“Có một quan niệm sai lầm phổ biến là ảnh hưởng của thiên thạch hiếm khi xảy ra... Điều đó là không đúng” - cựu phi hành gia Ed Lu và là người đứng đầu tổ chức B612 nhận định. B612 có trụ sở tại Mỹ, bao gồm nhiều cựu phi hành gia của NASA, là một tổ chức về các chiến dịch bảo vệ không gian.
Dữ liệu thu thập từ kính thiên văn Wise của NASA cho thấy số lượng vật thể ngoài vũ trụ với kích thước 100-1.000m đã gần đến con số 20.000 và phần lớn trong số này đang được xác định và theo dõi. |
Dựa trên dữ liệu từ Tổ chức Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBTO), B612 cho biết theo dữ liệu ghi nhận từ năm 2000-2013, hệ thống nhận diện sóng hạ âm (dưới ngưỡng tai nghe của con người) thống kê có tổng cộng 26 vụ nổ lớn trên bầu khí quyển Trái đất.
BBC cho biết 26 vụ nổ này không phải do bom hạt nhân mà đều là do thiên thạch ma sát với bầu khí quyển gây ra. Trong số này có vụ nổ xảy ra ngày 15-2-2013 trên bầu trời Chelyabinsk (Nga) khiến hơn 1.000 người bị thương do kính vỡ và các mẩu đất đá.
Năng lượng phát sinh từ một vụ nổ thiên thạch dao động từ 1-600 kiloton. Để dễ so sánh, BBC cho biết quả bom nguyên tử hủy diệt thành phố Hiroshima của Nhật phát ra 15 kiloton năng lượng. May mắn thay, hầu hết thiên thạch đều tan chảy trong bầu khí quyển trên cao của Trái đất và ít gây hậu quả cho bên dưới mặt đất. Tuy nhiên có nhiều trường hợp các mẩu thiên thạch rơi xuống đại dương và con người không có cơ hội để đánh giá về mức thiệt hại do những vụ như thế này gây ra.
B612 dựa trên số liệu từ CTBTO cho thấy Trái đất phải đối mặt với một vụ va chạm từ một thiên thạch hàng megaton khoảng 100 năm một lần. Một thiên thạch 1 megaton có sức hủy diệt một thành phố lớn nếu nó vượt qua bầu khí quyển để chạm đến bề mặt Trái đất.
Hiện nay B612 đang xây dựng một kính thiên văn hồng ngoại nhằm săn lùng những thiên thạch có khả năng gây nguy hại cho Trái đất. B612 đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng kính thiên văn Sentinel như là một cách tốt hơn để định rõ số lượng các thiên thạch và giảm trừ rủi ro do các thiên thạch gây ra cho Trái đất.
Dự án trị giá khoảng 250 triệu USD sẽ trình làng năm 2018 với sự giúp đỡ vốn từ khối tư nhân. Đài quan sát sẽ được đặt vào vị trí tương tự như quỹ đạo của sao Kim và nhìn về hướng Trái đất. Vị trí này giúp các nhà quan sát dễ dàng nhìn thấy các mảnh thiên thạch bên trong Hệ Mặt trời mà các kính thiên văn đặt tại Trái đất không nhìn thấy được do bị chói bởi ánh sáng Mặt trời.
Sentinel sẽ hoạt động chủ yếu trong vùng hồng ngoại - phần quang phổ tốt nhất - để tìm kiếm các thiên thạch xám đen. Các khảo sát trước đây cho thấy chúng ta có thể tìm thấy hơn 90% các “quái vật” thật sự có thể mang đến sự hủy diệt của Trái đất khi chúng đâm vào bầu khí quyển. Tin tốt lành là có vẻ sẽ không có thiên thạch dạng này chạm trán với con người trong thời gian sớm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận