Phóng to |
Rác điện tử sẽ đe dọa cuộc sống của con người nếu không có các phương án xử lý ngay từ bây giờ - Nguồn: Flickr |
Riêng ở Ấn Độ, dự đoán từ năm 2007-2020, rác thải điện tử từ máy tính cũ sẽ tăng tới 500%. Con số này ở một số nước đang phát triển khác như Nam Phi, Trung Quốc khoảng 200 - 400%. Năm 2020, lượng rác thải từ điện thoại hỏng ở thị trường Trung Quốc sẽ cao gấp 7 lần so với thời điểm 2007. Trong khi đó, ở Ấn Độ là 18 lần.
Theo công bố từ nghiên cứu do Chương trình môi trường của Liên Hiệp Quốc và Trung tâm nghiên cứu khoa học vật liệu EMPA (Thụy Sĩ) thực hiện, các nước đang phát triển không có hệ thống hạ tầng tái chế rác thải điện tử phù hợp. Các phương pháp xử lý rác điện tử, quy trình tái chế chưa hoàn chỉnh, đặc biệt là phương án thiêu hủy rác máy tính và điện thoại di động, có thể gây tác hại nghiêm trọng tới sức khỏe con người và môi trường.
Cũng theo lời của phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc kiêm giám đốc điều hành UNDP Achim Steiner, “bản báo cáo đưa ra một lời cảnh báo mới, cần phải xây dựng những hệ thống thu gom, quản lý rác điện tử có quy mô rộng lớn, hiệu quả hơn ở Trung Quốc - công xưởng sản xuất và gia công hàng điện tử lớn nhất thế giới hiện nay”.
Điện thoại di động thường gồm một số vật liệu quý như đồng, coban, bạc và vàng - vốn thường chiếm 23% trọng lượng của thiết bị. Trong khi đó, đồ điện tử nói chung thường có các thành phần tiềm ẩn nguy cơ gây hại tới môi trường như chì, thủy ngân và asen, khi bị đốt cháy sẽ thải khí độc ra môi trường. Thông thường người tái chế cũng dùng thủy ngân xử lý rác điện tử để lấy vàng. |
Bản báo cáo của Liên Hiệp Quốc cảnh báo tác hại từ tình trạng đổ dồn rác thải điện tử bừa bãi như hiện nay ở một số nước đang phát triển. Như ở Trung Quốc, những người nhặt rác thường tiêu hủy đồ điện tử để lấy các kim loại quý như vàng. Điều này cũng đồng nghĩa sẽ thải khí độc ra môi trường.
Nguy cơ là vậy nhưng nếu xử lý đúng cách, người ta vẫn có thể lấy lại các vật liệu quý một cách dễ dàng và ít ảnh hưởng tới môi trường. Vấn đề là phải có sự hợp tác liên quốc gia với cơ sở hạ tầng đầy đủ, hạn chế tối đa tác hại ra bên ngoài. Chẳng hạn, rác thải điện tử ở các nước châu Âu thường do một mình Hungary xử lý.
Khá nhiều hãng sản xuất đang nỗ lực để giảm lượng vật liệu có hại khi thiết kế PC, đồ điện tử gia dụng. Tuy nhiên, đứng trước nguy cơ phải “lãnh đạn” từ chính những thiết bị quen thuộc không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại, các nước cần có những phương án chuẩn bị ngay từ bây giờ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận