Các bác sĩ phẫu thuật lấy sỏi bàng quang cho một bệnh nhân tại Bệnh viện Q.Gò Vấp (TP.HCM) - Ảnh: P.H. |
Ông N.Đ.H., 53 tuổi (Q.1, TP.HCM) đến khoa niệu Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) chờ bác sĩ khám lại để xếp lịch mổ sỏi thận. Ông H. kể mới đây khi tập thể dục về ông bị đi tiểu ra máu. Ông đến một cơ sở y tế siêu âm thì được chẩn đoán có sỏi ở thận trái nên đến Bệnh viện Bình Dân khám lại.
Ông H. kể những tháng ngày còn trẻ ông thường xuyên bận rộn với công việc và rất ít khi uống nước...
Vùng sỏi
Siêu âm bụng để phát hiện sỏi niệu Theo các bác sĩ, dù đau lưng ít nhiều, có thay đổi nước tiểu ít nhiều như tiểu đục, tiểu đỏ... người bệnh vẫn nên đi siêu âm bụng để có thể phát hiện sỏi. Tùy kích cỡ, vị trí sỏi, có gây bít tắc, nhiễm trùng hay không, bác sĩ sẽ có hướng điều trị khác nhau. Những sỏi nhỏ nằm ở sâu trong góc thận, không gây đau, chứa nước có thể điều trị nội khoa cho tan. Sỏi kẹt ngay trong niệu đạo, sỏi gây nhiễm trùng thận, sỏi lớn... phải cấp cứu lấy ra ngay bằng mổ hở hoặc nội soi tán sỏi. |
PGS.TS Nguyễn Văn Ân, trưởng khoa niệu A Bệnh viện Bình Dân, cho biết hình chụp CT-scan tại Bệnh viện Bình Dân cho thấy ông H. có khoảng sáu viên sỏi, trong đó một vài viên sỏi dính liền với nhau tạo thành một khối sỏi lớn. Do phát hiện trễ, kích cỡ khối sỏi khá lớn (dài khoảng 5cm) nên các bác sĩ không thể tán sỏi ngoài cơ thể hay tán sỏi qua da mà phải mổ hở cho bệnh nhân.
Mới đây Bệnh viện Bình Dân cũng tiếp nhận ông N.C.D., 54 tuổi, ở Bình Phước nhập viện trong tình trạng bị nhiễm trùng tiểu, bạch cầu tăng rất cao do có một khối sỏi san hô to trong thận.
Theo PGS Ân, nếu bệnh nhân này không được điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ tử vong. PGS Ân nhấn mạnh có những loại sỏi nhỏ phát hiện sớm, điều trị nội khoa có thể tan được nhưng nhiều trường hợp có sỏi niệu, không được phát hiện sớm sỏi sẽ làm tắc đường tiết niệu, gây nhiễm trùng, có thể gây sốc và tử vong.
Bệnh viện Bình Dân từng gặp không ít trường hợp bệnh nhân tử vong vì sỏi niệu gây nhiễm trùng huyết do không được phát hiện và điều trị kịp thời. Có trường hợp phát hiện trễ, sỏi niệu còn có thể gây suy thận giai đoạn cuối. Khi đó người bệnh phải chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng hoặc ghép thận.
PGS.TS Nguyễn Văn Ân nhận xét VN được coi là một vùng sỏi do nhiều người dân có sỏi niệu. Nguyên nhân do VN có khí hậu nhiệt đới, thời tiết nóng nên dễ bị mất mồ hôi.
Ngoài ra, nước ta vẫn là nước nông nghiệp nên còn nhiều người dân lao động chân tay ngoài trời, dễ bị đổ mồ hôi nên dễ bị mất nước. Khi bị thiếu nước, nước tiểu sẽ bị cô đặc, tạo thành sỏi.
Tuy nhiên, không chỉ người lao động tay chân dễ bị sỏi niệu mà ngay cả những người làm công việc trí óc nhưng không uống nhiều nước, ăn những thức ăn chứa nhiều calcium như tôm, cua, sò, hến, sữa, ca cao... vẫn có thể bị sỏi niệu.
Hàng trăm viên sỏi trong thận
Theo các bác sĩ, sỏi ở đường tiết niệu hay còn gọi là sỏi niệu có mặt ở bốn cơ quan lớn của đường tiết niệu là: thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo, trong đó phần lớn sỏi ở thận và niệu quản.
Sỏi niệu có thể gặp ở các độ tuổi khác nhau nhưng gặp nhiều ở tuổi thanh niên và trung niên, hiếm gặp ở tuổi thiếu nhi. Những em thiếu nhi bị sỏi thường do có những dị tật bẩm sinh như hẹp niệu quản làm nước bị đọng lại tạo thành sỏi.
Từ nhiều năm nay sỏi niệu là nhóm bệnh đông nhất về đường tiết niệu, chiếm tới 50% số bệnh nhân của phòng khám niệu cũng như số ca phẫu thuật ở khoa niệu Bệnh viện Bình Dân. Hiện mỗi ngày các bác sĩ khoa niệu phẫu thuật cho khoảng 10 bệnh nhân có sỏi niệu.
PGS.TS Nguyễn Văn Ân kể các bác sĩ Bệnh viện Bình Dân từng phẫu thuật lấy ra những mảng sỏi san hô có chiều dài khoảng 10cm trong thận bệnh nhân. Có những bệnh nhân có hàng trăm viên sỏi nhỏ trong thận cũng được các bác sĩ phẫu thuật lấy ra.
Nhiều người bệnh đến bệnh viện và được phát hiện có sỏi niệu do có những cơn đau nặng nề như đau quặn thận phải vào cấp cứu ngay. Ngược lại có người bệnh có sỏi lớn nhưng không thấy đau, hoặc đau rất mơ hồ như sau một ngày lao động vất vả mới thấy hơi đau lưng nên rất dễ nhầm bị đau lưng do lao động nhiều, khó phát hiện.
Có người được phát hiện sỏi niệu khi nhập viện điều trị một bệnh khác. Có người đến bệnh viện khám bệnh vì mệt mỏi quá hoặc đi tiểu đục, tiểu đỏ, sau đó được phát hiện có sỏi niệu.
Trên thị trường hiện quảng cáo có nhiều loại thuốc, thảo dược có thể làm tan sỏi, thực tế có đúng như vậy? Theo bác sĩ Ân, có bốn nhóm sỏi chính là sỏi calcium, sỏi nhiễm trùng, sỏi cystin, sỏi urate. Xét nghiệm nước tiểu hoặc phân tích sỏi sẽ giúp người bệnh biết được có sỏi loại gì.
Sỏi calcium và sỏi nhiễm trùng chiếm 85% trường hợp có sỏi nhưng đến nay chưa có loại thuốc nào có thể làm tan những loại sỏi này, mà chỉ có thuốc làm tan những loại sỏi còn lại (chiếm 15%).
Do vậy những loại thuốc, thảo dược quảng cáo trên thị trường không làm tan được những loại sỏi “cứng đầu” như calcium, sỏi nhiễm trùng mà chủ yếu có tác dụng lợi tiểu hoặc bào mòn sỏi phần nào để tránh làm sỏi tích tụ, to hơn. Mỗi loại sỏi sẽ có một loại thức ăn hình thành nên.
Khi bệnh nhân được xác định có sỏi loại nào, bác sĩ sẽ dặn phải hạn chế những loại thức ăn gì để tránh bị tái phát.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận