Một ca phẫu thuật thẩm mỹ ngực tại bệnh viện ở TP.HCM - Ảnh: T.T.D.
Theo trang Livescience (Mỹ) ngày 6-2, FDA cho biết trong vòng 8 năm, tính tới ngày 30-9-2018, cơ quan này đã xác định được 457 trường hợp bị sau phẫu thuật có tên "Breast implant-associated anaplastic large cell lymphoma" (Ung thư lympho ác tính tế bào khổng lồ liên quan tới độn ngực - BIA-ALCL), trong đó đã có 9 người chết.
Ung thư tế bào hệ miễn dịch
Trên thực tế, từ năm 2011, tức là cách đây 8 năm, FDA cũng từng xác định có mối liên quan tiềm ẩn giữa phẫu thuật nâng ngực và chứng gặp này. Lúc đó, FDA mới chỉ ghi nhận được một số trường hợp mắc bệnh và chưa đủ chứng cứ y khoa để xác định các nhân tố nào làm tăng nguy cơ bệnh.
Theo Đài NBC (Mỹ), trên thế giới hiện có gần 700 trường hợp bệnh này và 16 phụ nữ đã chết vì BIA-ALCL.. Năm 2016, Tổ chức Y tế thế giới đã xác định BIA-ALCL là bệnh u lympho tế bào T có thể phát sinh sau phẫu thuật nâng ngực.
BIA-ALCL không phải là ung thư vú mà là một dạng ung thư lympho (nhóm các dạng ung thư máu phát triển từ bạch huyết bào), là ung thư tế bào hệ miễn dịch. Khi phát bệnh, tế bào ung thư này thường xuất hiện trong các mô sẹo hoặc dịch ở xung quanh vị trí phẫu thuật nâng ngực. Nhưng trong một số trường hợp, theo FDA, nó có thể chạy khắp cơ thể.
Khó xác định chính xác mức độ nguy cơ
Mặc dù cho tới nay hầu hết các trường hợp bị BIA-ALCL đã ghi nhận đều xảy ra với những phụ nữ làm phẫu thuật nâng ngực với miếng độn ngực có bề mặt sần (textured breast implants), song cũng có cả một số trường hợp bị BIA-ALCL với miếng độn ngực bề mặt nhẵn (smooth breast implants).
Theo FDA, hiện rất khó để xác định chính xác mức độ nguy cơ bị BIA-ALCL do thiếu thông tin về số người đã thực hiện phẫu thuật nâng ngực ở Mỹ cũng như trên toàn thế giới.
Các trường hợp đã được ghi nhận bị BIA-ALCL cũng không ghi rõ loại miếng độn sử dụng ở từng người, thời điểm bị chẩn đoán ung thư họ đã phẫu thuật nâng ngực lần đầu hay lần thứ mấy nên FDA chưa thể xác định chính xác mức độ nguy cơ cụ thể loại nào cao hơn. Theo Đài NBC, trong tháng tới FDA sẽ tổ chức thảo luận về mức độ an toàn của phẫu thuật nâng ngực.
Tuy nhiên, từ thực tế ghi nhận về số trường hợp bị BIA-ALCL gia tăng thời gian qua, FDA cảnh báo những đơn vị cung cấp dịch vụ y tế cần nắm được thông tin về BIA-ALCL, cân nhắc tới nguy cơ này trong quá trình chẩn bệnh ở những phụ nữ từng nâng ngực nếu họ có các triệu chứng như đau, sưng hoặc nổi u xung quanh khu vực phẫu thuật.
Việt Nam đang theo dõi lại các ca nâng ngực
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 11-2, bác sĩ Nguyễn Huy Thọ, nguyên chủ nhiệm khoa phẫu thuật tạo hình và thẩm mỹ, Bệnh viện Trung ương quân đội 108, cho hay các bác sĩ thẩm mỹ Việt Nam đang tập hợp các nghiên cứu quốc tế liên quan đến nguy cơ ung thư do dùng túi nâng ngực bề mặt nhám để có khuyến cáo cho khách hàng Việt Nam.
Bác sĩ Thọ cho biết ông đã có hai báo cáo theo dõi khách hàng nâng ngực trong vòng 5 năm nhưng đều chưa ghi nhận các biến chứng lớn (như ung thư). Tuy nhiên, về loại túi đang sử dụng để nâng ngực tại Việt Nam gần đây, bác sĩ Thọ cho biết loại túi có bề mặt nhám (loại đang bị cảnh báo nguy cơ ung thư) là một trong nhóm sản phẩm được ưa dùng.
Chưa có thống kê nào về số người đã sử dụng túi nâng ngực ở Việt Nam, loại túi được sử dụng, số lượng có biến chứng... Việc bán túi nâng ngực tại Việt Nam thông qua các đại lý và họ giữ bí mật về số lượng túi bán ra. Việc ghi nhận biến chứng thường có chỉ ở các nghiên cứu nhỏ và chưa cụ thể.
Các chuyên gia chia sẻ: cảnh báo ung thư ở người nâng ngực bằng túi bề mặt nhám gây bất ngờ cho giới bác sĩ, các nghiên cứu hãng sản xuất công bố trước đây đều cho rằng sản phẩm an toàn!
Theo khảo sát của Tuổi Trẻ, gần đây có một số trường hợp gặp biến chứng sau nâng ngực được thông báo, đặc biệt là các trường hợp nâng ngực bằng silicon lỏng hay loại "mỡ nhân tạo Thái Lan" như quảng cáo của các cơ sở thẩm mỹ.
Nhiều trường hợp bị silicon thâm nhiễm vào các mô, gây tình trạng ngực bị cứng như đá, bị cục lổn nhổn hoặc bị co rút dẫn đến mất hình thù ban đầu, thậm chí làm ngực bị lõm sâu như người bị mất ngực.
Một số trường hợp bị co bao xơ sau nâng ngực bằng túi nâng ngực, khiến ngực méo mó phải lấy túi độn ra. Tuy nhiên, chưa từng có ca ung thư sau sử dụng túi nâng ngực được báo cáo tại Việt Nam.
Pháp kêu gọi cấm sử dụng miếng độn ngực Allergan
Miếng độn ngực - Ảnh minh họa: USA Today/Getty Images
Ngày 9-2, sau 2 ngày điều trần công khai về mức độ an toàn của sản phẩm, cơ quan chức năng Pháp kêu gọi cấm sử dụng miếng độn ngực bề mặt sần của hãng Allergan, sản phẩm hiện đang chiếm tới 85% thị phần ở Pháp.
Theo Đài NBC, khuyến nghị được Cơ quan Quốc gia phụ trách an toàn của thuốc và các sản phẩm sức khỏe của Pháp (ANSM) đưa ra sau khi nhà chức trách nhận thấy loại sản phẩm này có liên quan tới chứng ung thư hiếm BIA-ALCL ở những người đã phẫu thuật nâng ngực.
ANSM cũng cảnh báo các bác sĩ và người bệnh nên thận trọng khi sử dụng các miếng độn sần nâng ngực của các hãng khác. Trước đó, tháng 12-2018, ANSM đã thu hồi miếng độn sần nâng ngực của Allergan.
Theo trang Docshop (Mỹ), trong phẫu thuật nâng ngực, hiện có hai lựa chọn miếng độn là loại có bề mặt thô nhám như giấy ráp, gọi là bề mặt sần, và loại có bề mặt trơn nhẵn. Mỗi loại miếng độn có ưu khuyết điểm khác nhau.
Miếng độn nhẵn được sử dụng phần lớn trong các phẫu thuật nâng ngực hiện nay, đây cũng là lý do khiến nó có giá rẻ hơn miếng độn sần. Miếng độn này có phần da mỏng hơn so với miếng độn sần nên tạo cảm giác mềm mại hơn. Độ bền của loại này cũng lâu hơn miếng độn sần.
Miếng độn bề mặt sần được thiết kế nhằm giữ cố định cho miếng độn không bị xô lệch xung quanh phần túi ngực do bác sĩ phẫu thuật tạo ra. Bề mặt hơi nhám khiến miếng độn bám chắc hơn vào phần mô ngực bao quanh, giúp nó đứng yên ở vị trí ban đầu. Tuy nhiên, miếng độn sần thường dễ bị rò hoặc gợn nhăn hơn miếng độn nhẵn...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận