Tháp dinh dưỡng hợp lý cho người trưởng thành - Ảnh: Viện Dinh dưỡng quốc gia
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng (Trung tâm oxy cao áp, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, Bộ Quốc phòng) cho biết trong quá trình tham gia tư vấn cho các bệnh nhân COVID-19, bác sĩ gặp rất nhiều người bệnh đang bổ sung dưỡng chất sai cách.
"Nhiều người sau khi mắc COVID-19 mua đến 4-5 loại vitamin C, D, canxi… để bổ sung cho cơ thể. Tình trạng này phổ biến đặc biệt ở gia đình có con nhỏ và người già. Tuy nhiên, việc sử dụng quá nhiều các loại vitamin như vậy không những gây tốn kém mà trong nhiều trường hợp có thể khiến ảnh hưởng đến sức khỏe" - bác sĩ Hoàng cho biết.
Cần bổ sung các loại vitamin nào sau khi mắc COVID-19?
PGS.TS Bùi Thị Nhung, Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết sau khi mắc COVID-19, người bệnh cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý.
Cụ thể, chế độ ăn cần tăng cường các thực phẩm có chứa chất dinh dưỡng quan trọng giúp cải thiện và nâng cao hệ miễn dịch như protein (chất đạm), omega 3 (acid béo không no thiết yếu); vitamin A, C, E, D, sắt và kẽm, selen, flavonoid, probiotic..., tốt nhất bằng con đường tự nhiên qua bữa ăn hằng ngày.
Chuyên gia khuyến cáo mỗi loại vitamin đều có tác dụng nhất định đối với sức khỏe: vitamin A quan trọng trong việc duy trì sự toàn vẹn của niêm mạc đường hô hấp và đường tiêu hóa. Thực phẩm giàu vitamin A gồm gan động vật, lòng đỏ trứng.
Các loại rau và trái cây cũng chứa nhiều vitamin A dưới dạng beta-caroten như: đu đủ, cà rốt, khoai lang, bí ngô, cam, xoài, gấc, bông cải xanh, rau cải bó xôi…
Vitamin C là vitamin thiết yếu cho hệ thống miễn dịch của cơ thể, hỗ trợ chức năng tế bào cho hệ thống đáp ứng miễn dịch, có chức năng là hàng rào nội mạc chống lại các yếu tố gây bệnh, tăng cường hoạt động "dọn dẹp" chất gây oxy hóa để bảo vệ cơ thể.
Thiếu vitamin C làm suy giảm khả năng miễn dịch, dễ bị nhiễm trùng. Nguồn thực phẩm giàu vitamin C là trái cây và rau tươi: cam, quýt, bưởi, ổi, đu đủ, xoài, táo, nho, kiwi, cà chua, súp lơ, củ cải, rau ngót, ớt chuông, rau chân vịt…
Vitamin E có thể thúc đẩy sự phát triển của các cơ quan miễn dịch. Thực phẩm giàu vitamin E gồm các loại hạt như hạt hướng dương, các sản phẩm từ đậu nành, lúa mì, giá đỗ, rau mầm, rau chân vịt...
Vitamin D là vitamin tan trong chất béo, có liên quan đến các chức năng khác nhau của hệ thống miễn dịch, tiêu hóa, tuần hoàn và thần kinh.
Da cần tiếp xúc với ánh nắng mặt trời 15-30 phút mỗi ngày, bữa ăn tăng cường các thực phẩm giàu vitamin D như gan cá, lòng đỏ trứng, cá và các thực phẩm được bổ sung vitamin D (các loại sữa, ngũ cốc)... để đáp ứng nhu cầu vitamin D.
Sắt và kẽm giúp duy trì hoạt động bình thường của hệ thống miễn dịch. Các loại thịt gia cầm và các loại hải sản có vỏ như hàu, cua, sò... là nguồn cung cấp kẽm vô cùng phong phú. Bên cạnh đó, gan động vật và thịt nạc cũng rất giàu sắt, cơ thể có thể dễ dàng hấp thụ.
Omega 3 là acid béo thiết yếu mà cơ thể không tự tổng hợp được, có vai trò quan trọng trong chống viêm và cải thiện hệ miễn dịch. Omega 3 có nhiều trong các sản phẩm dầu cá, dầu gan cá, cá mòi, cá hồi, các ba sa, cá bơn, cá trích, cá ngừ, hàu và một số loại hạt.
Có nên sử dụng nhiều loại thực phẩm chức năng?
Đối với các loại thực phẩm chức năng, bà Nhung cho biết các loại vi chất dinh dưỡng (viên đa vi chất, hoặc sản phẩm dinh dưỡng có chứa vi chất sắt, kẽm, vitamin A, C, D, E…), omega 3 (hay còn gọi là viên dầu cá) cần được bổ sung theo hướng dẫn của bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng khi khẩu phần ăn không cung cấp đủ và có xét nghiệm vi chất dinh dưỡng.
PGS Nhung cũng chia sẻ có tình trạng tăng cường bổ sung vitamin bằng cách học kinh nghiệm trên mạng, không có sự tư vấn của bác sĩ, dẫn tới dùng quá nhiều vitamin một lúc.
Điều này có thể dẫn đến những ảnh hưởng cho sức khỏe. Bổ sung vitamin C quá liều sẽ dẫn các triệu chứng kích ứng tiêu hóa như đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy. Uống vitamin C liều cao kéo dài có thể gây sỏi thận.
Vi chất dinh dưỡng rất cần thiết cho cơ thể nhưng nếu sử dụng quá liều so với nhu cầu cơ thể và tình trạng vi chất của người bệnh sẽ gây ra những hậu quả không tốt cho sức khỏe…
Bác sĩ Hoàng khuyến cáo người bệnh sau khi mắc COVID-19 nên giữ tinh thần thoải mái, tập thể dục nhẹ nhàng, ăn uống điều độ, có thể ăn thành nhiều bữa, để cơ thể từ từ hồi phục.
"Không có loại thuốc nào làm tăng hệ miễn dịch trong 1- 2 ngày, đó là cả một quá trình, chăm sóc sức khỏe hằng ngày" - bác sĩ Hoàng nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận