, người dân sẽ dần thay đổi thói quen và kịp theo tiến độ luật quy định.
Về vấn đề xe thu gom, bà Anh đánh giá TP.HCM cũng không thể đặt nặng vấn đề cải tiến xe thu gom rác vì nếu làm đúng quy chuẩn (xe lớn, loại ép rác) thì tốn rất nhiều kinh phí.
Với các hẻm nhỏ ở TP.HCM thì xe đúng quy chuẩn không thể đi vào được. Trong khi đó, người dân có thói quen mang rác để trước cổng nhà, không đem đến điểm tập kết.
Do đó, TP có thể dùng kiểu xe tải nhỏ hoặc xe ba gác có che đậy để giảm mùi hôi. Đặc biệt có thể áp dụng chia lịch ra để lấy rác từng loại, thông báo chính thức đến các hộ gia đình về lịch lấy rác.
Ví dụ thứ hai, thứ tư, thứ sáu gom rác thực phẩm (nhóm không tái chế được), còn lại là gom rác tái chế được. Sau đó, các xe nhỏ gom về điểm tập kết rác, trạm ép rác để xe lớn chở đi.
Với nhóm rác thứ 3 (nhóm rác khác, nhóm rác nguy hại) thì hiện nay TP chưa có hướng dẫn cụ thể. Do đó chúng ta có thể gom tạm thời chuyển đến các điểm phường, quận nhờ hỗ trợ gom giúp.
Điều quan trong nhất hiện này là cơ quan chức năng phải thực hiện nghiêm 1-2 tháng, có răn đe bằng chế tài thì mới hình thành thói quen cho người dân.
Người dân sẽ phân loại rác, nếu...
Ông Nguyễn Đình Thọ, viện trưởng Viện Chiến lược - chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho biết Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, nghị định 08, thông tư 02 đã nêu rất rõ trách nhiệm phân loại thuộc về các địa phương.
Theo ông Thọ, việc phân loại không phải là vấn đề lớn mà các địa phương phải chuẩn bị hạ tầng để phân loại, thu gom, vận chuyển, lưu trữ, xử lý, tái sử dụng, tái khai thác chất thải đó mới là vấn đề quan trọng.
Ví dụ người dân đã phân loại nhưng công ty thu gom có tiếp tục phân loại nữa không? "Người dân đã tin tưởng rác sẽ được chuyển đi theo đúng ba luồng. Tôi tin chắc là chỉ cần tuyên truyền thôi bà con sẽ làm theo. Nếu nói do thói quen của người dân thì không sai nhưng thực tế họ chưa có niềm tin vào hệ thống thu gom, xử lý rác", ông Thọ nhận định.
Cũng theo ông Thọ, các địa phương cần nhìn vào "điểm sáng" trong phân loại rác để học hỏi lẫn nhau.
Ví dụ TP Hội An (Quảng Nam) thu gom rác hữu cơ và vô cơ theo ngày chẵn, lẻ hay nhiều khu chung cư và trường học ở Hà Nội đã bố trí hai thùng chứa để phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn. "Trong suốt ba năm qua hầu như nhiều địa phương không có sự chuẩn bị.
Đáng ra đến thời điểm hiện tại trước cửa nhà dân, trường học, bệnh viện, nơi công cộng, khu đô thị phải có ba thùng chứa rác. Khi người dân phân loại được rác thì phải có đơn vị tái chế. Nếu không có đơn vị tái chế, làng nghề mọc lên lại tiếp tục ảnh hưởng đến môi trường", ông Thọ nói.
Chưa coi rác thải là tài nguyên
Theo ông Hồ Kiên Trung - phó cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, hiện một số địa phương như Đà Nẵng, Hải Phòng làm rất tốt phân loại rác thải sinh hoạt.
Đà Nẵng đã có đến 85% hộ gia đình phân loại (tái chế và không tái chế), còn Hải Phòng đã phân thành ba loại nhờ có sự vào cuộc của cả chính quyền địa phương, công ty môi trường, người dân trong việc tìm đầu ra cho rác thải, chủ động không cần chờ hướng dẫn của bộ.
Có công ty còn thu gom vỏ dừa làm viên đốt xuất khẩu đi nước ngoài. Trong khi hiện nhiều lãnh đạo tỉnh vẫn chưa coi chất thải là nguồn tài nguyên nên chưa có đầu ra.
Sắp tới chúng ta muốn xuất hàng hóa đi các nước thì phải chứng minh được giảm thiểu carbon. Vậy nếu cứ đốt hết và việc phân loại không còn tác dụng thì lấy đâu ra tỉ lệ tái chế để giảm thiểu carbon?", ông Trung bày tỏ.
Biến rác thành tài nguyên có lợi cho đất nước và từng hộ gia đình
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, nói phân loại rác ở các nước trên thế giới đã triển khai từ hàng chục năm trước.
Nhiều quốc gia đã biến rác thải thành tài nguyên thành công, đem lại lợi ích cho đất nước và từng hộ gia đình. "Đã đến lúc chúng ta biến rác thành tài nguyên, góp phần phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn", ông Doanh nói.
Để thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt, theo ông Doanh, các địa phương phải tập huấn, tuyên truyền rộng rãi ở từng khu phố để người dân nhận thức được trách nhiệm cần bảo vệ môi trường và tận dụng được nguồn tài nguyên từ rác.
Bên cạnh đó phải đầu tư hạ tầng từ thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý. Nhân rộng những mô hình hay, ý tưởng tốt và tạo cơ chế hấp dẫn để thu hút doanh nghiệp tham gia xử lý, tái chế rác thải.
"Tất cả phải được thực hiện đồng bộ, có lộ trình định hướng cụ thể cho từng giai đoạn nhất định.
Trong đó, các địa phương phải đặc biệt quan tâm đến hạ tầng thu gom rác. Ví dụ một nơi thu gom rác đã được phân loại đặt ở vị trí dễ nhìn, sạch đẹp thì không ai dám đổ trộm, đổ bậy rác ra những nơi đó...", ông Doanh cho hay.
Trong khi đó, nhiều năm qua Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM đã đầu tư công nghệ mới để biến rác thành tài nguyên, thành các nguồn nguyên liệu.
Công ty đang thí điểm một mạng lưới thu gom và xử lý tái chế rác thải sau phân loại từ chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn của TP.
Theo đó, rác được phân loại theo hướng dẫn từ các chủ nguồn thải, người dân sẽ được đưa về các trạm của công ty để được thu hồi và mua lại trên cơ sở ngang giá với thị trường.
Đơn vị này sẽ chuyển về các nhà máy/các đơn vị có nhu cầu để làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất, tái chế thành các sản phẩm khác. Hiện hoạt động thí điểm thu được 3-5 tấn rác thải tái chế mỗi ngày.
Đối với tro xỉ từ việc đốt rác, công ty này đã nghiên cứu để sản xuất gạch không nung, tấm đan, gạch lót đường vỉa hè... phục vụ lại cho hoạt động nội bộ công ty.
Về lâu dài, công ty đề xuất xây dựng trung tâm xử lý và tái chế rác thải tại TP.HCM. Tại trung tâm này, đầu vào là rác thải, đầu ra sẽ trở thành nguồn nguyên liệu cho dây chuyền sản xuất khác, lấp đầy khoảng trống trong các hệ sinh thái công nghiệp và giảm thiểu lượng rác thải.
Trong lúc đợi các nhà máy đốt rác phát điện hoàn thành tại Công ty Tâm Sinh Nghĩa và Công ty cổ phần Vietstar cũng xử lý rác theo hình thức phân loại rác để tái chế, sản xuất phân compost và đốt rác.
Đối với Công ty Tâm Sinh Nghĩa, công suất xử lý rác từ 1.000 - 1.500 tấn/ngày, trong khi Vietstar công suất khoảng 1.200 tấn/ngày. Rác sẽ được tách chuyển ra nhiều dòng rác khác nhau như rác hữu cơ dễ phân hủy, rác khó phân hủy, phế thải dẻo, kim loại, đất, đá.
Đối với rác hữu cơ dễ phân hủy được đưa đi ủ để chuyển hóa thành mùn hữu cơ, sản xuất phân vi sinh. Lượng rác khó phân hủy chuyển qua phân xưởng lò đốt, phần còn lại là phế liệu, phế thải dẻo.
Làm thử 17 năm vẫn chưa thấy hiệu quả
Hiện nay, mỗi ngày ước tính TP.HCM thải ra gần 10.000 tấn rác các loại, chủ yếu là rác thải sinh hoạt.
Từ năm 2006, chương trình phân loại rác tại nguồn đã được TP.HCM triển khai thí điểm nhưng do không đồng bộ từ người dân, đơn vị thu gom, vận chuyển, đơn vị xử lý nên chương trình đã không thành công.
Đến năm 2011, TP.HCM triển khai trở lại, TP quyết định phân loại rác thành ba loại nhưng một lần nữa không đạt được kết quả khi hạ tầng xử lý, thu gom vẫn chưa đồng bộ, hoàn thiện.
Sau đó, TP.HCM đã triển khai kế hoạch phân loại rác tại nguồn thành hai loại theo quyết định 09/2021 của UBND TP. Việc phân loại này phù hợp với lộ trình chuyển đổi công nghệ xử lý rác từ chôn lấp sang đốt rác phát điện.
Theo phương án này, rác sẽ được phân loại thành rác tái chế được và rác còn lại. Đến khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực từ năm 2022, khi triển khai thì Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu phân loại thành ba loại là rác có khả năng tái sử dụng, tái chế; rác thải thực phẩm; rác thải sinh hoạt khác.
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết hiện tại đã có văn bản tham mưu cho UBND TP về phương án phân loại rác tại nguồn.
Trong lúc chờ ý kiến chỉ đạo, TP.HCM vẫn áp dụng phân loại rác thành hai loại như mọi khi. Về việc phải phân làm ba loại rác, vị này cho rằng mọi việc đều sẽ có khó khăn ban đầu nhưng buộc phải tuân thủ theo quy định của pháp luật.
Tái chế rác nhìn từ Đức và Thụy Điển
Theo tạp chí Sustainability, Đức đang dẫn đầu thế giới về quản lý và tái chế rác thải khi tái chế tới 70% tổng lượng rác thải được tạo ra, giảm tổng lượng rác thải xuống 1 triệu tấn mỗi năm.
Đức đã triển khai hệ thống hoàn tiền cọc (DRS) với người mua hàng. Theo đó, những chai nhựa và thủy tinh có thể tái chế sẽ được dán nhãn phù hợp, người tiêu dùng khi mua sẽ phải trả một khoản đặt cọc từ 0,08 - 0,25 euro tùy loại chai.
Tiền cọc sẽ được hoàn lại khi họ đem trả vỏ chai, hầu hết ở máy thu gom tự động. DRS đã được chứng minh là giải pháp quản lý rác thải thành công khi tỉ lệ hoàn cọc ở Đức lên tới 98,4%.
Đức cũng mới sửa đổi kế hoạch và từ năm 2024, người mua sẽ phải đặt cọc cho bao bì sữa và các chế phẩm từ sữa.
Năm 1991, Đức thông qua pháp lệnh bao bì (thay thế bằng Đạo luật Bao bì vào năm 2019), đưa ra yêu cầu ràng buộc với các nhà sản xuất về việc tái chế và thu hồi bao bì. Cùng năm đó, Đức áp dụng hệ thống Chấm Xanh (Green Dot), buộc các nhà sản xuất phải dán nhãn màu xanh lá cây trên bao bì, nghĩa là nó phải được các cơ sở tái chế chấp nhận.
Để sử dụng nhãn dán này, họ phải trả một khoản phí cho hệ thống kép của Đức (DSG) về thu gom rác thải, mức phí là khác nhau dựa trên trọng lượng, vật liệu được sử dụng trong bao bì.
Nói một cách đơn giản thì hệ thống Chấm Xanh khuyến khích nhà sản xuất cắt giảm lượng bao bì để tiết kiệm khoản phí phải nộp.
Cùng với Đức, Thụy Điển là một trong những quốc gia châu Âu có văn hóa bảo vệ môi trường tốt nhất.
Theo trang Blue Ocean Strategy, chỉ 1% rác thải ở Thụy Điển được đưa đến bãi chôn lấp, 47% được tái chế và 52% rác thải không thể tái chế sẽ được đốt thành năng lượng, đủ để sưởi ấm cho 1 triệu ngôi nhà và cung cấp điện cho 250.000 ngôi nhà trên cả nước.
Thậm chí ở Stockholm, máng thải đã được thiết kế để chuyển rác thẳng vào lò đốt rác thành năng lượng để dùng cho chính khu dân cư đó.
Người Thụy Điển từ khi còn rất nhỏ đã hình thành lối sống xanh, học thói quen dọn và phân loại rác vào các túi có màu sắc khác nhau.
Thụy Điển cũng giúp việc tái chế trở nên dễ dàng, thuận tiện khi người dân có thể tìm thấy trạm tái chế trong khoảng cách 300m từ bất kỳ khu dân cư nào. Họ cũng nhận được phiếu giảm giá như một phần thưởng cho việc sử dụng máy tái chế này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận