22/03/2011 07:02 GMT+7

Nguy cơ nào cho cuộc chiến Libya?

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TT - Máy bay và tàu chiến liên quân đang nhắm hỏa lực vào hệ thống phòng không của Libya. Nhưng điều gì sẽ xảy ra sau đó?

iY6DJMxN.jpgPhóng to
Cuộc tấn công vào Lybia ngày 21-3

Chuyên gia Shashank Joshi của Viện Nghiên cứu an ninh và quốc phòng hoàng gia Anh (RUSI) nhận định kể cả sau khi toàn bộ hệ thống phòng không Libya đã bị phá vỡ, chính quyền Gaddafi vẫn sẽ còn rất nhiều lực lượng quân sự đóng tại các khu vực đô thị, đủ khả năng gây tổn thất lớn cho lực lượng nổi dậy.

Trong cuộc chiến Kosovo năm 1999, các cuộc không kích của NATO diễn ra ròng rã suốt 78 ngày trước khi Serbia rút quân ra khỏi Kosovo.

Và nếu ông Gaddafi vẫn nắm quyền, cuộc can thiệp quân sự của phương Tây có nguy cơ chia cắt Libya thành hai nửa thù địch: phe ủng hộ Gaddafi và phe chống đối Gaddafi.

Hãng tin Bloomberg dẫn lời ông Volker Perthes, giám đốc Viện An ninh và quốc tế Đức, cho biết đó là kịch bản đã từng có tiền lệ. Năm 1991, liên quân do Mỹ cầm đầu thiết lập vùng cấm bay ở phía bắc Iraq sau chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất.

Lập tức người Kurd ở Iraq lập ra vùng tự trị. Đến khi đó điều gì sẽ xảy ra? Liên quân kiểm soát bầu trời Libya, dưới mặt đất là cuộc nội chiến.

Không ít người cho rằng phương Tây muốn diệt luôn ông Gaddafi và cuộc chiến sẽ leo thang. Các chuyên gia đều cho rằng “không thể thắng một cuộc chiến chỉ bằng các cuộc không kích. Để khuất phục Gaddafi và đánh bại đội quân của ông ta phải đưa quân bộ vào”.

Các nhà quan sát cũng chỉ ra rằng các vùng cấm bay do Mỹ thiết lập thường dẫn tới những chiến dịch can thiệp quân sự có sự tham gia của bộ binh. Vùng cấm bay Iraq năm 1991 kết thúc với chiến dịch tự do Iraq năm 2003. Chiến tranh ở Bosnia mở đầu với chiến dịch cấm bay.

Theo báo Independent, một số quan chức cấp cao thuộc Bộ Quốc phòng Anh không loại bỏ khả năng đưa bộ binh vào Libya.

Rất có khả năng liên quân sẽ sa lầy ở Libya và quốc gia này sẽ trở thành một chiến trường đẫm máu chẳng khác gì Iraq. Nhớ lại ngày 1-5-2003, trên tàu USS Abraham Lincoln, tổng thống Mỹ George Bush đã tuyên bố chấm dứt hoạt động chiến sự chủ chốt ở Iraq sau hơn một tháng tấn công Iraq. Trên tàu khi đó treo tấm băngrôn: “Nhiệm vụ đã hoàn thành”.

Nhưng cuộc chiến du kích và tình trạng bạo loạn ở Iraq sau đó đã khiến hàng chục ngàn người thiệt mạng.

Và khi một cuộc tấn công cứ kéo dài thì nguy cơ lớn nhất là sự sa lầy và hệ lụy của nó là dư luận chung sẽ đổi chiều. Dư luận rộng rãi ban đầu có thể ủng hộ quốc gia mình tham chiến, nhưng rồi sẽ bắt đầu xuất hiện những nghi ngờ, nhất là khi bắt đầu có những tổn thất.

HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên