Các nạn nhân bị đau, mỏi cơ toàn thân, đặc biệt ở tay chân, chóng mặt, tiêu chảy, buồn nôn, thậm chí nôn mửa.
Phòng hóa sinh Viện Hải dương học (tại TP Nha Trang, Khánh Hòa) tiếp nhận mẫu thịt cá hồng cắt khúc, thuộc phần còn lại của con cá hồng mà các nạn nhân đã ăn. Kết quả ban đầu ghi nhận mẫu thịt cá hồng cắt khúc có chứa độc tính 2 MU/gam thịt cá tươi.
Độc tính này gây ra bởi nhóm độc tố ciguatoxin (CTX) có tính bền nhiệt, không bị phá hủy trong quá trình chế biến.
Độc tố CTXs được xác định có nguồn gốc từ một số loài vi tảo sống đáy, thường sống bám trên các loài tảo lớn hay rong biển ở khu vực rạn san hô.
Các loài cá ăn thực vật có thể bị tích lũy độc tố này khi ăn các loài rong tảo nói trên. Các loài cá hoặc sinh vật khác trong chuỗi thức ăn biển sẽ tiếp tục tích lũy độc tố khi ăn những loài cá đã tích lũy độc tố CTXs.
Cứ như vậy, độc tố này sẽ trung chuyển lên thang bậc cao hơn của chuỗi thức ăn biển, dẫn đến nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm cho con người.
Thông thường cá thể cá càng có kích cỡ lớn, tập tính ăn động vật sẽ có nguy cơ tích lũy hàm lượng độc tố càng cao, càng nguy hiểm.
Cá hồng có tên tiếng Anh là red snapper, thường sống xung quanh khu vực các rạn san hô nên có nguy cơ cao bị tích lũy độc tố CTXs. Ngoài ra, nhiều loài động vật biển khác như cá mú, cá ngừ, chình biển... cũng không loại trừ khả năng bị nhiễm độc tố tự nhiên này.
Thông thường chúng an toàn để ăn, nhưng tùy điều kiện môi trường sống, chúng sẽ tích lũy độc tố ngẫu nhiên vào nguồn thức ăn của chúng.
Hiện nay rất khó cảnh báo, dự đoán được loài cá nào, thời điểm nào tích lũy độc tố gây ngộ độc cho con người. Mặt khác, rất khó xác định nguồn gốc các loài cá trên đại dương do tập tính bơi, di chuyển xa và rộng của chúng.
Để bảo vệ sức khỏe cần rất thận trọng với những loài cá có nguồn gốc từ vùng rạn san hô, không ăn quá nhiều trong một khẩu phần ăn.
Nếu có cảm giác bị ngộ độc ban đầu như tê lưỡi, tê môi, đau nhức cơ... nên kích thích nôn càng nhiều càng tốt và lập tức đến bệnh viện gần nhất để được điều trị kịp thời, tránh tử vong đáng tiếc.
Sau khi bị ngộ độc, nạn nhân cần tránh ăn thức ăn hải sản khác, không uống bia rượu hoặc ăn các loại hạt nhiều dầu béo như đậu phộng, hạt điều... nhằm tránh tình trạng ngộ độc kéo dài hay trở nên trầm trọng hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận